Phòng trừ triệt để sâu bệnh hại cây ớt
– Hiện nay, cây ớt vụ xuân đang trong giai đoạn phát triển thân lá, bắt đầu ra hoa, đậu quả. Tuy nhiên, tại một số diện tích ớt trên địa bàn tỉnh xuất hiện tình trạng sâu, bệnh hại. Cơ quan chuyên môn và người dân đã và đang tăng cường kiểm tra, thực hiện các biện pháp phòng trừ hiệu quả.
Chi Lăng là huyện có diện tích ớt lớn nhất trên địa bàn tỉnh. Toàn huyện hiện có 570 ha ớt, trong đó, có 100 ha được chăm sóc theo tiêu chuẩn VietGAP. Thời điểm này, cây ớt đang trong giai đoạn ra hoa, đậu quả. Tuy nhiên, hiện nay, hầu hết diện tích ớt đều xuất hiện sâu bệnh hại ở mức độ nhẹ – trung bình (tỷ lệ nhiễm 0,5 đến 2% cây). Đặc biệt, năm nay xuất hiện bệnh héo xanh trên cây ớt với mật độ và tỷ lệ nhiễm tăng. Từ đầu vụ đến nay, toàn huyện có gần 3 ha ớt bị nhiễm bệnh héo xanh ở mức độ nặng (tỷ lệ 5% cây).
Người dân xã Nhân Lý, huyện Chi Lăng kiểm tra sâu bệnh hại trên cây ớt
Bà Ngô Thị Nhọt, thôn Hợp Nhất, xã Nhân Lý, huyện Chi Lăng cho biết: Năm nay, gia đình tôi trồng trên 6 sào ớt. Khoảng tháng 11 âm lịch, gia đình tôi tiến hành làm đất và lên luống trồng. Ban đầu cây ớt phát triển tốt. Tuy nhiên, sau hơn 2 tháng trồng, trên diện tích ớt bắt đầu xuất hiện nhiều sâu bệnh hại. Trong đó, có 3 sào bị nhiễm bệnh héo xanh dẫn đến chết cây. Đây là năm đầu tiên gia đình phải nhổ bỏ cây ớt để chuyển sang trồng ngô, lạc. Diện tích ớt còn lại sau thời gian phun thuốc theo hướng dẫn của cán bộ khuyến nông xã, hiện cây đã dần hồi phục, bắt đầu ra hoa, đậu quả.
Tương tự huyện Chi Lăng, trên nhiều diện tích ớt của huyện Văn Quan hiện cũng đang xuất hiện sâu bệnh gây hại. Bà Dương Ái Nhân, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp (TTDVNN) huyện cho biết: Vụ xuân năm nay, toàn huyện trồng được 40 ha ớt. Theo kết quả điều tra định kỳ của TTDVNN, hầu hết diện tích ớt trồng trên địa bàn huyện đều xuất hiện rải rác một số sâu bệnh hại như: rệp, sâu xám, bệnh lở cổ rễ, bệnh thán thư, thối gốc… Mặc dù xuất hiện rải rác, chưa đến ngưỡng phòng trừ song để không phát sinh thành dịch, diện tích lan rộng, TTDVNN đã báo cáo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (TT&BVTV) tỉnh để có giải pháp cụ thể; tăng cường cử cán bộ điều tra, khảo sát thực tế, hướng dẫn bà con cách phòng trừ sâu bệnh; chỉ đạo cán bộ khuyến nông cơ sở tích cực theo dõi đồng ruộng. Đồng thời, từ đầu năm 2023 đến nay, TTDVNN phối hợp với chính quyền các xã tổ chức tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc cây ớt được 2 lớp với 60 lượt người tham gia. Nhờ đó, diện tích ớt bị nhiễm sâu bệnh được kiểm soát và không lây lan.
Được biết, vụ xuân năm nay, toàn tỉnh gieo trồng 1.035 ha ớt, tập trung chủ yếu tại các huyện: Chi Lăng, Văn Quan, Lộc Bình… Nhiệt độ, thời tiết thay đổi thất thường là điều kiện để một số loại sâu bệnh gây hại phát sinh, phát triển trên cây ớt. Theo kết quả điều tra dịch hại cây trồng của Chi cục TT&BVTV tỉnh, sâu bệnh hại trên cây ớt bắt đầu xuất hiện từ đầu tháng 2 đến nay với diện tích nhiễm, cần phòng trừ gần 5 ha. Đặc biệt, trong đó xuất hiện nhiều diện tích ớt bị nhiễm bệnh héo xanh (3,5 ha). Đây là bệnh do vi khuẩn gây ra, hiện chưa có thuốc đặc trị. Để tránh phát sinh thành dịch, Chi cục TT&BVTV tỉnh đã cử cán bộ phối hợp với TTDVNN các huyện tăng cường điều tra sâu bệnh hại theo tuần, xây dựng kế hoạch và các biện pháp phòng trừ. Theo đó, đối với diện tích nhiễm, cần phòng trừ, cán bộ khuyến nông hướng dẫn người dân phun các loại thuốc sinh học, đặc trị; riêng đối với diện tích ớt nhiễm bệnh héo xanh người dân cần nhổ bỏ, tiêu hủy để hạn chế lây lan; đối với diện tích xuất hiện sâu bệnh rải rác, chưa đến ngưỡng phòng trừ, người dân tích cực diệt trừ thủ công, khơi thông mương, rãnh…
Bên cạnh sự chủ động của cơ quan chuyên môn, người dân cũng tích cực thăm đồng thường xuyên, theo dõi diễn biến các đối tượng gây hại, từ đó sử dụng các loại thuốc trong danh mục để phun phòng trừ kịp thời. Đến nay, các diện tích ớt bị nhiễm cơ bản được phun phòng trừ và không phát sinh thành dịch.
Ông Hoàng Văn Lợi, Phó trưởng Phòng Trồng trọt, Bảo vệ và Kiểm dịch Thực vật, Chi cục TT&BVTV tỉnh cho biết: Hiện nay, hầu hết diện tích ớt trồng trên địa bàn tỉnh đều xuất hiện rải rác sâu bệnh hại. Nếu không chủ động phòng trừ, sâu bệnh hại sẽ tiếp tục phát triển theo các vòng đời, tỷ lệ gây hại cao và có khả năng phát sinh thành dịch. Do vậy, thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục tăng cường công tác dự tính, dự báo để có các biện pháp phòng trừ hợp lý. Đồng thời, tuyên truyền người dân tích cực thăm đồng, chủ động phun phòng trừ sâu bệnh hại (đặc biệt là phun phòng bệnh héo xanh) theo nguyên tắc 4 đúng gồm: đúng thuốc, đúng liều lượng, đúng thời điểm và đúng cách… Từ đó, đảm bảo phòng trừ triệt để, hiệu quả sâu bệnh hại cây ớt.
Ý kiến ()