LSO-Cách đây 3 năm, trong cuộc họp rút kinh nghiệm về công tác phòng trừ sâu bệnh hại lúa xuân năm 2007, đồng chí Vy Văn Thành, Chủ tịch UBND tỉnh đã nghiêm khắc phê bình sự lỏng lẻo trong phối hợp của các cơ quan chuyên môn, đặc biệt là sự phối hợp giữa khuyến nông và bảo vệ thực vật. Rút kinh nghiệm từ cuộc họp ấy, và kinh nghiệm thực tế trong phòng chống sâu bệnh hại lúa trong các vụ vừa qua, có thể thấy sự phối hợp của các cơ quan chuyên môn đã chặt chẽ, chủ động, đồng bộ hơn và đương nhiên, công tác phòng trừ sâu bệnh cũng có nhiều chuyển biến tích cực.Cán bộ Trung tâm Khuyến nông và Bảo vệ Thực vật kiểm tra tình hình sâu bệnh hại lúa tại xã Hồng Thái (Văn Lãng)Trao đổi với tôi về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Dương, Trạm trưởng Trạm Bảo vệ thực vật (BVTV) huyện Văn Lãng khẳng định: Trong thời gian qua, công tác phối hợp của Trạm khuyến nông huyện với BVTV trong việc phát hiện, phòng trừ và khống chế sâu bệnh hại là rất chủ...
LSO-Cách đây 3 năm, trong cuộc họp rút kinh nghiệm về công tác phòng trừ sâu bệnh hại lúa xuân năm 2007, đồng chí Vy Văn Thành, Chủ tịch UBND tỉnh đã nghiêm khắc phê bình sự lỏng lẻo trong phối hợp của các cơ quan chuyên môn, đặc biệt là sự phối hợp giữa khuyến nông và bảo vệ thực vật. Rút kinh nghiệm từ cuộc họp ấy, và kinh nghiệm thực tế trong phòng chống sâu bệnh hại lúa trong các vụ vừa qua, có thể thấy sự phối hợp của các cơ quan chuyên môn đã chặt chẽ, chủ động, đồng bộ hơn và đương nhiên, công tác phòng trừ sâu bệnh cũng có nhiều chuyển biến tích cực.
|
Cán bộ Trung tâm Khuyến nông và Bảo vệ Thực vật kiểm tra tình hình sâu bệnh hại lúa tại xã Hồng Thái (Văn Lãng) |
Trao đổi với tôi về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Dương, Trạm trưởng Trạm Bảo vệ thực vật (BVTV) huyện Văn Lãng khẳng định: Trong thời gian qua, công tác phối hợp của Trạm khuyến nông huyện với BVTV trong việc phát hiện, phòng trừ và khống chế sâu bệnh hại là rất chủ động và kịp thời, trong đó đặc biệt phải kể đến sự tích cực của đội ngũ khuyến nông viên cơ sở, không chỉ làm tròn vai của mình mà đội ngũ này đã góp phần rất lớn giúp cơ quan BVTV kịp thời phòng trừ được nhiều đợt sâu, bệnh. Với đặc thù của mình, đội ngũ cán bộ BVTV không nhiều, mỗi Trạm trung bình chỉ có từ 3-4 cán bộ phụ điều tra, dự tính, dự báo tình hình sâu bệnh hại cây trồng cho cả một huyện. Trong điều kiện như vậy, nếu chỉ riêng cán bộ BVTV thì khó có thể phát hiện, phòng, trừ sâu bệnh một cách kịp thời. Tuy nhiên, trong thời gian qua, rút kinh nghiệm qua nhiều đợt phòng trừ sâu, bệnh hại, sự phối hợp giữa các cơ quan chuyên môn, đặc biệt là giữa đội ngũ cán bộ khuyến nông và BVTV đã có sự gắn kết chặt chẽ và đồng bộ. Đánh giá về sự phối hợp này, ông Sầm Ngọc Thanh, Phó Chi cục trưởng, Chi cục BVTV cho biết: Đội ngũ khuyến nông viên cơ sở đã rất chủ động, trong nhiều lần diễn biến của sâu bệnh hại cây trồng đang bắt đầu có xu hướng phức tạp, thì chính đội ngũ này đã rất chủ động bám đồng ruộng cùng với bà con nông dân, đồng thời chủ động đưa các mẫu cây trồng bị sâu bệnh đến các Trạm BVTV, chính nhờ sự kịp thời đó mà BVTV đã nhanh chóng khống chế được sâu bệnh hại, bảo vệ cây trồng. Ví dụ trong đợt dịch bệnh hại lúa do vi rút gây ra trên địa bàn huyện Hữu Lũng, nhờ những mẫu bệnh phẩm mà khuyến nông viên đưa đến, Trạm BVTV huyện đã kịp thời có những biện pháp ngăn chặn, khống chế.
Ông Nguyễn Công Bình, Giám đốc Trung tâm khuyến nông cho biết: Hiện nay toàn tỉnh có 259 khuyến nông viên cơ sở, ngoài việc thực hiện tốt công tác chuyên môn như đưa tiến bộ khoa học vào sản xuất, tập huấn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi…Trung tâm đã chỉ đạo, cán bộ khuyến nông phải bám sát đồng ruộng, tăng cường sự phối hợp với các cơ quan BVTV, khống chế, ngăn chặn kịp thời sâu bệnh hại cây trồng, đồng thời đẩy mạnh công tác tập huấn kỹ thuật chăm sóc và bảo vệ cây trồng cho người dân. Tính từ đầu năm đến nay, các cơ quan chuyên môn đã tổ chức được trên 1.400 cuộc tập huấn cho nông dân các địa phương về các phương pháp phòng, trừ sâu bệnh, bảo vệ cây trồng. Sự phối hợp đồng bộ ấy đã tạo được sự chuyển biến tích cực trong việc phát hiện và ngăn chặn kịp thời sự phát sinh của sâu bệnh hại cây trồng. Trong vụ xuân năm nay, tình hình sâu bệnh hại lúa có diễn biến khá phức tạp với sự phát triển của các loại rầy và sâu cuốn lá nhỏ, trong khi đó bước sang vụ mùa Lạng Sơn lại phải đối mặt với loại bệnh mới nguy hiểm hơn là vàng lùn, lùn xoắn lá và lùn sọc đen, trong đó đã công bố dịch ở Hữu Lũng. Tuy nhiên với sự chủ động của các cơ quan chuyên môn, tình hình dịch bệnh đã nhanh chóng được khống chế. Trong vụ xuân, năng suất lúa không bị ảnh hưởng và hiện nay, sâu bệnh hại lúa mùa cũng đang từng bước được khống chế. Ngay cả với các loại bệnh nguy hiểm do vi rút gây ra trên lúa cũng cơ bản được ngăn chặn, diện tích tiêu hủy cho đến nay mới chỉ ở con số 0,036 ha, thấp hơn nhiều so với tổng diện tích nhiễm 574,159 ha.
Trong giai đoạn hiện nay, khi sản xuất nông lâm nghiệp của Lạng Sơn đã và đang có những bước phát triển mới thì sự chủ động, phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan chuyên môn trong phòng trừ sâu bệnh có ý nghĩa rất quan trọng, quyết định đến năng suất, hiệu quả và chất lượng của cây trồng, góp phần trực tiếp thúc đẩy nông nghiệp phát triển nhanh và bền vững.
Lê Minh
Ý kiến ()