Phong trào xây dựng thôn, khu phố văn hóa: Hiệu quả ở Lộc Bình
(LSO) – Thời gian qua, phong trào xây dựng “Thôn, khu phố văn hóa” đã được các xã, thị trấn của huyện Lộc Bình tích cực hưởng ứng với nhiều cách làm hiệu quả, tạo không khí thi đua sôi nổi trên địa bàn, góp phần quan trọng thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội của địa phương.
Có lẽ chưa năm nào bà con nhân dân của khu Cầu Lấm, thị trấn Lộc Bình, huyện Lộc Bình lại được cùng nhau tham gia tổ chức chung Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc tưng bừng, phấn khởi như năm 2019 vừa qua. Ông Đinh Ngọc Minh, trưởng khu Cầu Lấm phấn khởi cho biết: Khu có 206 hộ, với 878 nhân khẩu. Những năm trước đây chúng tôi không có nhà văn hóa (NVH), đến đầu năm 2019, khu được huyện giao 337 m2 đất xây dựng NVH. Đến tháng 9/2019, NVH khu được khánh thành và đi vào hoạt động với tổng kinh phí xây dựng trên 310 triệu đồng, trong đó, nguồn đóng góp phần lớn từ người dân … Có được kết quả đó là nhờ sự hưởng ứng tích cực của người dân trong tất cả các công việc của khu. Đặc biệt, ý thức của bà con được nâng lên rõ rệt nhất kể từ khi phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” được phát động, người dân đoàn kết hơn và luôn đề cao trách nhiệm của mình với cộng đồng.
Người dân thị trấn Lộc Bình, huyện Lộc Bình luyện tập môn bóng chuyền hơi
Không chỉ ở khu Cầu Lấm, thị trấn Lộc Bình mà phong trào xây dựng “Thôn, khu dân cư văn hóa” cũng được thực hiện tốt ở nhiều địa bàn khác trong huyện, tiêu biểu như thị trấn Na Dương và các xã: Đồng Bục, Tú Đoạn, Khuất Xá… Một điểm đặc biệt trong việc thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” nói chung, xây dựng “Thôn, khu phố văn hóa” nói riêng trên địa bàn huyện Lộc Bình là phong trào này đã được gắn với phong trào thi đua chung sức xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh.
Theo số liệu cung cấp từ cơ quan chuyên môn của huyện, từ năm 2018 đến nay, huyện đã vận động nhân dân hiến đất, góp ngày công, huy động các nguồn lực làm được trên 50km đường bê tông xi măng và trên 80.000 ngày công lao động tham gia làm giao thông, thủy lợi, vận động xã hội hóa trên 1,8 tỷ đồng ủng hộ xây dựng nông thôn mới. Đến nay, sau khi thực hiện sáp nhập, toàn huyện có 228/238 thôn, bản có nhà văn hóa, đạt 95,79% và 19/21 xã, thị trấn có sân chơi thể thao. Nhờ có các thiết chế văn hóa mà trên 100 CLB văn hóa, văn nghệ, thể thao trên địa bàn huyện có địa điểm luyện tập, hoạt động hiệu quả, góp phần nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho người dân.
Bà Phạm Minh Huệ, Trưởng Phòng Văn hóa – Thông tin huyện Lộc Bình cho biết: Những năm qua, phong trào xây dựng “Thôn, khu phố văn hóa” thực sự đã có những tác động tích cực trong việc cải thiện đời sống kinh tế, văn hóa, tinh thần của nhân dân, làm thay đổi bộ mặt nông thôn của huyện. Hằng năm, các khu dân cư, tổ dân phố đều tổ chức họp bàn, lấy ý kiến của các hộ dân về việc đăng ký thực hiện danh hiệu văn hóa. Trên cơ sở đó, chi bộ thôn, khu phố và các tổ chức đoàn thể chỉ đạo, tuyên truyền, vận động người dân thực hiện đầy đủ các quy định trong sinh hoạt văn hóa như: giữ gìn vệ sinh môi trường, an ninh trật tự, tuân thủ hương ước, quy ước, quy định của pháp luật.
Qua đó, đã có sự đổi thay rõ rệt trong đời sống văn hóa của người dân về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội; nhiều phong tục, tập quán tốt đẹp, các giá trị văn hoá truyền thống được bảo tồn, phát huy, quan hệ gia đình, hàng xóm ngày càng gắn bó. Đặc biệt, hội phụ nữ, đoàn thanh niên, hội cựu chiến binh các cấp… đã vào cuộc mạnh mẽ xây dựng những đoạn đường hoa, đoạn đường cây xanh, đoạn đường tự quản… tạo nên cảnh quan xanh – sạch – đẹp – văn minh cho các khu dân cư trên địa bàn toàn huyện. Năm 2019, huyện Lộc Bình có 197/263 thôn, bản, khu phố đạt danh hiệu văn hóa (đạt tỷ lệ 74,9%; tăng 11,9% so với năm 2018) và đã có 5 xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới.
Kết quả từ phong trào xây dựng “Thôn, khu phố văn hóa” của huyện Lộc Bình đã góp phần tạo dựng được môi trường văn hóa lành mạnh, phát huy tinh thần dân chủ và tinh thần làm chủ của người dân. Đồng thời, góp phần nhân lên những giá trị văn hóa đẹp trong đời sống cộng đồng.
Ý kiến ()