Thứ 7, 28/12/2024 19:38 [(GMT +7)]
Phòng, trừ bệnh mốc sương trên khoai tây: Bài học kinh nghiệm từ Lộc Bình
Thứ 4, 07/03/2012 | 09:23:00 [(GMT +7)] A A
Trên thực tế, khi triển khai đưa khoai tây giống mới vào canh tác, cơ quan chuyên môn đã khuyến cáo nhà nông phải chuẩn bị đất sớm hơn để gieo trồng trước khung thời vụ truyền thống. Tuy nhiên, khuyến cáo ấy chưa “thắng” nổi tập quán canh tác cũ, nên nỗi lo sâu bệnh cuối vụ vẫn thường trực với người nông dân. Mỗi năm toàn tỉnh gieo trồng khoảng 2.500ha khoai tây đông, câu chuyện ở vựa khoai tây Lộc Bình có thể coi là bài học chung cho các địa phương, chủ động trong phòng trừ, tích cực chuyển dịch cơ cấu giống, cơ cấu mùa vụ để nâng cao hiệu quả vụ 3.
LSO-Mốc sương được coi như bệnh “ung thư” đối với cây khoai tây. Điều đáng lo ngại là bệnh này lại đang xuất hiện nhiều hơn với các diện tích khoai tây giống mới. Thế nhưng chỉ cần chủ động phòng, trừ và tích cực chuyển dịch cơ cấu mùa vụ, mốc sương lại là điều không đáng lo ngại với người nông dân.
Giữa trưa, anh Hoàng Văn Vụ, thôn Pò Là, xã Xuân Mãn, huyện Lộc Bình vẫn trần mình trong nắng mới. Suốt thời gian qua, cả gia đình anh kỳ vọng vào 5 sào khoai tây, trong đó một phần đã chuyển đổi sang giống mới, nay nhiều diện tích khoai tây của các hộ lân cận đã nhiễm bệnh mốc sương nên lo lắng của anh cũng là điều dễ hiểu. Tuy đã chủ động bám sát đồng ruộng, nhưng anh Vụ cũng chỉ là quan sát bằng cảm quan chứ chưa có những động thái nào tích cực hơn. Anh bộc bạch: ngày nào mình cũng thăm đồng xem khoai tây có bị bệnh giống như mấy thửa ruộng lân cận không, còn phun thuốc phòng thì chưa, để xem diễn biến thế nào, nhiễm mới phun trừ. Nói rồi anh lại tỉ mẩn xem kỹ từng luống, cũng may chưa gốc nào có triệu chứng điển hình của mốc sương. Cặm cụi trong nắng mới oi nồng, anh Vui vẫn như cầu may, mong rằng bệnh sẽ chừa ra diện tích khoai tây của mình.
Cũng trong thời điểm này, chợ Lộc Bình đã có khoai tây bày bán, chẳng phải khoai từ nơi nào mang đến mà chính là sản phẩm mới thu hoạch từ xã Quan Bản. Đây có thể coi là chuyện lạ, bởi mọi năm, thời điểm này khoai tây Lộc Bình cũng mới chỉ trong giai đoạn phát triển củ, một thời gian nữa mới cho thu hoạch. Ông Hà Văn Hợp, Chủ tịch UBND xã Quan Bản giải thích: năm nay, một số hộ gia đình trên địa bàn xã đã triển khai thực hiện thí điểm sản xuất khoai tây đông vụ sớm với diện tích gần 1ha. Thời điểm gieo trồng của các diện tích này sớm hơn hẳn so với khung thời vụ truyền thống, do vậy mới đầu xuân, trong khi các địa phương khác đang đẩy mạnh chăm sóc, thì Quan Bản đã được thu. Năng suất thì địa phương chưa kịp thống kê để so sánh với năm trước, nhưng về sâu bệnh thì hầu như không có, chất lượng sản phẩm lại rất tốt, củ tròn đều tăm tắp, ít mấu mắt, chẳng thế mà số sản phẩm thu sớm này cứ tiêu thụ vèo vèo.
Là một trong những địa phương có truyền thống sản xuất vụ đông, năm nay Lộc Bình đặt rất nhiều kỳ vọng vào cây khoai tây. Để đẩy nhanh tốc độ chuyển dịch cơ cấu giống, ngay từ đầu vụ, UBND huyện đã có chính sách trợ giá đối với khoai tây giống mới, đồng thời phối hợp với các đơn vị cung ứng giống triển khai nhiều mô hình sản xuất khoai tây giống mới sạch bệnh. Chính vì vậy mà trong tổng số trên 600ha khoai tây đông của toàn huyện, tỷ lệ giống mới năm nay chiếm khoảng 10%. Xét tổng thể thì tỷ lệ trên chẳng nhiều nhặn gì, nhưng so với hàng năm, con số này đã vượt khá xa. Giống mới được đưa vào sản xuất rộng hơn, nhưng đến thời điểm này diễn biến của bệnh mốc sương đã khiến cho nhiều người lo lắng. Ông Hoàng Văn Thành, Trạm trưởng Trạm Bảo vệ thực vật huyện cho biết: đến nay toàn huyện đã có 16 ha khoai tây bị nhiễm bệnh mốc sương, trong đó chủ yếu là trên các diện tích sử dụng giống mới. Tỷ lệ nhiễm trung bình là 10-15%, cá biệt có diện tích nhiễm với tỷ lệ cao từ 80-100%, ở tỷ lệ này, cây khó tránh khỏi bị ảnh hưởng tới năng suất. Theo lý giải của cơ quan chuyên môn, tình trạng trên là do khoai tây giống mới mẫn cảm hơn với thời tiết và dễ nhiễm bệnh.Tuy nhiên theo ông Thành, nhược điểm trên hoàn toàn có thể khắc phục khi người dân chủ động phòng trừ sớm và đẩy nhanh khung thời vụ.
Công tác dự tính, dự báo tình hình sâu bệnh thường xuyên được chú trọng. Các thông báo đều được gửi kịp thời cho các địa phương để sớm có khuyến cáo phòng trừ . Tuy nhiên, đa số người dân đã quen với tập quán canh tác giống cũ và có tâm lý chủ quan giống như gia đình anh Hoàng Văn Vụ ở xã Xuân Mãn, các diện tích xung quanh đã nhiễm bệnh mà anh vẫn chưa có biện pháp nào tích cực để phòng, trừ cho diện tích khoai tây của gia đình mình. Cơ quan chuyên môn phân tích thêm: khoai tây thích hợp với thời tiết lạnh của Lạng Sơn, nhưng do khung thời vụ diễn ra muộn, nên sang xuân, thời tiết ấm hơn cây trồng dễ bị nhiễm bệnh cuối vụ, ảnh hưởng trực tiếp tới năng suất. Mô hình sản xuất khoai tây đông sớm ở Quan Bản vừa qua là ví dụ điển hình về hiệu quả của chuyển dịch cơ cấu mùa vụ.
Trên thực tế, khi triển khai đưa khoai tây giống mới vào canh tác, cơ quan chuyên môn đã khuyến cáo nhà nông phải chuẩn bị đất sớm hơn để gieo trồng trước khung thời vụ truyền thống. Tuy nhiên, khuyến cáo ấy chưa “thắng” nổi tập quán canh tác cũ, nên nỗi lo sâu bệnh cuối vụ vẫn thường trực với người nông dân. Mỗi năm toàn tỉnh gieo trồng khoảng 2.500ha khoai tây đông, câu chuyện ở vựa khoai tây Lộc Bình có thể coi là bài học chung cho các địa phương, chủ động trong phòng trừ, tích cực chuyển dịch cơ cấu giống, cơ cấu mùa vụ để nâng cao hiệu quả vụ 3.
Vũ Như Phong
Đang tải dữ liệu
Poll
Ý kiến ()