Phụ nữ chung tay xây dựng nông thôn mới
Phụ nữ xã Tú Xuyên, huyện Văn Quan phát triển kinh tế từ mô hình trồng cà chua bi |
Trong cuộc họp sơ kết 1 năm triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới tháng 2/2012, khi đánh giá lại thì vai trò của các tổ chức đoàn thể chưa thực sự rõ nét. Chủ tịch Hội liên hiệp Phụ nữ tỉnh, Đặng Thị Kiều Vân khi ấy thừa nhận: các hoạt động tuyên truyền, tham gia chung sức vào xây dựng nông thôn mới đối với phụ nữ quả thực còn nhiều khó khăn. Mà khó khăn cũng phải, bởi chương trình thì mới, nội dung thì nhiều và rộng lớn. Trong khi ở giai đoạn ấy, mọi phần việc mang tính chất chuyên môn sâu, liên quan nhiều hơn đến các ngành, chẳng hạn như xây dựng đồ án quy hoạch, đề án nông thôn mới các cấp…
Ấy thế nhưng chỉ sau cuộc họp lần ấy, sự tham gia của các tổ chức đoàn thể, trong đó có phần đắc lực của các cấp Hội Phụ nữ đã trở nên rõ nét hơn và dần khẳng định được vai trò quan trọng của mình trong xây dựng nông thôn mới. Xây dựng nông thôn, bắt nguồn từ những con người của nông thôn mới, hình thành những gia đình và cộng đồng nông thôn mới. Với quan điểm ấy, cuộc vận động của Hội Phụ nữ đã hướng mạnh về cơ sở, cụ thể đến từng gia đình, từng người dân. “5 không” có nghĩa là gia đình không đói nghèo, không có người vi phạm pháp luật, không bạo lực gia đình, không sinh con thứ 3 trở lên và không có trẻ em suy dinh dưỡng, bỏ học; còn “3 sạch” bao gồm sạch nhà, sạch bếp, sạch ngõ. Thoạt nghe thì có vẻ đơn giản, nhưng thực hiện thành công ngần ấy nội dung là cả một quá trình.
Để triển khai có trọng tâm, trọng điểm, Tỉnh Hội Phụ nữ đã chỉ đạo cấp huyện chọn 1 điểm, cấp tỉnh chọn 2 điểm và mỗi chi hội chọn 2 hộ gia đình để tập trung hướng dẫn, tuyên truyền, vận động, cụ thể hóa từng nội dung của cuộc vận động. Để có nguồn lực hỗ trợ và xây dựng các mô hình điểm, Tỉnh Hội Phụ nữ đã tăng cường vận động các công ty, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đóng góp. Từ năm 2012 đến nay, tổng các nguồn lực xã hội hóa đã lên tới trên 4 tỷ đồng. Mặt khác, các cấp Hội Phụ nữ tích cực vận động, huy động nội lực của gia đình các hội viên. Qua đó đã xây dựng được hàng trăm nhà tiêu hợp vệ sinh, hình thành các điểm thu gom rác hợp vệ sinh và nhiều ngôi nhà mái ấm tình thương tại các xã tập trung chỉ đạo điểm.
Ngoài ra, để góp phần cải thiện điều kiện sống cho phụ nữ, trẻ em và người dân nông thôn, trong thời gian qua, Tỉnh Hội Phụ nữ đã tích cực, chủ động khai thác và sử dụng có hiệu quả nguồn lực từ các tổ chức phi chính phủ. Qua đó đã đầu tư xây dựng hệ thông cung cấp nước sinh hoạt hợp vệ sinh cho hàng chục xã trên địa bàn tỉnh với hơn 20.000 phụ nữ, trẻ em và cư dân nông thôn được hưởng lợi. Cũng từ nguồn lực này, các cấp Hội Phụ nữ đã hỗ trợ xây dựng được các lớp học mầm non, nhà bán trú dân nuôi…điển hình như ở xã Chi Lăng, huyện Tràng Định; xã Quý Hòa, huyện Bình Gia; xã Hưng Vũ, huyện Bắc Sơn…
Phụ nữ xã Cao Lâu (Cao Lộc) vận chuyển vật liệu làm đường giao thông xây dựng nông thôn mới – Ảnh: THẾ BẢO |
Những hoạt động ấy đã góp phần trực tiếp, quan trọng để nâng cao đời sống của người dân ở khu vực nông thôn, hình thành nếp sống mới, xây dựng gia đình hạnh phúc. Đó cũng chính là mục tiêu và động lực của xây dựng nông thôn mới. Bước sang năm 2014, từ cuộc vận động của Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Ban Thường vụ Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh đã vận dụng sáng tạo, thêm nội dung “3 an toàn” gồm an toàn giao thông, an toàn vệ sinh thực phẩm, an toàn lao động vào cuộc vận động “5 không, 3 sạch”. Ngay từ thời điểm này, cán bộ các cấp hội Phụ nữ đã và đang khẩn trương triển khai khảo sát tình hình thực hiện tiêu chí của từng hộ gia đình. Từ đó xác định nội dung để xây dựng kế hoạch giúp đỡ từng hộ gia đình. Với tinh thần quyết tâm, sự năng động, sáng tạo trong triển khai thực hiện, phụ nữ Lạng Sơn ngày càng khẳng định được vai trò quan trọng của mình trong công cuộc xây dựng nông thôn mới.
Ý kiến ()