Phủ bảo hiểm y tế để bảo đảm chính sách an sinh xã hội
Khẳng định bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế là chính sách lớn, quan trọng được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm, nhằm huy động sự tham gia của mọi người dân cho sự nghiệp chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội bền vững, là mục tiêu và thể hiện tính ưu việt của chế độ ta, nhất là trong tình hình dịch Covid-19 hiện nay. Cùng với cả nước, các cấp, các ngành tỉnh Trà Vinh có nhiều nỗ lực thực hiện chính sách này.
Thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 22/11/2012 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế giai đoạn 2012-2020; công tác lãnh đạo, chỉ đạo phối hợp triển khai thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế của các ngành, các cấp trong tỉnh được nâng cao. Cơ quan bảo hiểm xã hội đổi mới hoạt động, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin bao phủ hầu hết hoạt động nghiệp vụ, rút ngắn thời gian giải quyết công việc, nâng cao chất lượng phục vụ theo hướng phục vụ chi trả nhanh chóng, kịp thời, giảm phiền hà, bảo đảm quyền lợi cho người tham gia. Người sử dụng lao động chấp hành tốt chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho người lao động. Nhận thức của nhân dân về quyền, trách nhiệm tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đã thay đổi căn bản. Các cơ sở khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế cơ bản đáp ứng yêu cầu của người dân.
Công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đạt nhiều kết quả quan trọng. Tỉnh hiện có 107 đại lý thu bảo hiểm xã hội, 433 điểm thu bảo hiểm y tế với 452 nhân viên đại lý thu đã được đào tạo, cấp thẻ, góp phần đắc lực trong việc tuyên truyền, vận động thực hiện chính sách bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội từ tỉnh đến cơ sở, ấp, khóm, khu dân cư và từng hộ gia đình. Đặc biệt, nhận thức được ý nghĩa cần thiết, nhân văn của việc tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, trên địa bàn tỉnh xuất hiện nhiều mô hình tuyên truyền, vận động có hiệu quả, được người dân đồng tình hưởng ứng, làm chuyển biến rõ nét nhận thức của người dân.
Lần đầu tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, chị Nguyễn Thị Huyền Trang, hội viên phụ nữ ấp Đồng Khoen, chia sẻ: “Sống ở vùng nông thôn, trước đây chúng tôi chưa nghĩ đến việc tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện để về già có lương hưu. Được tham gia câu lạc bộ này, tôi dành dụm thu nhập từ quầy bán tạp hóa để đóng phí bảo hiểm xã hội tự nguyện 1,161 triệu đồng/tháng từ năm 2020 đến nay. Việc đóng phí khá linh hoạt, có thể đóng hằng tháng, hằng quý hoặc sáu tháng, một năm. Gia đình đang dự tính mua thêm một suất bảo hiểm xã hội tự nguyện cho chồng tôi để khi về già sẽ giảm được phần nào gánh nặng cho con cháu”.
Tại hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW trên địa bàn tỉnh, Phó Bí thư Tỉnh ủy Trà Vinh Lâm Minh Đằng biểu dương sự nỗ lực của cấp ủy, chính quyền các cấp trong quá trình triển khai thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế. Bên cạnh những kết quả đạt được, đã thẳng thắn nhìn nhận rằng, độ bao phủ bảo hiểm y tế toàn dân của tỉnh Trà Vinh cao nhưng chưa bền vững. Công tác phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm có chuyển biến tích cực nhưng chưa đáp ứng yêu cầu; tỷ lệ người tham gia còn thấp so với bình quân chung của cả nước.
Để tiếp tục tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân, đồng chí Lâm Minh Đằng cho rằng, cấp ủy, chính quyền các cấp trong tỉnh tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện việc triển khai, thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế; đẩy mạnh tuyên truyền pháp luật về các quyền lợi và nghĩa vụ của người dân khi tham gia. Bảo hiểm xã hội tỉnh phối hợp các sở, ngành liên quan rà soát, nắm chắc số lao động trong các doanh nghiệp và xây dựng cơ chế ràng buộc doanh nghiệp với tư cách là chủ sử dụng lao động phải tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế cho người lao động, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của người lao động đúng quy định của pháp luật. Cấp ủy, chính quyền cơ sở tiếp tục phối hợp chặt chẽ với cơ quan bảo hiểm xã hội cấp huyện thực hiện tốt việc mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp. Tiếp tục nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh và tinh thần trách nhiệm của đội ngũ y sĩ, bác sĩ phục vụ chăm sóc sức khỏe nhân dân…
Xác định bảo hiểm y tế toàn dân là một nội dung quan trọng trong đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, có ý nghĩa nhân đạo sâu sắc, là giải pháp tài chính bền vững trong công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân trong tình hình mới, góp phần tích cực xóa đói, giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội và sự phát triển của địa phương. Từ kết quả, cách làm ở Trà Vinh, tỉnh nỗ lực thực hiện mục tiêu bảo hiểm y tế toàn dân trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới, phấn đấu đạt chỉ tiêu của Chính phủ giao, có hơn 95% số dân, tham gia bảo hiểm y tế. Phấn đấu đến năm 2030 cùng với cả nước, tỉnh Trà Vinh có 60% số lao động tham gia bảo hiểm xã hội và khoảng 40% tham gia bảo hiểm thất nghiệp ■
Theo Nhandan
Ý kiến ()