Phú Thọ chắt chiu vốn xây dựng nông thôn mới
Phú Thọ là một trong những địa phương được chọn làm điểm xây dựng nông thôn mới (NTM). Căn cứ vào kết quả thực hiện trong thời gian qua, tỉnh phấn đấu đến năm 2015 có 57 xã (chiếm 23% tổng số xã) đạt chuẩn NTM. Vậy người dân “đất Tổ” có giải pháp nào để đạt mục tiêu này?
Ðể đạt mục tiêu đề ra, ngay sau khi Chính phủ ban hành Bộ tiêu chí quốc gia xây dựng NTM, tỉnh Phú Thọ cũng ban hành Bộ tiêu chí NTM cho riêng mình, đồng thời tập trung các nguồn lực ưu tiên cho các xã điểm, các xã thực hiện kế hoạch hoàn thành vào năm 2015, ưu tiên hỗ trợ vốn cho các xã, huyện làm tốt. Tuy nhiên, do đặc thù là tỉnh trung du miền núi địa bàn rộng, chia cắt, dân cư phân tán, đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn nên công tác tuyên truyền xây dựng NTM ở một số xã chưa đến được người dân, dẫn đến còn một số bộ phận cán bộ và người dân chưa nhận thức đầy đủ, đặc biệt một số doanh nghiệp trên địa bàn còn đứng ngoài cuộc, hoặc tham gia một cách hạn chế. Vì vậy trong hai năm 2011-2012, nguồn vốn huy động từ các tổ chức, cá nhân đóng góp được gần 182 tỷ đồng; vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ trực tiếp từ chương trình chỉ hơn 200 tỷ đồng; ngân sách tỉnh hơn 71,5 tỷ đồng. Trong khi riêng công tác lập quy hoạch đã tiêu tốn 37 tỷ đồng; đào tạo, bồi dưỡng quản lý và tuyên truyền hơn 9,1 tỷ đồng; phần dành cho phát triển sản xuất gần 43 tỷ đồng, còn lại hơn 111 tỷ đồng đầu tư xây dựng hạ tầng. Trong khi đó nhu cầu đầu tư cho một xã để xây dựng NTM cần hàng trăm tỷ, thậm chí xã nghèo vùng sâu, vùng xa cần từ 150 đến 200 tỷ đồng.
Khắc phục tình trạng thiếu vốn, Phú Thọ chủ động thực hiện lồng ghép nguồn vốn đầu tư từ các chương trình, mục tiêu để xây dựng cơ sở hạ tầng, ưu tiên tập trung vào các tiêu chí xây dựng NTM. Mỗi năm tỉnh huy động được gần 3.000 tỷ đồng để xây dựng cơ sở vật chất, hạ tầng vào khu vực nông thôn. Tuy nhiên việc lồng ghép vốn từ các chương trình mục tiêu quốc gia với chương trình xây dựng NTM có những khó khăn nhất định, vì mỗi chương trình đã có hướng dẫn khác nhau về cơ chế cấp phát vốn, chế độ hạch toán khác nhau và mục tiêu phải rõ ràng. Vì vậy đến nay trong tổng số 247 xã của toàn tỉnh, mới có sáu xã đạt 15-16 tiêu chí, 47 xã đạt 10-14 tiêu chí, và còn gần một nửa số xã đạt dưới bảy tiêu chí, chiếm 49,8%. Thậm chí cả những xã điểm hiện đang được đánh giá sắp về đích, cũng còn nhiều khó khăn vướng mắc trong thực hiện bộ tiêu chí xây dựng NTM.
Trưởng Ban quản lý chương trình NTM xã Xuân Lộc Nguyễn Xuân Hường, một xã đồng bằng, thuộc huyện miền núi Thanh Thủy cho biết, hai năm 2011-2012, xã Xuân Lộc đầu tư xây dựng chín công trình giao thông, thủy lợi, nhà văn hóa.. bằng nguồn vốn xây dựng NTM và vốn xây dựng cơ bản tập trung, với tổng mức đầu tư hơn 25,6 tỷ đồng, trong khi chỉ có 1,5 tỷ đồng từ nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, gần 5,5 tỷ đồng vốn đầu tư từ ngân sách tỉnh, vốn lồng ghép và sự đóng góp của nhân dân gần 3,9 tỷ đồng, các doanh nghiệp ủng hộ tham gia chương trình hơn 1,5 tỷ đồng. Nếu kể cả số vốn đã có quyết định phân bổ năm nay gần 3,8 tỷ đồng thì số nợ trong đầu tư xây dựng cơ bản đến nay chưa có nguồn thanh toán vẫn còn hơn 5,5 tỷ đồng. Trong khi hiện xã còn bốn tiêu chí chưa đạt, đó là giao thông, trường học, chợ nông thôn và thu nhập người dân.
Phó Chủ tịch UBND xã Sơn Vi Bùi Văn Lâm cho biết: Mặc dù Sơn Vi có nhiều thuận lợi vì là xã đồng bằng của huyện Lâm Thao, lại giáp ranh với thị trấn, nên có điều kiện tự nhiên, kinh tế-xã hội tương đối thuận lợi, nhưng đến nay xã mới đạt 14/19 tiêu chí. Theo ông Lâm một số tiêu chí chưa đạt như giao thông, thủy lợi, điện… nếu không được đầu tư lớn sẽ khó có thể thực hiện được. Ngay cả việc tổ chức đào tạo nghề cho lao động nông thôn xã cũng chưa làm được vì thiếu kinh phí hoạt động. Chia sẻ kinh nghiệm cùng những khó khăn của quá trình xây dựng NTM, Phó Chủ tịch, kiêm Phó trưởng Ban chỉ đạo xây dựng NTM xã Hương Nộn Nguyễn Tiến Lực cũng kiến nghị tăng mức hỗ trợ từ nguồn vốn của Nhà nước để các xã đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình trên địa bàn. Triển khai chương trình NTM, xã chỉ huy động được hơn 9,3 tỷ đồng, trong đó ngân sách Trung ương hơn 2,8 tỷ đồng, ngân sách tỉnh, huyện 3,3 tỷ đồng, còn lại vốn đối ứng của nhân dân gần 3,2 tỷ đồng. Trong khi đó, nguồn vốn để thực hiện Ðề án xây dựng NTM của xã đã được huyện Tam Nông phê duyệt lên tới gần 98 tỷ đồng. Thiếu vốn nên xã chỉ tập trung vào “cứng hóa” đường giao thông nông thôn và đường nội đồng, xây mới mương tiêu úng trong khu dân cư phục vụ công tác bảo vệ môi trường… và hiện Hương Nộn cũng mới đạt 12/19 tiêu chí.
Phó Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Phú Thọ Doãn Thế Vinh cho biết, quá trình triển khai xây dựng NTM còn nhiều khó khăn, nên mới đây Ban chỉ đạo chương trình tỉnh đã rà soát và đăng ký với Ban chỉ đạo Trung ương có 57/247 xã (chiếm 23% tổng số xã) đạt chuẩn xây dựng NTM vào năm 2015. Tỉnh xác định xây dựng NTM là nhiệm vụ lâu dài, không thể nóng vội, chạy theo phong trào, mà cần triển khai cụ thể, làm chặt chẽ, làm đến đâu chắc đến đó, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, không cầu toàn, không chờ khi có đủ điều kiện mới làm.
Trước hết các xã tự rà soát, đánh giá thực trạng ở địa phương, trên cơ sở đó tiêu chí nào dễ làm trước, khó làm sau, bảo đảm “chắc đạt” từng tiêu chí một. Ðối với một số tiêu chí chưa hợp lý, một mặt tiếp tục phấn đấu cho đạt, mặt khác mạnh dạn kiến nghị Trung ương cần sửa đổi cho phù hợp với thực tế địa phương. Nhất là một số tiêu chí như giao thông, thủy lợi, cơ sở vật chất văn hóa… hiện tỷ lệ số xã đạt dưới 10%. Ðơn cử như đường giao thông nông thôn ở Phú Thọ thời gian qua đã được đầu tư bê-tông hóa tương đối ổn định, tuy nhiên cấp đường, bề rộng và một số chỉ tiêu chưa đạt theo cấp kỹ thuật của Bộ Giao thông vận tải; một số đường giao thông nông thôn lại không thể mở rộng hơn được nữa và không có hành lang theo quy định, theo Bộ tiêu chí là không đạt quy định. Nên hiện mới có sáu xã đạt tiêu chí này, chiếm 3,6%. Theo tính toán để 100% số xã đạt thì cần số vốn rất lớn, nên chăng cho phép các xã có tỷ lệ km đường trục xã, liên xã đã được nhựa hóa hoặc bê-tông hóa; tỷ lệ km đường trục thôn, xóm được cứng hóa theo quy định là đạt tiêu chuẩn. Một số địa phương có nhiều trường học các cấp từ mầm non, tiểu học, trung học cơ sở nhưng không phải tất cả các trường đều đạt chuẩn quốc gia, một số trường chưa đạt chuẩn nhưng vẫn bảo đảm đủ điều kiện cơ bản giáo dục theo cấp học; một số trường đã xây dựng chưa đạt chuẩn nhưng không thể mở rộng hơn được nữa. Nếu căn cứ vào tiêu chí năm (trường học) thì cả tỉnh mới chỉ có 44 xã đạt, chiếm 17,8%. Về tỷ lệ lao động qua đào tạo là số lao động trong độ tuổi có khả năng lao động đã được tham gia các khóa bồi dưỡng dạy nghề ngắn hạn hoặc đào tạo dài hạn, được cấp các loại chứng chỉ, văn bằng đối với vùng miền núi cao là >25%, vùng trung du miền núi là > 35% và vùng đồng bằng là >40% đối với một tỉnh trung du miền núi như Phú Thọ là rất cao và khó đạt, bởi phong tục tập quán, trình độ văn hóa, thói quen sản xuất của người dân nông thôn còn nhiều hạn chế, khó đào tạo chuyển đổi nghề mới trong một sớm một chiều…
Ðể bảo đảm tính khả thi của Bộ tiêu chí, đề nghị các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, bổ sung hoàn thiện khái niệm, nội dung, phạm vi, cách tính các chỉ tiêu định lượng liên quan một cách khoa học bảo đảm tính thống nhất và sát với thực tế. Một số tiêu chí hiện đặt ra cao nên cần điều chỉnh lại cho phù hợp đối với các vùng nông thôn hiện nay, nhất là tiêu chí thu nhập, chợ nông thôn, tỷ lệ hộ nghèo… Cần có sự quan tâm nhiều hơn đến những yêu cầu đầu tư đối với các xã miền núi, vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Ðặc biệt tránh tình trạng Quyết định của Chính phủ một đằng, Thông tư hướng dẫn của bộ, ngành một nẻo, gây khó cho địa phương thực hiện. Trong quá trình xây dựng NTM, Ban chỉ đạo Trung ương cần có các cuộc tổng điều tra khảo sát hằng năm, hoặc tổ chức điều tra riêng một số địa phương về xây dựng NTM để có nguồn thông tin phục vụ đánh giá chương trình theo định kỳ, theo từng năm, hai năm và năm năm, qua đó có những giải pháp điều chỉnh kịp thời.
Ý kiến ()