LSO-Yếu tố quan trọng nhất trong phòng, trừ sâu, bệnh hại cây trồng là phải dự tính, dự báo được thời điểm sâu, bệnh phát sinh trong từng giai đoạn sinh trưởng, phát triển của cây trồng để chủ động đón đầu, phòng trừ. Cán bộ kỹ thuật kiểm tra phòng trừ sâu bệnh mô hình trồng cà chua bi ở xã Chi Lăng, huyện Chi Lăng - Ảnh: Thế BảoPhải mất tới 5 lần hẹn, tôi mới có thể gặp phỏng vấn được anh Phan Văn Sáu, Trưởng trạm Bảo vệ Thực vật huyện Chi Lăng. Anh Sáu phân trần: các anh thông cảm, Trạm chỉ có 4 cán bộ kể cả lãnh đạo, trong khi đó địa bàn thì rộng, nên chúng tôi hầu hết bám cơ sở, làm việc ngoài đồng ruộng. Có như vậy thì mới có thể điều tra kịp thời và dự báo chính xác tình hình phát sinh của sâu bệnh, từ đó có những thông báo, khuyến cáo phòng trừ. Không phải riêng Trạm Bảo vệ Thực vật huyện Chi Lăng, mà ở tất cả các trạm khác đều rất thiếu nhân lực. Ông Sầm Ngọc Thanh, Phó Chi cục trưởng...
LSO-Yếu tố quan trọng nhất trong phòng, trừ sâu, bệnh hại cây trồng là phải dự tính, dự báo được thời điểm sâu, bệnh phát sinh trong từng giai đoạn sinh trưởng, phát triển của cây trồng để chủ động đón đầu, phòng trừ.
Cán bộ kỹ thuật kiểm tra phòng trừ sâu bệnh mô hình trồng
cà chua bi ở xã Chi Lăng, huyện Chi Lăng – Ảnh: Thế Bảo
Phải mất tới 5 lần hẹn, tôi mới có thể gặp phỏng vấn được anh Phan Văn Sáu, Trưởng trạm Bảo vệ Thực vật huyện Chi Lăng. Anh Sáu phân trần: các anh thông cảm, Trạm chỉ có 4 cán bộ kể cả lãnh đạo, trong khi đó địa bàn thì rộng, nên chúng tôi hầu hết bám cơ sở, làm việc ngoài đồng ruộng. Có như vậy thì mới có thể điều tra kịp thời và dự báo chính xác tình hình phát sinh của sâu bệnh, từ đó có những thông báo, khuyến cáo phòng trừ. Không phải riêng Trạm Bảo vệ Thực vật huyện Chi Lăng, mà ở tất cả các trạm khác đều rất thiếu nhân lực.
Ông Sầm Ngọc Thanh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật cho biết: tuy đội ngũ cán bộ còn hạn chế về số lượng, nhưng để đảm bảo phòng, trừ sâu bệnh hại cây trồng một cách hiệu quả nhất, Chi cục đã chỉ đạo các Trạm phải tăng cường đi cơ sở, bám sát đồng ruộng để có thể dự tính, dự báo một cách chính xác nhất, đây được coi là yếu tố quyết định. Nhớ lại vụ xuân năm 2007, dịch sâu cuốn lá nhỏ, rầy nâu và rầy lưng trắng diễn biến phức tạp trên diện rộng trong phạm vi toàn tỉnh. Khi ấy tại cuộc họp rút kinh nghiệm, đồng chí Vy Văn Thành, Chủ tịch UBND tỉnh chỉ rõ: để sâu, bệnh gây hại trên phạm vi rộng là do chủ quan trong công tác dự tính, dự báo, chưa có sự phối hợp chặt chẽ giữa bảo vệ thực vật và đội ngũ khuyến nông. Sau cuộc họp này, các cơ quan hữu quan đã ngay lập tức chấn chỉnh hoạt động, bắt đầu có sự phối hợp chặt chẽ giữa khuyến nông viên cơ sở và cán bộ bảo vệ thực vật trong việc bám, nắm cơ sở điều tra dự tính, dự báo và ra thông báo kịp thời đến các địa phương, đồng thời hướng dẫn người dân phòng trừ theo cách cầm tay, chỉ việc. Những biện pháp đồng bộ đó đã phát huy hiệu quả tích cực.
Thời điểm năm 2009-2010, trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn đã bắt đầu xuất hiện các loại bệnh do vi rút gây ra trên lúa như vàng lùn, lùn xoắn lá, lùn sọc đen. Đối với các vùng sản xuất lúa ở Đồng bằng Sông Cửu Long thì các bệnh này chẳng lạ gì, những đối với tỉnh miền núi phía Bắc thì đây là lần đầu tiên phát sinh. Tuy nhiên, từ trước đó, cơ quan bảo vệ thực vật đã phân tích và dự báo được sớm muộn gì bệnh cũng sẽ theo các loại sâu, rầy di trú lan tới Lạng Sơn. Từ việc dự báo đúng tình hình, cơ quan bảo vệ thực vật đã chủ động tập huấn các biện pháp phòng trừ, trước tiên cho chính đội ngũ cán bộ thực vật, sau đó là phối hợp với chính quyền các địa phương tập huấn cho nông dân. Đồng thời chuẩn bị các vật tư thiết yếu cho công tác phòng trừ. Nhờ đó mà đợt bùng phát dịch bệnh vàng lùn, lùn sọc đen trong vụ mùa năm 2010 trên địa bàn huyện Hữu Lũng đã nhanh chóng được khống chế, giảm thiểu thiệt hại cho sản xuất. Sản xuất nông nghiệp năm 2012 tuy được đánh giá là tương đối thuận lợi, nhưng thực tế vẫn tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ bùng phát dịch sâu, bệnh hại. Nhưng với những kinh nghiệm trong công tác dự tính, dự báo, đội ngũ cán bộ bảo vệ thực vật đã chủ động cùng với người nông dân xử lý ngay khi hiện tượng gây hại chưa phát sinh trên diện rộng. Việc nhanh chóng khống chế bệnh mốc sương ở khoai tây; sâu gai trên ngô; dịch châu chấu hại ngô, lúa; sâu róm thông… trong vụ xuân và vụ mùa vừa qua là ví dụ điển hình. Bà Nguyễn Thị Thông, Trưởng phòng Kỹ thuật Chi cục Bảo vệ Thực vật cho biết: công tác dự tính, dự báo được tiến hành liên tục, căn cứ vào đó, phòng sẽ ra các thông báo định kỳ hàng tuần, hàng tháng, thông báo phòng trừ và trường hợp khẩn cấp sẽ ra thông báo khẩn để các địa phương tiến hành phòng trừ kịp thời.
Sản xuất đông xuân 2012-2013 dự báo tình hình sâu, bệnh hại vẫn tiếp tục có diễn biến phức tạp. Lãnh đạo Chi cục Bảo vệ thực vật khẳng định: công tác dự tính, dự báo vẫn là biện pháp tối ưu và sẽ tiếp tục được tăng cường, đảm bảo hiệu quả của sản xuất. Cùng với tăng cường bám sát cơ sở, hiện nay cơ quan bảo vệ thực vật đang khẩn trương tổ chức các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho người dân và đẩy mạnh công tác thanh, kiểm tra hoạt động kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật trên địa bàn.
Vũ Như Phong
Ý kiến ()