Chủ nhật, 24/11/2024 12:49 [(GMT +7)]
Phòng, trừ sâu róm thông: Khoanh vùng khống chế từ xa
Thứ 6, 06/04/2012 | 08:56:00 [(GMT +7)] A A
Việc chủ động khoanh vùng, khống chế sâu róm trong giai đoạn này rất quan trọng, bởi thế hệ 2 dự báo mật độ sẽ cao hơn, gây hại mạnh hơn. Một yếu tố nữa là thời gian sắp tới sẽ bước vào mùa mưa gây khó khăn hơn cho công tác phun thuốc phòng trừ. Chính vì vậy, các chủ rừng cần chủ động kiểm tra rừng và áp dụng ngay các biện pháp thủ công để phòng trừ, đồng thời báo ngay cho cơ quan chuyên môn để được hướng dẫn. Ngay cả các địa phương có diện tích rừng bị nhiễm sâu ở mật độ thấp cũng cần bám sát diễn biến để có những biện pháp xử lý kịp thời.
LSO-Theo nhận định của cơ quan chức năng, không còn tuân theo quy luật, sâu róm thông đã biến đổi khá nhiều qua những năm qua. Tới thời điểm này, theo thống kê sơ bộ của Chi cục Bảo vệ thực vật, tổng số diện tích nhiễm sâu róm thông của toàn tỉnh đã lên tới trên 1.000 ha. Theo nhận định của cơ quan chuyên môn, nếu không chủ động khoanh vùng, khống chế từ đợt bùng phát đầu tiên, thì những thế hệ sâu róm thông tiếp theo sẽ gây hại nặng nề.
Phun thuốc trừ sâu róm thông trên địa bàn huyện Văn Lãng
Ngay từ những ngày đầu tháng 1/2012, theo điều tra của cơ quan bảo vệ thực vật, toàn tỉnh có 722ha thông bị nhiễm sâu róm thông qua đông. Trong đó Đình Lập nhiễm 692ha, mật độ từ 30-150 con/cây; Lộc Bình nhiễm 30ha, mật độ từ 40-100 con/cây, cá biệt có nơi mật độ cao từ 700-800 con/cây. Các địa phương còn lại cũng đã xuất hiện sâu róm thông, nhưng mật độ thấp, chỉ trong khoảng 2-4 con/cây. Theo cảnh báo của cơ quan này, thế hệ 1 sâu róm thông sẽ gây hại mạnh trong thời gian từ tháng 3- tháng 4/2012. Không sai lệch nhiều về thời gian dự báo, trong những ngày đầu tháng 4 này, vùng thông Lộc Bình đã có nhiều diện tích bị ảnh hưởng bởi sâu róm. Ông Hoàng Văn Thành, Trạm trưởng Trạm bảo vệ thực vật huyện Lộc Bình cho biết: thời điểm này, toàn huyện đã có 315ha rừng thông bị nhiễm sâu róm, tập trung ở Tú Mịch, Tú Đoạn, Yên Khoái và Ái Quốc. Nếu so với những năm trước, thì diện tích nhiễm chưa phải là nhiều, nhưng năm nay mật độ nhiễm lại cao hơn. Điển hình như ở rừng thông xã Tú Mịch, mật độ sâu róm trung bình là 100-200 con/cây, cục bộ lên tới 500-600 con/cây. Ở Yên Khoái, mật độ thấp hơn từ 50-80 con/cây. Sâu róm thông trên địa bàn huyện Lộc Bình đang ở tuổi 4-5, trong đó chủ yếu là tuổi 5, tuổi gây hại rất mạnh.
Do đã có dự báo từ trước, nên Trạm bảo vệ thực vật huyện đã chuẩn bị trước các phương tiện, vật tư để phòng, trừ sâu róm. Từ tháng 3/2012, Trạm đã được cấp trên 1 tấn thuốc sinh học và 5 máy phun thuốc gắn động cơ. Nhờ sự chủ động đó mà ngay khi bùng phát sâu róm thông, cơ quan chuyên môn đã cử cán bộ, phối hợp với chính quyền các địa phương và các chủ rừng phun phòng trừ. Tính đến ngày 3/4/2012, toàn huyện đã phun trừ được 220ha rừng thông. Với điều kiện thời tiết khá thuận lợi, ít mưa, nên hiệu quả phun trừ đạt khá cao. Theo đánh giá của cơ quan chuyên môn, có khoảng 70% sâu bị chết. Tuy nhiên, theo ông Hoàng Văn Thành, nếu các chủ rừng chủ động hơn nữa, thì hiệu quả phòng, trừ sẽ còn cao hơn, ngay từ khi sâu róm chưa đủ sức gây hại. Bởi ngay từ tháng 1/2012, cơ quan chuyên môn đã có thông báo về các diện tích nhiễm sâu róm qua đông. Ngay từ lúc ấy, nếu các chủ rừng chủ động kiểm tra, thì phun thuốc vào thời điểm sâu ở tuổi 2-3 là hợp lý nhất. Hiện nay ở Lộc Bình, sâu róm thông đã chuẩn bị vào kén. Với mật độ cao như hiện nay thì dự báo thế hệ 2 sẽ bùng phát rất mạnh. Chính vì vậy, ngoài phun trừ, cơ quan chuyên môn khuyến cáo, ngay khi sâu vào kén, các chủ rừng phải chủ động bằng các biện pháp thủ công để diệt kén và khi sâu vũ hóa thì biện pháp hiệu quả nhất là dùng bẫy đèn để diệt bướm. Ông Sầm Ngọc Thanh, Phó Chi cục trưởng Chi cục bảo vệ thực vật cho biết: theo thống kê sơ bộ, hiện nay trên địa bàn toàn tỉnh có 1.012ha rừng thông bị nhiễm sâu róm, trong đó nhiều nhất là ở Đình Lập với 692ha và một số ít ở thành phố, còn lại ở Lộc Bình, các địa phương khác như Văn Lãng, Chi Lăng…mật độ chưa cao. Tuy nhiên, số diện tích nhiễm ở Đình Lập hiện nay đang ở tuổi nhộng, mật độ 20-30 con/cây, đây là giai đoạn sâu róm chưa thể gây hại, cần phòng trừ ngay bằng các biện pháp thủ công. Ở thành phố, diện tích nhiễm là 5ha, sâu đang ở tuổi 2-3, mật độ 50-70 con/cây, địa phương đã phun trừ được 2ha.
Rừng thông ở xã Yên Khoái, huyện Lộc Bình
Việc chủ động khoanh vùng, khống chế sâu róm trong giai đoạn này rất quan trọng, bởi thế hệ 2 dự báo mật độ sẽ cao hơn, gây hại mạnh hơn. Một yếu tố nữa là thời gian sắp tới sẽ bước vào mùa mưa gây khó khăn hơn cho công tác phun thuốc phòng trừ. Chính vì vậy, các chủ rừng cần chủ động kiểm tra rừng và áp dụng ngay các biện pháp thủ công để phòng trừ, đồng thời báo ngay cho cơ quan chuyên môn để được hướng dẫn. Ngay cả các địa phương có diện tích rừng bị nhiễm sâu ở mật độ thấp cũng cần bám sát diễn biến để có những biện pháp xử lý kịp thời.
Vũ Như Phong
Đang tải dữ liệu
Poll
Ý kiến ()