Phong trào xây dựng gia đình văn hóa ngày càng phát triển
LSO-Trong những năm qua, phong trào xây dựng gia đình văn hóa (GĐVH) trên địa bàn toàn tỉnh luôn có sự phát triển và ngày càng đi vào chiều sâu, hiệu quả.
LSO-Trong những năm qua, phong trào xây dựng gia đình văn hóa (GĐVH) trên địa bàn toàn tỉnh luôn có sự phát triển và ngày càng đi vào chiều sâu, hiệu quả. Phong trào xây dựng GĐVH cũng như các phong trào xây dựng thôn, làng bản, khối phố văn hóa được phát động triển khai có hệ thống từ tỉnh đến cơ sở bắt đầu từ năm 2000. Nhờ có những giải pháp cụ thể, thiết thực, đồng bộ và sự vào cuộc tích cực của các cấp, ngành cũng như được các tầng lớp nhân dân hưởng ứng nên phong trào luôn được đẩy mạnh, ngày càng phát triển sâu rộng, góp phần nâng cao vai trò, vị trí của gia đình trong xây dựng đời sống văn hóa, đời sống kinh tế – xã hội của tỉnh. Kết quả phong trào qua các năm đều tăng lên. Hàng năm, phong trào thu hút trên 70% số hộ gia đình đăng ký tham gia thực hiện. Năm 2001, toàn tỉnh có 45.232/147.257 hộ gia đình được công nhận GĐVH (đạt 30,7%). Đến năm 2012 đã có 106.314/180.931 hộ GĐVH được công nhận, đạt 58,7%, tăng 1,7% so với năm 2011, tăng 28% so với năm 2001. Năm 2013, phấn đấu tỷ lệ GĐVH đạt 67%. Bà Trần Thị Dung, Trưởng phòng Xây dựng nếp sống văn hóa và Gia đình (Sở VH,TT&DL) cho biết: phong trào xây dựng GĐVH trên toàn tỉnh ngày càng phát triển, đi vào chiều sâu. Tỷ lệ GĐVH mỗi năm một tăng. Song quan trọng hơn đó là việc duy trì phong trào và giữ vững danh hiệu, từ đó tạo động lực thúc đẩy phong trào trong thời gian tiếp theo.
![]() |
Thi kéo co tại Ngày hội văn hóa xã Tân Thành (Cao Lộc) năm 2013 |
Có thể thấy, bên cạnh việc thường xuyên đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động bằng nhiều hình thức như qua phương tiện thông tin đại chúng, tuyên truyền cổ động trực quan, thông tin tuyên truyền lồng ghép của các sở, ban, ngành, đoàn thể thì ý thức tự giác của các gia đình trong việc thực hiện các tiêu chuẩn GĐVH cũng ngày càng tốt hơn. Đó là gương mẫu chấp hành chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; tích cực tham gia các phong trào thi đua của địa phương; thực hiện văn hóa trong tham gia giao thông; giúp nhau phát triển kinh tế gia đình, thực hiện tốt kế hoạch hóa gia đình; giữ gìn nền nếp gia phong trên cơ sở tiếp thu các yếu tố văn minh, hiện đại. Nhiều gia đình đã có những gương tiêu biểu: ông, bà, cha mẹ, anh chị gương mẫu, con cháu thảo hiền; thực hiện vệ sinh môi trường, làng xóm sạch đẹp; hăng hái tham gia giữ vững an ninh trật tự, đấu tranh bài trừ các tệ nạn xã hội, tích cực tham gia các hoạt động văn hoá, văn nghệ, thể thao ở cơ sở… Cùng với đó, công tác phối hợp trong vận động, tuyên truyền trực tiếp tại cộng đồng như việc đăng ký, bình xét danh hiệu GĐVH tại cơ sở theo Thông tư số 12/2011/TT-BVHTTDL đã được làm tốt. Việc bình bầu công khai, dân chủ từ khu dân cư; biểu dương, khen thưởng, tôn vinh GĐVH hằng năm vào “Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc” (18/11) đã góp phần thúc đẩy, nâng cao chất lượng phong trào. Ngoài ra, các công tác khác cũng được quan tâm thực hiện tốt như: tập huấn phong trào trong giai đoạn mới; kiểm tra, giám sát công tác quản lý nhà nước về xây dựng nếp sống văn hóa và gia đình; chỉ đạo, hướng dẫn công tác phòng, chống bạo lực gia đình; phối hợp tổ chức các lớp tập huấn thực hiện Luật Phòng, chống bạo lực gia đình…
Năm 2013 được chọn là Năm gia đình Việt Nam, Lạng Sơn cũng đã tổ chức lễ phát động hưởng ứng. Sau lễ phát động, các cấp, ngành chức năng đã, đang đẩy mạnh nhiều hoạt động ý nghĩa. Ngày 18/4/2013, Sở VH,TT&DL đã có Kế hoạch số 437/KH -SVHTTDL về tổ chức các hoạt động Ngày Gia đình Việt Nam (28/6/2013) trên địa bàn tỉnh. Trong đó, chủ đề là “Kết nối yêu thương”; “Phát huy giá trị văn hóa truyền thống, xây dựng gia đình Việt Nam tiến bộ, hạnh phúc”. Các hoạt động tại tỉnh sẽ gồm: đẩy mạnh công tác tuyên truyền, cổ động trực quan; sơ kết 3 năm mô hình phòng, chống bạo lực gia đình giai đoạn 2011 – 2013; tổ chức “Ngày hội gia đình hạnh phúc”;… Đây chính là những hoạt động thiết thực góp phần vào thúc đẩy công tác gia đình và phong trào xây dựng GĐVH thêm phát triển.
Có thể khẳng định, xây dựng GĐVH đã thực sự trở thành một phong trào trọng tâm, xuyên suốt, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cả về vật chất lẫn tinh thần của các gia đình, luôn được các cấp, ngành của tỉnh quan tâm sâu sắc. Qua đó càng khẳng định, gia đình chính là một môi trường giáo dục quan trọng, là đơn vị trực tiếp và trọng yếu thực hiện mọi chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; thực hiện xóa đói giảm nghèo và vươn lên làm giàu chính đáng; giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa, những truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam. Để phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa nói chung, phong trào xây dựng GĐVH nói riêng thêm phát triển, một số mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đã được đề ra như: Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền các cấp; quán triệt, thực hiện nghiêm túc các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động; thực hiện tốt công tác thi đua, khen thưởng, đăng ký, bình xét, tôn vinh các GĐVH tiêu biểu. Đi đôi với đó, tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn cơ sở; quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác, phong trào… Tin rằng, phong trào sẽ thu được nhiều kết quả tốt đẹp.
HOÀNG THỊNH
![](https://mediabls.mediatech.vn/assets/images/load3.gif)
Ý kiến ()