Thứ 7, 23/11/2024 20:56 [(GMT +7)]
Phong trào "Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực": Giải pháp "đột phá" để nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện
Thứ 3, 15/01/2013 | 09:38:00 [(GMT +7)] A A
LSO-Cùng với việc thực hiện Chỉ thị số 33/2006/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chống tiêu cực và khắc phục bệnh thành tích trong giáo dục, sau 4 năm thực hiện, phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” đã được coi như một giải pháp mang tính đột phá trong việc nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.
Học sinh Trường tiểu học Hoàng Văn Thụ,
xã Hoàng Văn Thụ (Văn Lãng) trong phòng âm nhạc
Trường tiểu học Hoàng Văn Thụ (phường Hoàng Văn Thụ- Thành phố Lạng Sơn), với những dãy nhà học, nhà chức năng trông rất khang trang, sạch đẹp. Cô Dương Thị Lan, Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết, trừ những công trình và trang thiết bị do nhà nước đầu tư, còn bồn hoa cây cảnh và những vật liệu trang trí khác là từ nguồn xã hội hóa và là công sức của đội ngũ giáo viên, nhân viên và học sinh. Cô nói rằng phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”được tiến hành từ hơn 4 năm nay là sự kết hợp tốt giữa sự đầu tư của Nhà nước và sự hỗ trợ của nhân dân. Một ví dụ điển hình là việc xây dựng thư viện thân thiện, ngoài việc dùng khoản chi thường xuyên để trang bị thêm, nếu không phát động mỗi học sinh góp một cuốn sách hay, những nhà hảo tâm không giúp đỡ về giá sách, bàn ghế…thì cũng rất nghèo nàn. Với 26 lớp bán trú, việc tổ chức hợp lý giữa việc học tập, hoạt động hỗ trợ, ăn, nghỉ hoàn toàn phụ thuộc vào cái “tâm” và cái “tài” của đội ngũ cán bộ giáo viên, nhân viên. Chất lượng giáo dục toàn diện là sự kết hợp của nhiều yếu tố, song đối với một trường tiểu học nơi trung tâm thành phố như Trường tiểu học Hoàng Văn Thụ thì hiệu quả của phong trào này đã quá rõ ràng. Khác với các trường ở khu vực thành phố, Trường THCS xã Lương Năng (Văn Quan) mới chỉ có khu nhà học kiên cố. Do gặp nhiều khó khăn về vốn, nên đến nay vẫn trong tình trạng “đường đá, sân đất”. Tuy vậy, nhà trường vẫn cố gắng xây dựng một môi trường xanh và từng bước đẹp hơn với những cây xanh và bồn hoa cây cảnh. Cô Hoàng Thị Hậu, Chủ tịch Công đoàn nhà trường nói rằng, đối với học sinh vùng nông thôn, tuy các em vẫn hằng ngày gắn bó với thiên nhiên, nhưng để tạo và gìn giữ được những bồn hoa như thế này cũng là một “cuộc vận động tư tưởng” kiên trì và bền bỉ. Trong 4 năm triển khai “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”, mỗi năm ngành GD lại đề ra một nhiệm vụ cụ thể. Nếu năm đầu tiên là tập trung tạo sự chuyển biến căn bản về cơ sở vật chất nhà trường, thì năm thứ hai tập trung đổi mới mạnh mẽ phương pháp dạy học, chuẩn hóa giáo viên và đổi mới công tác quản lý. Trên cái “nền” của trường “thân thiện”, có giáo viên dạy học theo hướng “thân thiện”, thì những năm sau tập trung vào công tác phát huy tính chủ động tích cực, sáng tạo của học sinh vào học tập và các hoạt động.
Bốn năm qua, cơ sở vật chất trường học đã được tăng cường, trên 80% trường mầm non, trên 90% trường tiểu học, THCS và 100% trường THPT đã có nước sạch hợp vệ sinh, hầu hết các trường đã có hàng rào, biển trường, công trường, nhà vệ sinh hợp vệ sinh; công tác y tế trường học được tăng cường tạo điều kiện cho việc xây dựng trường, lớp xanh, sạch, đẹp, an toàn. Tại khu vực thành phố đã có 100% số trường có thư viện thân thiện, có nơi hoạt động nhóm, hoạt động ngoài trời và nơi vui chơi cho học sinh. Tỷ lệ giáo viên đạt chuẩn của cấp học được nâng cao, lại được tập huấn bồi dưỡng về đổi mới phương pháp và ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy. Đội ngũ giáo viên đã căn cứ vào đặc điểm lứa tuổi của học sinh mỗi địa phương thực hiện “Giờ học thân thiện, học sinh tích cực”, từng bước giúp các em tự tin hơn trong học tập, hoạt động. Việc giáo dục kỹ năng sống, giá trị sống, nhất là ý thức tuân thủ pháp luật, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng tự bảo vệ…được coi trọng, nhất là đối với các trường có học sinh là người dân tộc thiểu số, vùng cao, vùng khó khăn. Cùng với việc nhận tu bổ, bảo vệ di tích lịch sử văn hóa ở địa phương, trong 4 năm qua đã có 100% nhà trường đưa các trò chơi dân gian, các điệu dân ca, dân vũ tới học sinh, giúp các em hào hứng hơn trong hoạt động.
Tiến sĩ Phạm Ngọc Thưởng, Giám đốc Sở GD&ĐT khẳng định, đó là kết quả của sự chỉ đạo rõ nét của ngành thực hiện các giải pháp đồng bộ nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện từ chất lượng văn hóa, đạo đức đến kỹ năng sống, giá trị sống. Hiệu quả của phong trào đã được khẳng định bằng tỷ lệ tốt nghiệp THPT, tỷ lệ chuyển cấp, chuyển lớp, tỷ lệ học sinh giỏi qua các năm đều tăng; cùng với đó là sự giảm dần về tỷ lệ học sinh yếu kém, học sinh bỏ học.
Tuy vậy, do hạn chế về nguồn lực tài chính, nên nhiều trường, nhất là trường mầm non, trường vùng 2, vùng khó khăn còn thiếu thốn về cơ sở vật chất, nhất là các công trình phụ trợ như nước sạch, nhà vệ sinh, phòng y tế, tường rào kiên cố. Vấn đề là sự vào cuộc mạnh mẽ hơn của cấp ủy, chính quyền và nhân dân. Sẽ chưa thể “thân thiện” nếu phòng học còn cũ nát, rào tạm, cổng tre, sân đất, giáo viên và học sinh thiếu thốn từng gáo nước sạch đến công trình vệ sinh…
Đang tải dữ liệu
Poll
Ý kiến ()