Phụ nữ tích cực ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất
LSO-Xác định khoa học kỹ thuật có vai trò quan trọng trong sản xuất nông nghiệp, cán bộ, hội viên phụ nữ trên địa bàn toàn tỉnh luôn nỗ lực ứng dụng các phương pháp khoa học, kỹ thuật vào sản xuất.
LSO-Xác định khoa học kỹ thuật có vai trò quan trọng trong sản xuất nông nghiệp, cán bộ, hội viên phụ nữ trên địa bàn toàn tỉnh luôn nỗ lực ứng dụng các phương pháp khoa học, kỹ thuật vào sản xuất. Qua đó, nâng cao năng suất, hiệu quả cây trồng, vật nuôi, tăng thu nhập, cải thiện đời sống gia đình và góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế – xã hội của địa phương.
Hội viên phụ nữ tích cực ứng dụng kỹ thuật sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VIETGAP |
Những năm trước đây, cuộc sống của gia đình bà Phùng Thị Xuân (hội viên phụ nữ xã Mai Pha, thành phố Lạng Sơn) khá chật vật. Bà và 2 cậu con trai dồn hết thời gian để chăm sóc 6 sào ruộng nhưng sản lượng rau khi thu hoạch không cao do sâu bệnh và thời tiết. Sau khi tham gia các lớp tập huấn do Hội phụ nữ xã phối hợp tổ chức, bà học được thêm nhiều phương pháp kỹ thuật mới như: đặc tính của các loại rau màu vụ đông, khoảng cách luống, ủ phân lên men trước khi bón để chống sâu bệnh… Nhận thấy được tầm quan trọng của khoa học – kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp, bà đã tham gia vào Hợp tác xã Sản xuất rau an toàn (VIETGAP) để được các chuyên gia tư vấn, hỗ trợ về giống, phân bón, kỹ thuật. Sau hai năm ứng dụng kỹ thuật mới vào sản xuất, năng suất và hiệu quả tăng lên rõ rệt. Thu nhập của gia đình được cải thiện, đời sống được nâng cao. Còn chị Hoàng Thị Thảo (hội viên phụ nữ thôn Phai Danh, xã Hoàng Văn Thụ, huyện Bình Gia) qua tập huấn và biết cách áp dụng giống lúa mới vào trồng trọt và chăn nuôi lợn lai sinh sản cho năng suất, hiệu quả cao mà cuộc sống gia đình ngày càng khá giả. Mỗi năm chị xuất chuồng từ 2 đến 3 lứa lợn, mỗi lứa từ 10 đến 12 con. Ngoài ra chị còn làm ruộng và trồng trên 200 gốc hồi. Mỗi năm gia đình chị thu nhập trên 50 triệu đồng.
Được biết, hiện nay toàn tỉnh có trên 70% hội viên phụ nữ hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, chủ yếu là trồng rừng, cây ăn quả, chăn nuôi gia súc. Cùng với hỗ trợ vốn vay, trong những năm qua, các cấp hội đã tích cực phối với với các ban, ngành chức năng để tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật và hướng dẫn áp dụng vào thực tế sản xuất. Trong năm 2012, các cấp hội đã tuyên truyền tập huấn kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, công tác phòng chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm được 559 cuộc với 23.179 hội viên tham gia. Từ đầu năm 2013 đến nay, toàn tỉnh đã tổ chức được 130 lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật thu hút trên 2.000 chị em phụ nữ tham dự. Sau tập huấn, chị em đã chịu khó học hỏi lẫn nhau, áp dụng đúng theo quy trình, cách thức chăm sóc cây trồng vật nuôi, vừa tiết kiệm được công sức, vừa mang lại năng suất, hiệu quả cao. Ví dụ như kỹ thuật chăm sóc lợn nái sinh sản, kỹ thuật bón phân phòng trừ sâu bệnh… Đến nay toàn tỉnh có trên 100 mô hình kinh tế cho thu nhập từ 50 triệu đồng/năm trở lên. Phần lớn là các mô hình trồng rừng, chăn nuôi lợn, gà… Đặc biệt, một số hội viên chăn nuôi nhím, dê, trồng măng tre bát độ cho thu nhập hàng năm trên 100 triệu đồng.
Tuy nhiên, do thời gian tập huấn ngắn trong khi trình độ nhận thức của hội viên không đồng đều, thiếu vốn… nên phần nào cũng ảnh hưởng đến quá trình chuyển giao khoa học kỹ thuật ứng dụng vào sản xuất. Bà Đồng Thị Làn, Trưởng Ban Hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, Hội LHPN nữ tỉnh cho biết: thời gian tới, hội tiếp tục đẩy mạnh tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho hội viên để nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng vật nuôi. Mong rằng sẽ tiếp tục nhận được sự quan tâm hỗ trợ của các ban, ngành, đoàn thể về vốn, giống, kỹ thuật để chị em có điều kiện phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng đời sống vật chất và tinh thần của gia đình.
NGỌC HIẾU
Ý kiến ()