Phòng trừ sâu, bệnh hại: Nấm hoa cúc đe dọa lúa mùa
LSO-Thời tiết nóng ẩm, mưa nhiều trong giai đoạn vừa qua tạo điều kiện thuận lợi cho bệnh nấm hoa cúc phát sinh, gây hại trên một số diện tích lúa mùa sớm.
LSO-Thời tiết nóng ẩm, mưa nhiều trong giai đoạn vừa qua tạo điều kiện thuận lợi cho bệnh nấm hoa cúc phát sinh, gây hại trên một số diện tích lúa mùa sớm. Nếu như không có sự chủ động ngay từ thời điểm này, rất có thể lúa mùa chính vụ cũng bị ảnh hưởng, gây tác động lớn tới năng suất, chất lượng vụ mùa.
Nông dân thôn Pá Péc (Tân Văn, Bình Gia) đảo thóc để phân loại, lọc bỏ hạt thóc bị nấm |
Anh Hoàng Văn Bến, thôn Pá Péc, xã Tân Văn, huyện Bình Gia thẫn thờ nhìn mấy bao thóc vừa thu hoạch, giọng buồn bã: năm nay trồng giống mới, dùng kỹ thuật mới, lúa cho thu hoạch sớm hơn hẳn, tưởng được ăn ai dè thời gian qua mưa dầm dề, thóc bị nấm gần hết. Lúc đầu thì còn vàng, nhưng sau đó hạt cứ đen thui, quá nửa là lép. Chẳng riêng gì gia đình anh Bến, mà một số diện tích mùa sớm năm nay ở thôn Pá Péc cũng trong tình trạng tương tự. Trưởng thôn Pá Pét – Hoàng Văn Thọ ngậm ngùi: mùa sớm năm nay thôn cấy 2ha giống lúa hoa ưu 109 và sử dụng kỹ thuật phân viên nén dúi sâu, nhả chậm theo chương trình của Trạm Khuyến nông huyện, nhưng ai ngờ thời kỳ sắp cho thu hoạch thời tiết lại mưa dầm dề, thóc nấm hết.
Thực chất việc triển khai mô hình sử dụng phân bón viên nén dúi sâu, nhả chậm và một số giống lúa mới như hoa ưu 109 trong vụ mùa sớm đã được Trung tâm Khuyến nông chỉ đạo cách đây vài vụ. Kết quả đạt được là rất khả quan, không chỉ rút ngắn được thời gian sinh trưởng, tác động tích cực đến chuyển dịch cơ cấu mùa vụ mà còn cho năng suất cao. Tuy nhiên thời tiết nóng ẩm, mưa nhiều trong năm nay đã ảnh hưởng nhiều tới năng suất, chất lượng lúa. Anh Hoàng Văn Thọ chia sẻ: nếu tính về thời gian, thì năm nay nhà mình thu hoạch sớm hơn mọi năm 15-20 ngày, nhưng khi lúa trỗ bông, hạt bị phủ một lớp nấm màu vàng rồi chuyển sang màu sẫm. Khi thu hoạch, những hạt thóc bị nấm bị lép gần hết, hạt nào có nhân thì bóc ra bên trong cũng bở bùng bục, năng suất tính ra được hơn 1 tạ/sào là may. Trao đổi với chúng tôi, ông Hoàng Văn Dưỡng, Trạm trưởng Trạm Bảo vệ thực vật huyện Bình Gia xác nhận đây chính là triệu chứng điển hình của bệnh nấm hoa cúc. Chiểu theo tài liệu chuyên môn thì bệnh này phát sinh gây hại từ khi lúa phơi màu cho tới khi chín. Nấm chỉ phát sinh ở một số hạt thóc trên bông lúa. Nếu hạt lúa bị bệnh sớm thì cả bầu hoa bị phá huỷ chỉ còn lại đám bào tử nấm màu vàng; nếu bị muộn thì bào tử nấm phá hại trên phần gạo, phình to ra và ép vỏ hạt sang một bên. Hạt thóc bị bệnh nặng bên trong sẽ bị lép, biến màu và có mùi nấm mốc. Thời tiết nóng ẩm, mưa nhiều là yếu tố thuận lợi cho nấm hoa cúc phát sinh gây hại, đặc biệt bệnh có thể phát sinh trên nhiều giống lúa và có xu hướng gây hại nặng trên các giống lúa lai.
Rất may là theo điều tra, dự báo của Trạm Bảo vệ thực vật huyện Bình Gia thì bệnh nấm hoa cúc mới chỉ xuất hiện trên diện hẹp, chủ yếu là ở thôn Pá Péc, mức độ cũng chưa phải nặng nên nhà nông vẫn được thu. Tuy nhiên với điều kiện thời tiết như hiện nay, nguy cơ nấm hoa cúc gây hại sang các diện tích khác cũng không hề nhỏ. Theo Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh, hiện nay qua nắm thông tin tại các địa phương, thì ngoài Bình Gia, một số địa phương khác như Bắc Sơn, Hữu Lũng…cũng đã có hiện tượng nấm hoa cúc trên lúa mùa sớm. Về mức độ nặng nhẹ và diện tích nhiễm ra sao thì các cơ quan chuyên môn vẫn đang khẩn trương điều tra, thống kê.
Ngoài nấm hoa cúc, hiện nay trên các trà lúa mùa cũng đã có các đối tượng gây hại khác. Trong đó chủ yếu là rầy, sâu cuốn lá nhỏ và bệnh đạo ôn. Ông Trần Đại Dũng, Phó chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật cho biết: hiện nay chi cục vẫn đang tiếp tục chỉ đạo các trạm trực thuộc tăng cường cán bộ bám, nắm cơ sở, điều tra, dự tính, dự báo và kịp thời hướng dẫn nhân dân phòng, trừ các loại sâu, bệnh hại bảo vệ cây trồng vụ mùa. Trong đó trước mắt đặc biệt chú ý theo dõi và tập trung vào bệnh nấm hoa cúc.
VŨ NHƯ PHONG
Ý kiến ()