Phóng viên trẻ và những buồn, vui trong nghề
LSO-Mỗi người sinh ra đều chọn cho mình một nghề để mưu sinh. Với những người làm báo, khi đã chọn nghề là đối mặt với những khó khăn, thử thách, nhưng hầu hết họ đều chấp nhận “dấn thân” để viết, sáng tạo và cho ra đời những tác phẩm phục vụ công chúng. Và với họ, ai cũng có những kỷ niệm buồn, vui trong nghề.
Phóng viên Đài Phát thanh – Truyền hình Lạng Sơn phỏng vấn người dân tại xã Cường Lợi, huyện Đình Lập |
Tôi vào nghề báo được 4 năm. Những ngày đầu mới bước chân vào nghề cũng gặp không ít khó khăn. Mặc dù được học chuyên ngành báo chí, nhưng quá trình từ lý thuyết trên giảng đường áp dụng vào thực tiễn trong công việc không ít lần bỡ ngỡ. Từ làm quen với công việc, tìm hiểu đề tài, xử lý thông tin cho đến việc sáng tạo ra những “đứa con tinh thần” là cả quá trình tìm tòi của chính bản thân và sự giúp đỡ của các anh chị đồng nghiệp. Những lần đi tác nghiệp tại cơ sở, từ những va chạm thực tế đã giúp những phóng viên trẻ như chúng tôi thấy hứng thú và say mê hơn với nghề mà mình đã chọn.
Nhớ lại một lần đi tác nghiệp ở cơ sở, khi đó có vụ đuối nước làm 4 học sinh bị thiệt mạng ở sông Kỳ Cùng, đoạn cầu Khánh Khê, huyện Văn Quan. Sau khi nhận được thông tin từ cơ sở, khoảng 30 phút chúng tôi có mặt tại hiện trường. Để biết rõ nguyên nhân vụ việc và danh tính các nạn nhân tử vong, chúng tôi phải tiếp cận sát với hiện trường và phỏng vấn lực lượng chức năng để lấy thông tin. Tuy nhiên, chúng tôi bị từ chối phỏng vấn vì lí do “chưa gặp anh lần nào và không có thẻ nhà báo”. Trong khi đó, tòa soạn lại đang chờ tin. Để có được thông tin chính xác về vụ đuối nước thương tâm đó, chúng tôi vất vả tìm đến người trực tiếp phát hiện và cứu vớt nạn nhân đuối nước, rồi hỏi thông tin danh tính từ phía giáo viên của trường các nạn nhân theo học. Cuối cùng, chúng tôi cũng hoàn thành nhiệm vụ và kịp thời đưa thông tin chính xác đến với công chúng. Mặc dù hoàn thành nhiệm vụ nhưng tôi thấy mình vẫn chưa nhanh nhạy trong xử lý thông tin, dù sự việc có diễn ra không theo ý muốn và áp lực về thời gian. Đó được xem như một bài học kinh nghiệm, bắt buộc người phóng viên phải nhanh nhẹy, chính xác, kịp thời trong việc xử lý các nguồn tin. Qua đó, tôi đã tích lũy được một số kinh nghiệm cho bản thân để làm hành trang cho nghề “báo”, nghề mà bản thân đam mê ngay từ những ngày còn ngồi trên ghế nhà trường.
Bên cạnh khó khăn, nghề báo cũng có những niềm vui, hạnh phúc. Tôi được giao phụ trách mảng lĩnh vực theo dõi tuyên truyền về an sinh xã hội, chuyên sâu về chuyên mục nhịp cầu nhân ái, phản ánh chân thực về từng hoàn cảnh, số phận yếu thế rất cần sự giúp đỡ của cộng đồng. Tôi không thể nào quên những lần theo chân các tổ chức, nhà hảo tâm đến tận nhà của nhân vật trong bài viết để tặng, hỗ trợ tiền, đồ dùng, nhu yếu phẩm. Ý nghĩa hơn nữa là hỗ trợ tiền xây dựng nhà ở, nhà bếp cho những số phận thật sự khó khăn, yếu thế như nhân vật anh Hoàng Văn Toán, thôn Nà Pàn, xã Quốc Khánh, huyện Tràng Định.
Những kỷ niệm buồn, vui trong nghề báo không thể nào kể hết, bởi mỗi câu chuyện chính là một bài học, một lần tích lũy kinh nghiệm để từ đó chúng tôi ngày càng yêu nghề và cống hiến cho nghề mình đã chọn.
HẢI ĐĂNG
Ý kiến ()