Phụ nữ Lạng Sơn chủ động trong công tác bình đẳng giới và phòng chống bạo lực gia đình
NÔNG THANH HẢI; Chủ tịch Hội LHPN tỉnh
LSO-Là đơn vị có vai trò quan trọng trong việc tham mưu cho Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ tỉnh về thực hiện bình đẳng giới và phòng chống bạo lực gia đình (BĐG-PCBLGĐ), trong những năm qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp thiết thực để thực hiện mục tiêu BĐG trên mọi lĩnh vực và phòng chống bạo lực trên cơ sở giới.
Cán bộ Hội LHPN tỉnh (bên phải) tuyên truyền về BĐG-PCBLGĐ
cho hội viên phụ nữ thị trấn Đồng Mỏ, huyện Chi Lăng
Theo đó, Hội LHPN tỉnh đã thường xuyên chỉ đạo các cấp hội tích cực tuyên truyền thực hiện BĐG-PCBLGĐ đến 100% cán bộ và trên 90% hội viên phụ nữ với các nội dung tuyên truyền như: Nghị quyết 11-NQ/TW ngày 27/4/2007 của Bộ Chính trị (khóa X) về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước và Chỉ thị 21 ngày 20/1/2018 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tiếp tục đẩy mạnh công tác phụ nữ trong tình hình mới; Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020; vị trí, vai trò, đóng góp của phụ nữ Lạng Sơn trong các lĩnh vực, giữ gìn và phát huy truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam… Đồng thời tích cực tuyên truyền đến hội viên, phụ nữ xóa bỏ các hủ tục, tập quán lạc hậu trong hôn nhân và gia đình, phòng, chống tệ nạn xã hội, bạo lực gia đình… Từ năm 2011 đến nay, các cấp hội đã tuyên truyền được 8.295 cuộc với 348.590 lượt người tham dự. Bên cạnh đó, Hội LHPN tỉnh thiết kế, xây dựng, xin cấp phép, in ấn, cấp phát hàng vạn tờ áp phích, tờ gấp về BĐG-PCBLGĐ, “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” …đến 100% cơ sở hội.
Không chỉ tuyên truyền nâng cao nhận thức, các cấp hội phụ nữ trong tỉnh đẩy mạnh hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, tiếp cận thông tin, bình đẳng trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo thông qua việc thực hiện các đề án, chương trình công tác hội. Cụ thể như: “Tuyên truyền, giáo dục phẩm chất, đạo đức phụ nữ Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”; “Giáo dục 5 triệu bà mẹ nuôi, dạy con tốt”, “Phụ nữ giúp nhau giảm nghèo có địa chỉ”, “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp”… Từ đó giúp phụ nữ khẳng định vị thế trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội.
Một trong những mục tiêu quan trọng của công tác BĐG đó là bảo đảm BĐG trong đời sống gia đình, từng bước xóa bỏ bạo lực trên cơ sở giới. Trong những năm qua, các cấp hội phụ nữ đã tổ chức hoạt động đối thoại chính sách pháp luật về BĐG-PCBLGĐ, diễn đàn với chủ đề “PCBLGĐ, xâm hại trẻ em”; Liên hoan Tuyên truyền BĐG-PCBLGĐ…. Qua đó đã phản ánh thực trạng, nguyên nhân, hậu quả, quan điểm, nhận thức về BĐG-PCBLGĐ tại tỉnh Lạng Sơn, từ đó, các cấp hội đã kịp thời nắm bắt thông tin, phối hợp với cơ quan chức năng tham gia hòa giải, giải quyết thành công nhiều vụ việc mâu thuẫn tại cộng đồng, giải quyết dứt điểm nhiều đơn thư liên quan đến quyền và lợi ích của phụ nữ và trẻ em.
Ngoài ra, các cấp hội thường xuyên duy trì 837 loại hình câu lạc bộ (CLB) chuyên đề về gia đình, văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao nhóm phụ nữ sinh hoạt theo sở thích: CLB “Gia đình hạnh phúc, bền vững”, Phòng chống tội phạm và tệ nạn xã hội”, ” BĐG-PCBLGĐ “, “Trợ giúp pháp lý”, “Phòng chống mua bán người”… cùng 1.540 địa chỉ tin cậy tại cộng đồng, 49 hòm thư góp ý, tố giác tội phạm, thu hút hàng nghìn lượt hội viên tham gia. Thông qua việc xây dựng các mô hình đã vận động, thu hút được đông đảo chị em phụ nữ tích cực tham gia tổ chức hội và xây dựng tính chủ động, linh hoạt trong thực hiện BĐG-PCBLGĐ.
Nhờ chủ động trong công tác BĐG-PCBLGĐ nên nhận thức và hành động của hội viên và Nhân dân đã có nhiều chuyển biến tích cực. Các mục tiêu về công tác BĐG đều đạt và vượt như: tỷ lệ nữ tham gia cấp ủy các cấp nhiệm kỳ 2020 – 2025 tăng từ 2 đến 5% so với nhiệm kỳ trước và đều đạt từ 18% trở lên. Khoảng cách giới trong lĩnh vực kinh tế, lao động, việc làm đã được thu hẹp; phụ nữ nghèo ở nông thôn, phụ nữ người dân tộc thiểu số được tăng cường tiếp cận các nguồn lực kinh tế, vươn lên làm giàu chính đáng.
Bên cạnh đó, phụ nữ trong toàn tỉnh đã được quan tâm nâng cao tri thức, tham gia nhiều chương trình đào tạo, nâng cao nghiệp vụ chuyên môn, nghiệp vụ, trình độ lý luận chính trị, tiếp cận và thụ hưởng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản, dân số – kế hoạch hoá gia đình, truyền thông dinh dưỡng, các mục tiêu quốc gia về y tế, vệ sinh an toàn thực phẩm, phòng, chống dịch bệnh, chương trình quốc gia về nước sạch, vệ sinh môi trường, được bình đẳng trong việc tiếp cận các thông tin thời sự, chính trị, kinh tế. Qua đó góp phần thúc đẩy mục tiêu BĐG và vì sự tiến bộ của phụ nữ trên địa bàn tỉnh.
Ý kiến ()