Phụ nữ Tanzania tái chế rác thải thực vật thành than
Theo Tân Hoa xã, tại thành phố Dar es Salaam của Tanzania, một nhóm phụ nữ tất bật thu gom gáo dừa, vỏ chuối, thân sắn khô để tái chế những loại rác thực vật này thành than.
Nhóm có tên Fahari Yetu gồm 10 thành viên nữ đã trải qua khóa đào tạo sản xuất than do Diễn đàn xã hội dân sự Tanzania về biến đổi khí hậu cùng Tổ chức nghiên cứu và phát triển công nghiệp Tanzania phối hợp thực hiện. Nhóm Fahari Yetu bắt đầu tham gia sản xuất than vào năm 2020. Loại than do nhóm sản xuất có độ bền cao và không tạo ra khói như than làm từ gỗ rừng.
Bà Warda Omary Sera, người đứng đầu nhóm, cho biết: “Nhiệm vụ chính của chúng tôi trong việc sản xuất than bằng cách tái chế rác thực vật là cứu rừng khỏi bị suy thoái thêm. Than do chúng tôi tạo ra có thể bảo vệ sức khỏe của đại đa số phụ nữ sử dụng than củi để nấu ăn, đồng thời hỗ trợ nỗ lực của Chính phủ trong việc chuyển sang sử dụng năng lượng sạch”.
Nhóm Fahari Yetu có thể sản xuất hơn 30kg than mỗi ngày và bán với giá 1.500 shilling Tanzania (khoảng 59 cent) mỗi kg. Công việc này mang lại một khoản thu nhập đáng kể giúp các thành viên mua đồ dùng thiết yếu, thực phẩm và thanh toán học phí của con cái.
Theo Cơ quan Dịch vụ lâm nghiệp Tanzania, nước này mất 469.420ha rừng hằng năm do tình trạng phá rừng để lấy củi và sản xuất than củi. Trong những năm gần đây, nhiều tổ chức ở Tanzania đã triển khai các biện pháp giúp người dân sử dụng năng lượng sạch để bảo vệ rừng khỏi bị suy thoái, đồng thời thúc đẩy việc sử dụng năng lượng sạch để nấu ăn.
Tại Hội nghị nấu ăn sạch vào tháng 11-2022, bác sĩ chuyên khoa phổi Pauline Chale của Bệnh viện Quốc gia Muhimbili cho biết, có ít nhất 33.024 người, chủ yếu là phụ nữ, tử vong hằng năm ở Tanzania do hít phải khói từ nhiên liệu rắn, bao gồm than và củi khi nấu ăn. Theo bà Chale, việc sử dụng than củi hoặc củi là một trong những nguyên nhân chính gây ra bệnh hô hấp.
Phụ nữ là nhóm bị ảnh hưởng nhiều nhất vì họ dành nhiều giờ mỗi ngày trong nhà bếp. Tổng thống Tanzania Samia Suluhu Hassan đã chỉ đạo các cơ quan chức năng thành lập đội đặc nhiệm quốc gia để xây dựng kế hoạch thúc đẩy sử dụng năng lượng sạch khi nấu ăn. Chính phủ Tanzania đã đặt ra mục tiêu bảo đảm 80% người dân Tanzania sử dụng năng lượng sạch để nấu ăn vào năm 2030.
Ý kiến ()