Phụ nữ tham gia, làm chủ tổ hợp tác, hợp tác xã: Tạo việc làm, tăng thu nhập
(LSO) – Thay vì tự sản xuất nhỏ lẻ, hộ gia đình, nhiều phụ nữ chọn hướng thành lập, tham gia vào các tổ hợp tác, hợp tác xã (THT-HTX). Qua đó phát huy sự đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau về mọi mặt giữa các thành viên trong HTX, tạo việc làm, tăng thu nhập, ổn định cuộc sống cho hội viên.
THT-HTX là tổ chức kinh tế – xã hội mang tính cộng đồng và trách nhiệm xã hội, thu hút sự tham gia đông đảo của người nông dân. Đây là hình thức tổ chức sản xuất cơ bản ở nông thôn, mang lại lợi ích vật chất và tinh thần cho các thành viên. Tiêu biểu như HTX Hợp Thịnh, huyện Cao Lộc, do chị Lý Bích Linh thành lập từ năm 2006, đến nay Hợp Thịnh đã trở thành một trong những HTX hàng đầu của tỉnh Lạng Sơn với mô hình liên kết chuỗi của dự án chăn nuôi lợn trị giá đầu tư gần 43,5 tỷ đồng. Doanh thu năm 2018 của HTX đạt 25 tỷ đồng, đảm bảo thu nhập ổn định cho người lao động ở mức bình quân 5 triệu đồng/tháng.
Thành viên tổ hợp tác ươm cây giống thôn Văn Miêu, xã Minh Sơn, huyện Hữu Lũng chăm sóc vườn ươm
Nhận thấy nhiều hộ gia đình trong thôn làm nghề ươm cây giống, nhưng diện tích nhỏ lẻ, chưa có đầu ra đảm bảo cũng như quy trình kỹ thuật đúng cách, chị Hoàng Thị Hồng thôn Văn Miêu, xã Minh Sơn, huyện Hữu Lũng, bằng kiến thức kinh nghiệm của bản thân trong nghề, đã vận động các chị em trong thôn tham gia THT liên kết sản xuất, do chị làm tổ trưởng. Dù mới thành lập vào năm 2017, nhưng đến nay THT đã ươm bán ra thị trường hơn 400 vạn cây giống lâm nghiệp, thu nhập hơn 1,2 tỷ đồng và tạo việc làm thường xuyên cho gần 20 hội viên phụ nữ. Chị Vi Thị Tuyết, thành viên THT ươm cây giống cho biết: Gia đình tôi là hộ cận nghèo, khi tham gia vào THT tôi được đảm bảo đầu ra cho sản phẩm, hướng dẫn về kỹ thuật, từ đó tôi có thu nhập khoảng 100 triệu đồng năm. Gia đình dần vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống.
Trên đây chỉ là 2 trong 52 THT-HTX do phụ nữ thành lập và làm chủ trên địa bàn tỉnh, với gần 800 thành viên. Bà Cao Thị Thanh Hương, Phó Ban Kinh tế – Gia đình – Xã hội, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh cho biết: Bước đầu, các mô hình HTX,THT do phụ nữ làm chủ đã khắc phục được phương thức sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, tăng hiệu quả sản xuất và khả năng cạnh tranh, liên kết đầu vào, đầu ra thúc đẩy sản xuất hàng hóa phù hợp với yêu cầu chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Hội viên tham gia vào mô hình kinh tế tập thể có việc làm ổn định, tăng thu nhập, có điều kiện tiếp xúc với khoa học kỹ thuật, giúp phụ nữ mạnh dạn, tự tin và nâng cao vị thế trong đời sống xã hội.
Nhằm trang bị kiến thức về HTX,THT trong năm 2018, Hội LHPN tỉnh đã phối hợp với Liên minh Hợp tác xã tỉnh tuyên truyền, tập huấn được 207 lớp cho 9.792 lượt hội viên phụ nữ tham dự. Từ các lớp tập huấn phụ nữ được bồi dưỡng kiến thức, nâng cao hiểu biết, được hướng dẫn thành lập mô hình HTX,THT trong đó tập trung vào kỹ năng xây dựng kế hoạch kinh doanh, quản lý tài chính, nguyên tắc đặt mục tiêu, kỹ năng giao tiếp và điều hành…Đồng thời các học viên sẽ được thực hành, thảo luận nhóm, giải đáp thắc mắc về thực tiễn sản xuất kinh doanh.
Thời gian tới, Hội LHPN tỉnh sẽ phối hợp với cơ quan chức năng hỗ trợ thành lập thêm mô hình HTX,THT do phụ nữ quản lý trên địa bàn toàn tỉnh, phấn đấu hết năm 2019 thành lập được ít nhất 11 THT, tổ liên kết và 1 HTX hoặc Liên hiệp HTX do phụ nữ quản lý. Đồng thời huy động các nguồn vốn, quỹ hỗ trợ thúc đẩy phát triển hoạt động của các THT, HTX. Từ đó phát huy vai trò của phụ nữ trong việc phát triển kinh tế tập thể, giúp hội viên thoát nghèo, làm giàu chính đáng, hạn chế tình trạng đi lao động trái phép qua biên giới, xây dựng gia đình hạnh phúc bền vững.
Ý kiến ()