Phụ nữ xã Đại Đồng: Thực hiện tốt nhiệm vụ ủy thác vốn
(LSO) – Những năm qua, dư nợ vốn vay ưu đãi tại Hội Liên hiệp Phụ nữ (HPN) xã Đại Đồng, huyện Tràng Định không ngừng tăng trưởng. Tỷ lệ nợ quá hạn thấp, số dư tiền gửi tiết kiệm thông qua tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV) cao… Có được kết quả đó là nhờ sự nỗ lực của hội trong quản lý, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn từ các hội viên.
Hiện nay, tổ TK&VV thôn Phiêng Luông có 42 tổ viên với dư nợ trên 934 triệu đồng, tập trung ở các chương trình: cho vay hộ nghèo, cận nghèo, nước sạch vệ sinh môi trường, hộ mới thoát nghèo, sản xuất kinh doanh, học sinh sinh viên, giải quyết việc làm. Các thành viên sử dụng nguồn vốn vào phát triển chăn nuôi, trồng rừng và kinh doanh dịch vụ đều mang lại hiệu quả, nhờ đó, các tổ viên có thu nhập ổn định, đời sống không ngừng được nâng cao. Đến nay, tổ chỉ còn 1 hộ nghèo; các tổ viên chấp hành việc trả nợ, trả lãi đầy đủ, đúng kì hạn, không có nợ quá hạn, lãi tồn.
Bà Nông Thị Cúc, Tổ trưởng Tổ TK&VV thôn Phiêng Luông cho biết: Để các hộ sử dụng vốn đúng mục đích, không có nợ quá hạn, không tồn lãi, công tác quản lý chặt chẽ nguồn vốn ngay từ khi vay được tổ quan tâm. Theo đó, tổ hướng dẫn, giúp đỡ các hộ sử dụng vốn đúng mục đích; kiểm tra định kì và đôn đốc, nhắc nhở các khoản nợ sắp đến hạn. Hằng tháng, tổ thống nhất thu lãi, thu tiết kiệm hộ nghèo muộn nhất là trước lịch giao dịch của ngân hàng ba ngày để nộp các khoản kịp thời cho ngân hàng.
Cán bộ Hội Phụ nữ xã Đại Đồng (bên phải) tuyên truyền cho hội viên về chương trình vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội
Không chỉ tổ TK&VV thôn Phiêng Luông, mà cả 9 tổ TK&VV do HPN xã quản lý đều thực hiện tốt công tác quản lý vốn. Hiện nay, hội có dư nợ lớn nhất trong 4 tổ chức nhận ủy thác của xã, tổng dư nợ đạt 9,3 tỷ đồng (tăng 3 tỷ đồng so với năm 2017), nhưng nợ quá hạn thấp nhất, chỉ có 4 triệu đồng.
Từ sử dụng hiệu quả nguồn vốn, nhiều hội viên đã thoát nghèo và xây dựng được mô hình kinh tế đem lại thu nhập cao, vươn lên khá giả. Tiêu biểu như hộ: Cung Thị Hương, thôn Nà Cạn; Lục Thị Biển, thôn Bản Pò; Nguyễn Thị Hiếu, thôn Pò Bó; Nông Thị Tươi, thôn Khòn Cà… Trong công tác huy động tiết kiệm, các tổ TK&VV họp bàn và thống nhất với nhau mức gửi tối thiểu là 20 nghìn đồng/tháng/tổ viên, có nhiều hộ gửi trên 1 triệu đồng/tháng. Nhờ đó, số dư tiết kiệm của hội lớn, hiện đạt trên 206 triệu đồng.
Bà Nguyễn Thị Thành, Chủ tịch HPN xã cho biết: Để các hội viên nắm bắt được các chương trình vốn, hội chú trọng tuyên truyền, vận động, tập trung về đối tượng thụ hưởng vốn, mục đích sử dụng vốn, thời hạn vay, trách nhiệm trả nợ, chương trình cho vay mới… Tại các buổi sinh hoạt, hội đều tuyên truyền gắn với phong trào giúp nhau phát triển kinh tế của hội viên. Hằng năm hội tích cực phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện mở các lớp tập huấn về nghiệp vụ ủy thác cho các cán bộ hội và ban quản lý tổ TK&VV.
Bên cạnh đó, hằng năm, hội chủ động kiểm tra, giám sát hoạt động của 100% tổ TK&VV, tại mỗi tổ kiểm tra từ 5 – 10 hộ vay; duy trì kiểm tra việc sử dụng vốn đối với các món vay mới trong vòng 30 ngày (kể từ ngày giải ngân). Qua đó, hội nắm rõ tình hình sử dụng vốn, những vướng mắc, khó khăn, nợ quá hạn… để có biện pháp giúp đỡ và xử lý kịp thời.
Cùng với đó, hội quan tâm tạo điều kiện để các hội viên tham gia các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, áp dụng khoa học vào sản xuất để các hội viên vay vốn sử dụng có hiệu quả. Nhờ phát huy hiệu quả nguồn vốn, trung bình mỗi năm, hội giúp từ 15 – 20 hội viên thoát nghèo.
Ông Nông Văn Tâm, Giám đốc Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Tràng Định cho biết: HPN xã Đại Đồng là tổ chức hội quản lý vốn tốt, luôn hoàn thành tốt chỉ tiêu, kế hoạch giao. Năm 2018, hội được Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh biểu dương, khen thưởng vì có nhiều đóng góp tích cực trong hoạt động tín dụng chính sách trên địa bàn.
KIM HUYÊN
Ý kiến ()