Phụ huynh chớ chủ quan
LSO-Từ tháng 9 cho đến tháng 11 hằng năm là thời gian bệnh tay-chân-miệng (TCM) có nguy cơ bùng phát diện rộng. Tại Lạng Sơn, những năm qua tuy chưa ghi nhận trường hợp nào tử vong vì bệnh TCM song vẫn rất cần phải đề phòng bởi bệnh này dễ lây lan thành dịch và hiện vẫn chưa có thuốc đặc trị.
Học sinh Trường Mầm non xã Hồng Phong, huyện Cao Lộc rửa tay bằng xà phòng trước giờ ăn |
Bác sỹ Nguyễn Quang Lương, Phó Trưởng Khoa truyền nhiễm, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lạng Sơn cho biết: Bệnh TCM là bệnh nhiễm vi rút cấp tính, lây truyền theo đường tiêu hóa, thường gặp ở trẻ nhỏ và có khả năng gây thành dịch lớn. Bệnh rất dễ lây cho người khác nếu vệ sinh không đảm bảo. Bệnh có quanh năm và tăng mạnh vào khoảng tháng 3 đến tháng 5 và tháng 9 đến tháng 11 hằng năm. Đối tượng mắc bệnh thường là trẻ em từ 3 đến 5 tuổi bởi hệ miễn dịch của các bé còn yếu.
Từ đầu năm đến hết tháng 9/2017, trên địa bàn tỉnh chưa ghi nhận trường hợp trẻ em nào mắc bệnh TCM với mức độ nặng, phải nhập viện để điều trị nội trú nhưng theo khuyến cáo của nhiều chuyên gia thì bệnh TCM có nhiều biến chứng rất nguy hiểm, có thể gây suy tuần hoàn, suy hô hấp, thậm chí tử vong. Do đó, việc phòng ngừa bệnh cũng như phát hiện sớm bệnh đóng vai trò quan trọng giúp trẻ giảm nguy cơ bệnh chuyển nặng nếu không may có bệnh.
Một trong những vấn đề của bệnh TCM mà nhiều phụ huynh còn chủ quan là không phải bé nào mắc bệnh cũng bị sốt. Do đó, khi trẻ bị bệnh cần chú ý đến những dấu hiệu như giật mình, chới với vào lúc mới ngủ… để nhập viện theo dõi, vì lúc này, bệnh bắt đầu chuyển sang giai đoạn có biến chứng. Hiện nay, bệnh TCM chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, khi phát hiện, bệnh vẫn có thể diễn biến nặng hơn, do đó, khi trẻ có dấu hiệu mắc bệnh, phụ huynh cần cho trẻ nhập viện sớm để theo dõi, điều trị.
Bác sỹ Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh cho biết: Vào mùa này, phụ huynh nên chú ý khi trẻ có những biểu hiện như bóng nước ở tay, chân hoặc vết loét ở miệng cần đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để khám. Tại Lạng Sơn, hiện tại bệnh TCM tuy chưa có diễn biến phức tạp nhưng vì bước vào mùa dịch nên phụ huynh cần chú ý phòng bệnh cho trẻ do bệnh lây lan rất nhanh qua đường hô hấp, qua giọt bắn khi trẻ ho, hắt hơi; do tiếp xúc trực tiếp ở khoảng cách gần hoặc gián tiếp qua đồ chơi, đồ dùng cá nhân, qua bàn tay của trẻ bị nhiễm bệnh hay bàn tay của người chăm sóc trẻ.
Theo thống kê của Trung tâm Y tế dự phòng, những năm gần đây, khoảng thời gian từ tháng 9 đến tháng 11 là thời điểm bệnh TCM có nguy cơ bùng phát mạnh nhất; năm 2016, toàn tỉnh có 292 trường hợp mắc bệnh TCM thì chỉ trong tháng 10 và 11 đã có 70 trường hợp mắc bệnh TCM; năm 2017, chỉ tính riêng tháng 9 đã có gần 30 trường hợp được chẩn đoán mắc bệnh TCM trên tổng số gần 200 ca mắc bệnh TCM tính từ đầu năm đến nay.
Để phòng bệnh TCM có hiệu quả, các bậc phụ huynh cần chủ động đề phòng, kịp thời xử trí khi trẻ có những dấu hiệu mắc bệnh; các trường học cần phải tăng cường đảm bảo vệ sinh, an toàn thực phẩm cho các em học sinh, thường xuyên thực hiện các hoạt động vệ sinh trường lớp, làm sạch bề mặt và đồ chơi hằng ngày bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường; phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh để điều trị và xử lý kịp thời.
TUẤN ANH
Ý kiến ()