Phú Tân - xã đi đầu trong phong trào xây dựng nông thôn mới
Phú Tân là một trong những xã đông đồng bào dân tộc Khmer nhất của huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng với gần 80% dân số. Đa số đồng bào ở đây theo Phật giáo Nam tông, sống bằng nghề nông. Trước đây, Phú Tân là một trong những xã nghèo khó, trình độ dân trí thấp, điều kiện kinh tế, xã hội, cơ sở hạ tầng yếu kém nên xã đã được huyện và tỉnh rất quan tâm hỗ trợ đẩy mạnh phát triển sản xuất, xoá đói giảm nghèo. Cùng với sự nỗ lực của đảng bộ, chính quyền, nhân dân địa phương nên phong trào xây dựng nông thôn mới những năm gần đây đã góp phần tạo nên sự thay đổi nhanh chóng cho làng quê này.
|
Làng nghề thủ công Phú Tân.Ảnh:soctrang.gov.vn |
Là 1 trong 22 xã điểm được tỉnh Sóc Trăng chọn để đầu tư xây dựng theo chương trình nông thôn mới. Sau 3 năm thực hiện, Phú Tân đã trở thành điểm sáng trong chương trình quốc gia này, đạt 15/19 tiêu chí về xây dựng nông thôn mới. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng, Lê Thành Trí nhận xét: Phú Tân hiện đã đi đầu về xây dựng nông thôn mới, cần phải tiếp tục cố gắng để đến 2015 hoàn thành 19/19 tiêu chí, trở thành xã hình mẫu của tỉnh. 15 tiêu chí mà Phú Tân đã đạt được là: quy hoạch và thực hiện quy hoạch, thủy lợi, điện, trường học, chợ nông thôn, cơ sở vật chất văn hóa, bưu điện, giáo dục, y tế, văn hóa, môi trường, hệ thống tổ chức chính trị – xã hội vững mạnh, an ninh trật tự xã hội, hình thức tổ chức sản xuất, giao thông. Còn lại 4 tiêu chí: Nhà ở dân cư, thu nhập, hộ nghèo, cơ cấu lao động đang được xã tập trung thực hiện và quyết tâm hoàn thành vào cuối năm 2015.
Theo ông Võ Minh Luân, Chủ tịch UBND xã Phú Tân, thuận lợi của xã khi bắt tay vào thực hiện Chương trình nông thôn mới là đã có nhiều công trình phục vụ dân sinh được nhà nước xây dựng, đầu tư thông qua chương trình 135. Bên cạnh đó, nhân dân Phú Tân cũng đã tích cực đóng góp sức người sức của để xây dựng cơ sở hạ tầng, hầu hết các công trình đang phát huy hiệu quả và góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn xã; nên khi có chủ trương xây dựng nông thôn mới đã được người dân Phú Tân đón nhận và nhiệt tình ủng hộ.
Đảng bộ, chính quyền xã Phú Tân cũng đã tổ chức triển khai, phối hợp cùng các ban, ngành đoàn thể xã, các vị chức sắc tôn giáo và Ban quản trị các điểm chùa Khmer trên địa bàn đã tuyên truyền bằng 2 thứ tiếng Việt và tiếng Khmer nhằm phổ biến sâu rộng tới mọi tầng lớp nhân dân cùng chung sức đóng góp. Nhờ vậy, phong trào đã nhanh chóng lan rộng, tạo được hiệu ứng lan toả, có những chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức. Ban Chỉ đạo xã Phú Tân đã chủ động hơn trong xây dựng, triển khai các kế hoạch phát triển sản xuất nông nghiệp và xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn để đề xuất sự hỗ trợ. Công tác vận động các nguồn vốn để xây dựng nông thôn mới đã nhận được sự quan tâm của các cấp lãnh đạo. Xã tổ chức họp dân lấy ý kiến nghiêm túc và dân chủ, công khai và minh bạch; sự hưởng ứng, tham gia chung tay đóng góp xây dựng nông thôn mới từ phía người dân ngày càng được nâng lên rõ rệt.
Trong quá trình thực hiện, xã đã sử dụng hiệu quả nguồn kinh phí hỗ trợ chỉ của Chương trình nông thôn mới đầu tư, lập đề án mô hình giảm nghèo để nhân rộng mô hình đan lát và trồng tre, trúc cho 100 hộ nghèo, cận nghèo ở các ấp trong xã. Đặc biệt, với mô hình cánh đồng lúa mẫu lớn ở 4 ấp: Phước An, Phước Hoà, Phước Thuận và Phước Lợi với tổng diện tích trên 400 ha đã triển khai cùng một loại giống lúa chất lượng cao, xuống giống đồng loạt, quy trình canh tác theo kỹ thuật được cán bộ kỹ thuật nông nghiệp hướng dẫn, thu hoạch hoàn toàn bằng cơ giới… nên năng suất đạt rất cao, trung bình 7 – 8 tấn/ha mỗi vụ, chất lượng sau thu hoạch của lúa được đảm bảo nên giá trị đem lại cho nhà nông theo mô hình này thường cao hơn 15 – 20% so với lối canh tác thông thường. Ngoài ra, xã cũng triển khai mô hình nhân giống lúa cao sản tại 4 ấp trên để cung cấp giống lúa chất lượng cao cho nông dân. Tranh thủ sự hỗ trợ của chương trình Heifer, xã đã chọn các hộ nghèo, chủ yếu là đồng bào Khmer để trao tặng bò con, giúp cho trên 100 hộ phát triển sản xuất, xoá đói giảm nghèo…
Thực hiện tốt chính sách, chủ trương chăm lo cho đời sống người dân mà trong những năm gần đây tỷ lệ hộ nghèo của Phú Tân đã giảm nhanh, từ trên 40% của năm 2009, đến nay chỉ còn hơn 17%. Đây là sự cố gắng lớn của đảng bộ, chính quyền xã Phú Tân trên địa bàn có đông đồng bào Khmer sinh sống. Không chỉ người dân bớt nghèo, các mặt văn hóa, an sinh xã hội, hạ tầng cơ sở phục vụ nhân dân cũng được nâng cao. 100% đường giao thông liên ấp, liên xã đã được cứng hóa bằng bê tông, tỷ lệ dân có điện sử dụng đạt gần 97%… Kết hợp với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, Phú Tân đã tiếp tục vận động, từng bước giảm bớt các tệ nạn xã hội, mạng lưới thông tin, truyền thanh phủ đều 6 ấp, tăng thời lượng phát sóng ngày 3 lần, bằng 2 thứ tiếng Việt và tiếng Khmer đến với khắp các khu dân cư trong xã.
Ông Trương Đắt Pháp, Phó Chủ tịch UBND xã Phú Tân cho biết thêm: Để đạt 19 tiêu chí nông thôn mới đến năm 2015, xã đã đề ra kế hoạch và đang rà soát, nâng chất những tiêu chí chưa đạt để bổ sung hoàn chỉnh. Theo đó, đối với tiêu chí nhà ở dân cư sẽ được Ban Chỉ đạo xã gấp rút tiến hành bằng tổng điều tra đánh giá hiện trạng và thu hồi quỹ đất xây dựng khu tái định cư, dự kiến khoảng 1 ha bố trí thành 100 lô bán lại cho người khó khăn với giá ưu đãi, đồng thời hỗ trợ xây nhà theo nguồn vốn của Trung ương, của tỉnh. Tiêu chí thu nhập cũng được xã chỉ đạo thực hiện với nhiều giải pháp đồng bộ, trong đó chú trọng phát triển các ngành nghề truyền thống của địa phương, kết hợp với các ngành nghề công nghiệp, các đoàn thể xây dựng mô hình hộ sản xuất kinh tế theo hướng bền vững. Về tiêu chí hộ nghèo, xã sẽ phấn đấu cuối năm 2014 giảm còn 11% và năm 2015 giảm còn 5 – 6%. Riêng tiêu chí cơ cấu lao động cũng được đặt ra mục tiêu phấn đấu đến cuối năm 2014 là 95% hộ có việc làm và đến năm 2015 là 99% hộ có việc làm.
Theo Dangcongsan.vn
Ý kiến ()