Phòng, trừ sâu bệnh hại: Đình Lập nâng cao nhận thức của nhà nông
LSO-Trung tuần tháng 5, cơ quan chuyên môn huyện Đình Lập đã ra thông báo khẩn về tình hình sâu bệnh hại cây trồng trên địa bàn. Gần một phần ba trong tổng 380 ha lúa xuân của toàn huyện đã nhiễm các loại rầy, trong khi đó cây ngô đang phải chống chọi với sâu gai. Mật độ và diện tích nhiễm được nhận định cao hơn hẳn so với vụ xuân năm trước. Trong thời điểm này, việc tuyệt đối tuân thủ hướng dẫn của cơ quan chuyên môn là một trong những biện pháp tối ưu giúp nhà nông bảo vệ cây trồng.
LSO-Trung tuần tháng 5, cơ quan chuyên môn huyện Đình Lập đã ra thông báo khẩn về tình hình sâu bệnh hại cây trồng trên địa bàn. Gần một phần ba trong tổng 380 ha lúa xuân của toàn huyện đã nhiễm các loại rầy, trong khi đó cây ngô đang phải chống chọi với sâu gai. Mật độ và diện tích nhiễm được nhận định cao hơn hẳn so với vụ xuân năm trước. Trong thời điểm này, việc tuyệt đối tuân thủ hướng dẫn của cơ quan chuyên môn là một trong những biện pháp tối ưu giúp nhà nông bảo vệ cây trồng.
![]() |
Tư vấn và cung ứng thuốc tại Trạm Bảo vệ thực vật huyện Đình Lập |
Nhà ở tận Khe Cháy, xã Thái Bình nhưng chị Phương Thị Nguyên vẫn lặn lội hơn 20km đường khó ra tận Trạm Bảo vệ thực vật huyện để được tư vấn, hướng dẫn trừ sâu một cách hiệu quả nhất. Chị Nguyên bộc bạch: Mấy hôm nay rầy nâu, rầy lưng trắng đã phát sinh và xuất hiện nhiều, hơn hẳn so với những năm trước, mình đã mua thuốc phun 2 lần nhưng hiệu quả thì vẫn không cao. Nghe chị Nguyên trình bày, cán bộ bảo vệ thực vật hỏi cặn kẽ gia đình đã phun thuốc gì, phun ra sao, rồi nhanh tay lấy thuốc, hướng dẫn tỉ mỉ cách pha thuốc, cách sử dụng, cách phun và thời điểm phun.
Bà Hứa Phương Hòa, cán bộ Trạm Bảo vệ thực vật huyện chia sẻ: Trong những năm qua, bà con nông dân trên địa bàn đã khá tích cực, chủ động trong việc phòng, trừ sâu bệnh hại. Tuy nhiên, hiệu quả phòng trừ chưa thật cao, nguyên nhân là bà con chủ yếu dùng thuốc theo kinh nghiệm, chưa nhiều người thực hiện triệt để theo hướng dẫn của cán bộ chuyên môn. Chính vì vậy, ngoài việc tăng cường bám sát đồng ruộng, nâng cao hiệu quả công tác dự tính, dự báo, Trạm Bảo vệ thực vật đã phối hợp các địa phương mở nhiều lớp tập huấn, hướng dẫn nhân dân cách chăm sóc bảo vệ cây trồng hiệu quả và tiết kiệm nhất.
Trên thực tế khi kiểm tra thì thường bà con đã chủ động phun đúng thuốc, đúng thời điểm, nhưng lại pha thuốc chưa đúng tỷ lệ với tâm lý muốn dùng nồng độ cao để diệt trừ được nhanh chóng, vừa gây tốn thuốc, ô nhiễm môi trường và kết quả phòng, trừ lại thấp hơn. Thêm vào đó, hầu hết các địa phương trên địa bàn huyện Đình Lập chưa thể vận động nhà nông phun thuốc đồng loạt, vẫn mạnh ai người ấy làm, dẫn đến hiệu quả phun trừ không cao, phun nơi này, sâu hại lại di chuyển dồn về nơi khác…Chính vì những nguyên nhân đó mà trường hợp phun thuốc nhiều lần sâu vẫn không chết như của gia đình chị Phương Thị Nguyên ở Khe Cháy xảy ra tương đối phổ biến. Trước thực trạng này, ngay từ đầu vụ, UBND huyện Đình Lập đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tăng cường cán bộ bám sát cơ sở, mở rộng tuyến điều tra để chủ động dự tính, dự báo. Từ đó có khuyến cáo phòng trừ kịp thời cho các địa phương. Đồng thời với đó là tiếp tục tăng cường tuyên truyền, vận động, hướng dẫn nông dân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo nguyên tắc “4 đúng” và triển khai phun trừ đồng loạt. Tính từ đầu tháng 4 đến nay, toàn huyện đã tổ chức được hàng chục lớp tập huấn về chăm sóc và bảo vệ cây trồng cho gần 1.000 lượt người tham dự. Bà Mông Thị Loan, Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện cho biết: Vụ xuân năm nay, toàn huyện gieo cấy được khoảng 380ha lúa xuân. Đến thời điểm này, qua điều tra của cơ quan chuyên môn đã có khoảng 100ha nhiễm rầy nâu, rầy lưng trắng và rầy xanh đuôi đen, mật độ trung bình từ 1.000-1.500 con/m2. Trong khi đó trên cây ngô, ngoài bệnh khô vằn thì sâu gai đang phát sinh gây hại với mật độ trung bình 11-15 con/m2; cục bộ có nơi mật độ lên đến 30-50 con/m2. Theo nhận định của cơ quan chuyên môn, mật độ và diện tích nhiễm cho đến thời điểm này đều cao hơn so với cùng kỳ năm trước. Mặt khác trong điều kiện thời tiết nắng nóng, ẩm độ cao như hiện nay thì sâu bệnh hại sẽ còn tiếp tục diễn biến phức tạp.
Việc tuân thủ những khuyến cáo của cơ quan chuyên môn là một trong những biện pháp tối ưu để giúp nhà nông phòng trừ sâu, bệnh hại cây trồng một cách hiệu quả, an toàn và tiết kiệm.
VŨ NHƯ PHONG
![](https://mediabls.mediatech.vn/assets/images/load3.gif)
Ý kiến ()