Chủ nhật, 24/11/2024 14:46 [(GMT +7)]
Phụ nữ ngành Giáo dục với phong trào "giỏi việc trường, đảm việc nhà"
Thứ 2, 08/03/2010 | 09:11:00 [(GMT +7)] A A
LSO-Trong hội thi cán bộ quản lý giỏi các trường mầm non toàn tỉnh năm học 2009-2010, trong các tiểu phẩm tham dự, tiểu phẩm của phòng GD huyện Cao Lộc đã gây sự chú ý của đông đảo người xem.
Tiểu phẩm này nói về mối quan hệ giữa công việc của người nữ cán bộ giáo viên ở trường và bổn phận làm vợ, làm mẹ, làm người con dâu trong gia đình. Thực sự, đây là mối quan hệ rất tế nhị, đòi hỏi sự khéo léo của người phụ nữ để làm sao “trong ấm ngoài êm”; vừa làm tròn trách nhiệm của người giáo viên, người cán bộ quản lý, đồng thời phải đảm đương trọn vẹn nghĩa vụ của mình trong gia đình.
Đến năm học 2009-2010, ngành GD Lạng Sơn hiện có 17.856 biên chế, trong đó có trên 15.000 nữ cán bộ giáo viên, nhân viên. So với tổng số nữ viên chức trong toàn tỉnh, đây là số lượng rất lớn; và trên thực tế, ngành GD làm tốt công tác nữ công trong ngành, đã thực sự tạo điều kiện cho một bộ phận đông đảo phụ nữ có dịp để thể hiện mình và góp phần nâng cao vị trí của họ trong xã hội.
Nhà giáo ưu tú Lê Kim Hòa được Nhà nước tặng thưởng Huân chương
Lao động Hạng Ba vì có nhiều thành tích đóng góp cho giáo dục
Trong những năm qua, Ban nữ công công đoàn các cấp trong ngành GD đã phối hợp chặt chẽ với Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ của ngành đã làm hết sức mình trong việc thực hiện chính sách pháp luật đối với lao động nữ. Trong lĩnh vực tuyên truyền, công đoàn ngành chú trọng đến Luật bình đẳng giới, phòng chống bạo lực gia đình, công tác Dân số KHHGĐ. Việc tổ chức và duy trì phòng trào “Giỏi việc trường, đảm việc nhà” được lồng ghép với phong trào “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”. Khi bước vào thực hiện, phụ nữ ngành GD có thuận lợi là họ được đào tạo “bài bản” về cả trình độ chuyên môn và lý luận chính trị. Với tính đặc thù của nghề, họ được học tập về tâm lý giáo dục, và qua đó việc xử lý “tình huống” giải quyết các mối mâu thuẫn giữa “việc trường” với “việc nhà” cũng uyển chuyển hơn, hợp lý hơn. Qua hội nghị tổng kết 5 năm phong trào thi đua “Giỏi việc trường, đảm việc nhà” giai đoạn 2005-2009, nhiều bài tham luận bổ ích, nhiều tấm gương khắc phục khó khăn trong đời sống thường nhật, thu xếp và bố trí hợp lý thời gian cho gia đình để tham gia nâng cao trình độ nghiệp vụ, tin học, ngoại ngữ và lý luận chính trị, đáp ứng ngày càng tốt hơn việc thực hiện chỉ thị về “Nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ QLGD”; làm cho cuộc vận động “Mỗi thầy cô giáo là một tấm gương đạo đức, sáng tạo và tự học” đi vào chiều sâu. Nhiều chị từ một giáo viên bình thường đã phấn đấu vươn lên trở thành những đảng viên gương mẫu, những cán bộ quản lý giỏi trong và ngoài ngành. Hiện nay, toàn ngành GD có 1639 cán bộ quản lý, trong đó có 1119 nữ, chiếm tỷ lệ 68,27%. Đây là biểu hiện sinh động trong việc thực hiện chính sách cán bộ của ngành, mặt khác cũng thể hiện sức vươn của chị em trong các mặt công tác để nâng cao vai trò, vị trí của người phụ nữ trong xã hội.
Là một tỉnh miền núi, biên giới, có nhiều xã vùng cao, vùng ĐBKK, do điều kiện địa hình, dân cư, dân tộc. Trong mấy chục năm qua, đội ngũ nữ cán bộ giáo viên trong ngành đã không quản ngại khó khăn gian khổ vào “cắm” tại các bản làng xa xôi hẻo lánh để mang đến và duy trì kiến thức cho nhân dân. Cô giáo vùng cao bao giờ cũng là hình ảnh đẹp đẽ nhất trong các áng thơ văn, các bài báo và trong lòng nhân dân. Nhưng đằng sau sự vinh quang đó là nỗi nhọc nhằn, là sự hy sinh và chịu đựng… Để giúp đội ngũ giáo viên vùng cao nói chung, trong đó có nữ giáo viên có điều kiện tốt hơn để cống hiến, các cấp ủy Đảng, chính quyền và đặc biệt là công đoàn đã bằng hành động thực tế giúp chị em cải thiện điều kiện trong cuộc sống để yên tâm với nghề. Hàng chục tỷ đồng trong chương trình KCH trường lớp học và nhà ở công vụ giáo viên đã được dành xây dựng nhà ở công vụ; hàng tỷ đồng huy động từ mỗi cán bộ giáo viên để xây dựng nhà ở, giúp đỡ nữ giáo viên có hoàn cảnh khó khăn…
Nhiệm vụ của giáo dục là nâng cao dân trí, đào tạo nguồn nhân lực; đồng thời nó cũng là một kênh hỗ trợ rất hiệu quả vì sự tiến bộ của phụ nữ. Song hơn ai hết, những người nữ cán bộ, giáo viên phải được tạo điều kiện để họ tiến bộ. Mỗi sự tiến bộ vượt bậc của mỗi nữ cán bộ giáo viên sẽ là viên gạch hồng để làm nên sự vững chắc của sự nghiệp giáo dục.
Đang tải dữ liệu
Poll
Ý kiến ()