Phụ nữ Xứ Lạng xây dựng gia đình hạnh phúc
(LSO) – Ngày nay phụ nữ ngày càng phát huy vai trò trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, đặc biệt vai trò làm vợ, làm mẹ, giữ lửa hạnh phúc gia đình luôn được chị em quan tâm. Vì vậy, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp thiết thực hỗ trợ hội viên xây dựng gia đình hạnh phúc.
Đa dạng tuyên truyền
Nhịp sống hiện đại, sự phát triển của xã hội kéo theo nhiều hệ lụy như: tình trạng bạo lực gia đình, xâm hại tình dục trẻ em, ly hôn… Đặt ra yêu cầu đối với công tác tuyên truyền cần phải thường xuyên đổi mới, nội dung, hình thức phù hợp với thực tiễn. Bà Nông Thanh Hải, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh cho biết: Nắm bắt được tình hình, tâm lý của hội viên, chúng tôi đã chỉ đạo các cấp hội triển khai sâu rộng, đồng bộ công tác tuyên truyền phụ nữ xây dựng gia đình hạnh phúc. Trong đó vừa chú trọng tuyên truyền về truyền thống của phụ nữ, gia đình Việt Nam, vừa đan xen tính thời sự, cập nhật, trang bị kiến thức kỹ năng tổ chức cuộc sống gia đình cho chị em, thông qua các phong trào tiêu biểu của hội như : “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”; “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch, 3 an toàn”…
Cán bộ Hội LHPN tỉnh, huyện Lộc Bình tuyên truyền kiến thức chăm sóc trẻ em cho hội viên phụ nữ xã Mẫu Sơn
Theo đó, từ năm 2019 đến nay các cấp hội phụ nữ đã tuyên truyền được 3.945 cuộc với 162.342 lượt người nghe, có lồng ghép nội dung tuyên truyền xây dựng gia đình hạnh phúc. Bằng các hình thức đa dạng như: tuyên truyền miệng, phát tờ rơi, loa phát thanh, sinh hoạt câu lạc bộ, hội thi, giao lưu…đã giúp hội viên, đặc biệt là chị em ở vùng sâu, vùng xa, biên giới nâng cao hiểu biết trách nhiệm trong xây dựng gia đình hạnh phúc, tích cực tham gia hoạt động hội. Chị Hoàng Thị Hằng, thôn Bản Chúc, xã Thiện Thuật, huyện Bình Gia chia sẻ: Chúng tôi ở xã vùng 3 nên còn hạn chế về thông tin, được cán bộ phụ nữ tuyên truyền chúng tôi hiểu ra nhiều điều. Ví dụ như không phải đánh đập mới là bạo lực gia đình mà còn có bạo lực về tinh thần, kinh tế; không phải phụ nữ là người phải làm hết tất cả mọi việc trong gia đình, cần phải chia sẻ công việc với chồng, con…
Nhân rộng cách làm hiệu quả
Kinh tế vững chắc là nền tảng của hạnh phúc gia đình, do đó các cấp hội phụ nữ chú trọng việc hỗ trợ hội viên phát triển kinh tế bằng các việc làm cụ thể như: nhận ủy thác vốn vay với Ngân hàng Chính sách xã hội; tập huấn khoa học kỹ thuật, đào tạo nghề; giúp đỡ ngày công lao động, cung cấp cây con giống, vận động hội viên tham gia kinh tế tập thể. Điển hình như chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương”, trong năm 2019, hội đã hỗ trợ được 27 mô hình kinh tế, 7 mái ấm biên cương cho phụ nữ biên giới; đồng thời các cấp hội đã giúp 216 hộ phụ nữ làm chủ thoát nghèo.
Các gia đình tham gia hội thi nấu ăn tại huyện Văn Lãng
Nhận thấy hiệu quả từ việc duy trì sinh hoạt các mô hình xây dựng gia đình hạnh phúc, các cấp hội đã tiếp tục nhân rộng, phát triển mô hình hiệu quả như: “Câu lạc bộ gia đình hạnh phúc”; “Câu lạc bộ phòng chống bạo lực gia đình”; “Câu lạc bộ bình đẳng giới”; “Nhóm cha mẹ trong chăm sóc phát triển trẻ thơ”… Hiện nay, toàn tỉnh có 226 câu lạc bộ gia đình hạnh phúc, hơn 1.000 mô hình địa chỉ tin cậy cộng đồng. Bà Lương Thị Biêu, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Gia đình hạnh phúc khối 15, phường Hoàng Văn Thụ, thành phố Lạng Sơn cho biết: Qua sinh hoạt câu lạc bộ, các thành viên được gặp gỡ, giao lưu chia sẻ kiến thức, kỹ năng xây dựng hạnh phúc gia đình, dạy bảo con cái, ứng xử hài hòa trong các mối quan hệ gia đình. Nhờ đó, hằng năm 100% thành viên đều đạt danh hiệu gia đình văn hóa.
Nhân các ngày lễ như: 8/3; 28/6; 20/10, hằng năm các cấp hội phụ nữ từ tỉnh đến cơ sở đều tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao sôi nổi như: hội thi nấu ăn, giao lưu bóng chuyền hơi, liên hoan các câu lạc bộ, biểu dương các gia đình hạnh phúc tiêu biểu… Qua đó đã tạo sức lan tỏa, khẳng định giá trị của hạnh phúc gia đình.
Có thể nói, bằng các hoạt động thiết thực, Hội LHPN tỉnh đã giúp hội viên nâng cao kiến thức, kỹ năng xây dựng gia đình hạnh phúc; phát huy trách nhiệm của mỗi thành viên trong gia đình; hạn chế tình trạng ly hôn, tảo hôn, mất cân bằng giới tính khi sinh, bạo lực gia đình. Từ đó góp phần xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội trên địa bàn.
DƯƠNG DUYÊN
Ý kiến ()