Phú Xá chưa phú vì đường sá
LSO-Đang trong quá trình đẩy mạnh công cuộc xây dựng nông thôn mới, nhưng giao thông ở một xã cách trung tâm thành phố chưa đầy 20km, cách thị trấn vùng biên Đồng Đăng khoảng 3km lại dường như chưa được quan tâm.
LSO-Đang trong quá trình đẩy mạnh công cuộc xây dựng nông thôn mới, nhưng giao thông ở một xã cách trung tâm thành phố chưa đầy 20km, cách thị trấn vùng biên Đồng Đăng khoảng 3km lại dường như chưa được quan tâm. Hàng chục km đường liên xã, liên thôn chỉ là những “ổ trâu” nối tiếp “ổ voi” khiến người dân đi lại khó khăn, ảnh hưởng lớn đến giao lưu, phát triển kinh tế- xã hội. Vì vậy, số hộ nghèo và cận nghèo chiếm tỉ lệ cao, gần như dậm chân ở mức 58%. Đó chính là xã Phú Xá, huyện Cao Lộc.
![]() |
Đường giao thông xã Phú Xá luôn lầy lội mỗi khi trời mưa |
Từ km số 3 quốc lộ 1B, chúng tôi rẽ vào một con đường nhỏ. Đón đầu chúng tôi là những ổ trâu, ổ voi nước đọng ngập lên đến 1/3 bánh xe. Cứ ngỡ đoạn đầu, do có công trường khai thác đá nên đường xấu. Nhưng không, suốt dọc đường đi vào đến tận trung tâm xã Phú Xá, những ổ trâu, ổ voi cứ xuất hiện liên tục, khiến con đường gồ ghề trở nên xóc như cưỡi ngựa. Đoạn đường đến UBND xã dài chỉ chừng 2km mà chúng tôi đi mất gần 20 phút. Khi nghe đề cập về vấn đề giao thông thì ông Bế Mạnh Lâm, Bí thư Đảng ủy xã vừa cười vừa lắc đầu bởi đây là câu chuyện dài kỳ, “biết rồi khổ lắm, nói mãi”. Rồi ông chỉ sang khu vực cạnh ủy ban và nói: các anh cứ gặp đồng chí Lâm Văn Then, Phó chủ tịch UBND xã. Anh Then vào đề luôn với những thông tin cô đọng: “Phú Xá là xã vùng II của huyện Cao Lộc, có 7 thôn với 645 hộ, trên 2.640 khẩu, chủ yếu là dân tộc Tày, Nùng, sinh sống bằng sản xuất nông lâm nghiệp và chăn nuôi nhỏ lẻ. Toàn xã có khoảng 2km đường liên xã, 8km đường liên thôn, trong đó, đặc biệt là trục giao thông chính từ xã Hồng Phong đến trụ sở UBND xã vào đến ngã tư Lộc Hồ, và đoạn đường liên thôn tiếp nối vào các thôn Lộc Hồ, Cỏn Kẹn, Nà Slìm chưa được cứng hóa nên đường mấp mô sỏi đá, với những ổ, không biết gọi là ổ gì cho đúng bởi gọi là ổ gà, ổ trâu thì vẫn chưa lột tả được hết, có lẽ phải gọi là ổ voi thì mới xứng tầm”. Rồi anh tiếp tục trần tình: nói đúng ra thì năm 2002, xã đã có quyết định đầu tư xây dựng dường giao thông trục chính từ xã Hồng Phong vào đến ngã tư Lộc Hồ, dài khoảng 2km do UBND huyện làm chủ đầu tư. Lúc đó, mặc dù xã mới tiến hành kiểm đếm và chuẩn bị phương án đền bù, nhưng nhà thầu đã mang máy móc đến ồ ạt gạt đất san nền. Bà con vui lắm, câu chuyện đường sá luôn là đề tài nóng bỏng trong các câu chuyện “trà dư tửu hậu”. Tuy nhiên, đùng một cái dự án dự án bỗng dưng đột ngột bị dừng lại, người dân thì ngơ ngác, đến xã cũng chẳng hiểu tại sao. Và từ đó đến giờ, đã 11 năm trôi qua, người dân trong xã phải chịu cảnh trời mưa thì lầy lội, trời nắng thì bụi tung trời và ổ voi nối tiếp ổ voi. Cũng một phần vì giao thông khó khăn nên sản phẩm hàng hóa sản xuất ra cũng khó tiêu thụ, khiến cho kinh tế- xã hội nơi đây rất chậm phát triển, hộ nghèo và cận nghèo còn chiếm tỉ lệ cao, khoảng 58% với 354/645 hộ.
Ngồi bên cạnh, anh Hứa Văn Đài, Chủ tịch HĐND xã tiếp lời: trong tất cả các cuộc tiếp xúc cử tri, từ cấp thôn bản đến cấp huyện, tỉnh, hầu hết các cử tri đều có kiến nghị về việc đầu tư xây dựng giao thông nông thôn, nhất là trong giai đoạn gấp rút xây dựng nông thôn mới như hiện nay. Nhận thấy rằng, giao thông nông thôn đang là vấn đề bức xúc của người dân Phú Xá, trong tháng 6/2013, Bí thư Huyện ủy huyện Cao Lộc đã đến thực tế tại địa phương và đã có văn bản chỉ đạo quyết liệt. Tuy nhiên, theo như xã nắm được thì đến thời điểm hiện nay, vẫn chưa có một dự án về giao thông nào ở Phú Xá được công bố chính thức chứ chưa nói đến chuyện triển khai. Vì vậy, những khó khăn về giao thông nông thôn ở Phú Xá vẫn luôn là vấn đề nóng bỏng, là nỗi lòng canh cánh của hàng nghìn người dân.
HOÀNG HUY
![](https://mediabls.mediatech.vn/assets/images/load3.gif)
Ý kiến ()