Phú Quốc thu hút 22 dự án với vốn đầu tư hơn 33 nghìn tỷ đồng
Ngày 28-7, tại TP Cần Thơ, Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ tổ chức hội nghị sơ kết công tác sáu tháng đầu năm 2014 của Tổ công tác nghiên cứu cơ chế, chính sách phát triển đảo Phú Quốc (Kiên Giang) và triển khai phương hướng, nhiệm vụ sáu tháng cuối năm.
Theo Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, từ đầu năm 2014, Ban Quản lý đầu tư phát triển đảo Phú Quốc đã trình UBND tỉnh Kiên Giang cấp mới 22 giấy chứng nhận đầu tư với tổng số vốn hơn 33 nghìn tỷ đồng, nâng tổng số dự án trên địa bàn huyện đảo Phú Quốc là 194 dự án đầu tư được chấp thuận chủ trương đầu tư và được cấp giấy chứng nhận đầu tư còn hiệu lực trong các khu quy hoạch với diện tích 8.530 ha.
Sáu tháng cuối năm, Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá chính sách ưu đãi đầu tư vào Phú Quốc; tăng cường đối thoại, kịp thời tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ nhà đầu tư trong quá trình hoàn thiện thủ tục…
PV
Giá gạo xuất khẩu tăng cao
Theo Trung tâm Thông tin Công nghiệp và thương mại (Bộ Công thương), giá gạo xuất khẩu của nước ta hiện tăng lên mức cao do nhu cầu tăng mạnh. Cụ thể, giá gạo 5% tấm tăng hơn 6%, lên 445- 460 USD/tấn, mức cao nhất kể từ tháng 10-2012. Giá gạo 25% tấm tăng lên 400- 420 USD/tấn, từ mức 380- 390 USD/tấn một tuần trước đây. Tính từ đầu tháng 7 tới nay, giá loại gạo này đã tăng 13%. Theo thống kê, giá gạo xuất khẩu bình quân sáu tháng qua đạt 452 USD/tấn, tăng 2,4% so với cùng kỳ năm 2013. Khối lượng gạo xuất khẩu bảy tháng đầu năm 2014 là 3,86 triệu tấn và kim ngạch đạt 1,75 tỷ USD.
PV
517 vụ vi phạm về quản lý, bảo vệ rừng tại Ninh Thuận
Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh Ninh Thuận phát hiện 517 vụ vi phạm về quản lý và bảo vệ rừng, tăng 6,7% so với cùng kỳ năm trước. Riêng huyện Ninh Sơn, phát hiện 256 vụ vi phạm, tăng 113 vụ, trong đó có 165 vụ vận chuyển, 55 vụ khai thác rừng và 34 cơ sở kinh doanh chế biến lâm sản trái phép cùng các vi phạm khác. Lực lượng chức năng đã xử lý phạt vi phạm hành chính 250 vụ, tịch thu 96 m3 gỗ các loại, 60 xe máy.
* Ngày 28-7, tại TP Lào Cai, ngành nông nghiệp bốn tỉnh Lào Cai, Yên Bái, Lai Châu và Hà Giang đã ký cam kết phối hợp bảo vệ rừng khu vực giáp ranh. Theo đó, thống nhất quy chế phối hợp bảo vệ rừng khu vực giáp ranh giữa các tỉnh, bao gồm 12 điều, khoản. Mục tiêu chính là vận động nhân dân ký cam kết bảo vệ rừng. Tại các khu vực rừng giáp ranh tăng cường lực lượng tuần tra kiểm soát, cắm chốt để ngăn chặn việc phát rừng làm nương rẫy, khai thác gỗ trái phép; thường xuyên trao đổi thông tin, phối hợp biện pháp bảo vệ rừng hiệu quả.
Theo Nhandan.vn
Ý kiến ()