Thứ 4, 06/11/2024 01:39 [(GMT +7)]
Phú Yên chuyển 92 trường bán công, dân lập thành trường công lập
Thứ 4, 18/08/2010 | 09:31:00 [(GMT +7)] A A
Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên vừa ký quyết định chuyển 5 trường THTP bán công thành trường THPT công lập; 35 lớp của sáu trường THPT công lập có lớp bán công chuyển sang công lập. Chủ tịch UBND của chín huyện, thị, thành phố cũng có quyết định chuyển 87 trường mầm non bán công, dân lập thành trường mầm non công lập.
Thời điểm chuyển các trường THPT bán công và trường mần non bán công, dân lập thành trường công lập thực hiện từ đầu năm học 2010-2011.
Đồng thời tại kỳ họp HĐND tỉnh Phú Yên lần thứ 17 (khóa X) vừa được tổ chức, cũng đã thông qua nghị quyết bổ sung 1.216 biên chế sự nghiệp giáo dục và đào tạo để đáp ứng cho việc chuyển các trường bán công, dân lập sang công lập. Trong đó 363 biên chế giao cho Sở Giáo dục và Đào tạo để bố trí các trường THPT bán công và trường THPT công lập có lớp bán công chuyển sang công lập; 853 biên chế bổ sung cho 9 địa phương để để bố trí các trường mầm non bán công, dân lập chuyển sang trường mầm non công lập, trong đó nhiều nhất là huyện Tuy An 179 biên chế, TP Tuy Hòa 148 biên chế, huyện Tây Hòa 139 biên chế.
Theo ông Nguyễn Văn Tá, Giám đốc Sở GD-ĐT Phú Yên, hiện nay sở đang chỉ đạo cho các trường THPT thực hiện các thủ tục để tiếp nhận, bố trí biên chế tại các trường vừa chuyển sang công lập để kịp phục vụ năm học mới 2010-2011.
Cùng theo ông Tá, tại Phú Yên, số trẻ mầm non học ngoài công lập chiếm tỷ lệ 80,5%; số học sinh độ tuổi THPT học ngoài công lập và giáo dục thường xuyên THPT chiếm tỷ lệ 26,3%. Hằng năm, tỷ lệ tuyển sinh vào lớp 10 THPT công lập trong tỉnh chỉ hơn 50%, trong đó khu vực thành phố chỉ hơn 30% là còn thấp so với các tỉnh thành phố trong cả nước (từ 70% trở lên). Đáng chú ý, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở tiếp tục học lên lớp 10 THPT trong ba năm gần đây chiếm tỷ lệ 75%-83%.
Việc chuyển đổi các trường THPT bán công, mầm non bán công dân lập sang công lập là thực hiện công bằng xã hội về giáo dục tạo điều kiện cho con em các vùng nông thôn miền núi thu nhập thấp có điều kiện theo học, giảm tỷ lệ học sinh bỏ học do điều kiện gia đình khó khăn không có tiền đóng học phí; đồng thời thực hiện công bằng về chế độ chính sách đối với nhà giáo; có điều kiện để tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị trường học nhằm bảo đảm mặt bằng chất lượng giáo dục giữa các trường, các vùng miền trong tỉnh.
Đang tải dữ liệu
Poll
Ý kiến ()