Phụ nữ Tân Liên hỗ trợ hội viên phát triển kinh tế
LSO- Tân Liên là xã vùng 2 của huyện Cao Lộc, đời sống của nhân dân trong đó có chị em phụ nữ còn nhiều khó khăn. Để giúp chị em có thêm thu nhập, cải thiện đời sống, Hội Phụ nữ xã đã triển khai nhiều biện pháp, tích cực hỗ trợ về vốn, kỹ thuật. Nhờ đó, nhiều chị em đã thoát nghèo bền vững, đời sống vật chất và tinh thần ngày càng nâng cao.
Hội viên phụ nữ thôn Khòn Trạng tham gia tập huấn nuôi gà thịt
Được tham dự ngày đầu tiên khai giảng lớp tập huấn nuôi gà thịt theo phương pháp an toàn sinh học tại thôn Khòn Trạng, xã Tân Liên, chúng tôi nhận thấy rõ sự phấn khởi trên từng nét mặt của 35 thành viên của lớp học. Họ là những hội viên phụ nữ trong thôn. Mặc dù rất bận rộn việc nhà, việc đồng áng nhưng vì hiểu rõ lợi ích mà lớp học này mang lại nên các chị đã sắp xếp việc nhà, dành thời gian đến tham gia lớp học. Chị Lương Thị Tròn tươi cười, nói: “Nhà tôi ít đất nên không làm được ruộng, chỉ trồng rau, nuôi thêm chục con gà. Nhưng gà chậm lớn lại hay bị chuột ăn. Nghe nói lớp này dạy nuôi gà thời gian chỉ khoảng 2 – 3 tháng là được xuất chuồng, chất lượng thịt lại ngon, bán được giá nên mấy chị em trong thôn hồ hởi lắm, bảo nhau cố gắng tham gia đầy đủ.”
Qua tìm hiểu được biết, lớp học này do Hội Phụ nữ phối hợp với Trung tâm Dạy nghề huyện tổ chức. Sau 3 tháng truyền đạt kiến thức, trung tâm sẽ chọn 1 hộ gia đình đủ điều kiện về chuồng trại, người chăm sóc để hỗ trợ 60 con gà giống, cám, máng ăn, máng uống. Đây sẽ là mô hình điểm cho chị em áp dụng và nhân rộng. Và đây là lớp tập huấn thứ hai mà hội viên phụ nữ xã được tham gia. Trong 4 tháng đầu năm 2015, 30 hội viên đã được tập huấn về kỹ thuật giống lúa năng suất cao. Bà Hoàng Thị Lê, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Tân Liên cho biết: “Phần lớn chị em trong xã làm nghề nông nên Hội đã tăng cường phối hợp tổ chức các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật để chị em áp dụng, nâng cao hiệu quả cây trồng, vật nuôi. Đồng thời, Hội còn nhận ủy thác với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện cho chị em vay vốn, phát triển kinh tế gia đình.”
Chăn nuôi gia cầm tại hộ chị Đinh Thị Thanh (thôn Khòn Trạng)
Để giúp chị em có vốn xây dựng, mở rộng các mô hình kinh tế hộ gia đình, các cấp hội đã chủ động rà soát nhu cầu, hướng dẫn hội viên làm thủ tục vay vốn. Đồng thời quản lý đảm bảo vốn vay được sử dụng đúng mục đích, có hiệu quả và đôn đốc các hộ nộp gốc, lãi đúng thời hạn. Từ đầu năm 2015 đến nay, hội đã hoàn thiện thủ tục cho 32 hội viên vay hơn 300 triệu đồng, nâng tổng dư nợ lên trên 6 tỷ 100 triệu đồng với 254 hộ được vay. Nhờ được hỗ trợ vốn, khoa học kỹ thuật, các mô hình kinh tế của chị em đã phát huy hiệu quả thực tế, giúp cán bộ, hội viên có thêm thu nhập, cải thiện đời sống. Tiêu biểu như mô hình chăn nuôi lợn của chị Đinh Thị Liêu, trồng rau sạch của chị Chu Thị Ban cho thu nhập trên 60 triệu đồng/năm… Trong năm 2014, hội đã xóa được 2 hộ nghèo do phụ nữ làm chủ, giảm số hộ nghèo xuống còn 24 hộ/ tổng số 419 hội viên.
Phát huy kết quả đạt được, thời gian tới, Hội tiếp tục vận động chị em tích cực tham gia lao động sản xuất, đưa các giống cây trồng có năng suất cao vào sản xuất; xây dựng, phát triển kinh tế gia đình; hỗ trợ hội viên nghèo, có hoàn cảnh khó khăn vươn lên xóa nghèo bền vững. Trong năm 2015, các cấp hội phấn đấu giúp 2 hộ hội viên là chị Nông Thị Slao (thôn Tằm Nguyên) và La Thị Vịnh (Khòn Trạng) thoát nghèo. Đồng thời xây dựng mô hình liên kết sản xuất kinh doanh, tổ hợp tác hỗ trợ tạo việc làm cho phụ nữ sau học nghề.
Bài, ảnh: NGỌC HIẾU
Ý kiến ()