Phong trào thi đua xây dựng mô hình, điển hình "Dân vận khéo"
Ngày 15-10-1949 Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết bài "Dân vận" đăng trên Báo Sự thật, khi kết luận bài báo, Bác viết "Lực lượng của dân rất to. Việc dân vận rất quan trọng. Dân vận kém thì việc gì cũng kém, Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công". Đây chính là tư tưởng cơ bản của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với công tác dân vận của Đảng. Điều đó có nghĩa là mọi công việc của Đảng, của Nhà nước, của Mặt trận, các đoàn thể nhân dân đều gắn bó mật thiết với nhân dân và đều phải làm công tác dân vận và phải "Dân vận khéo". Đây chính là nghệ thuật tài tình trong công tác tuyên truyền vận động, tập hợp, tổ chức nhân dân làm cách mạng.Nhân Ngày Dân vận toàn quốc 15-10, sau khi học tập, quán triệt bài báo 'Dân vận' của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong những năm qua, nhiều địa phương, đơn vị trong cả nước đã có những cách làm mới, sáng tạo, đạt hiệu quả cao trong công tác vận động quần chúng; xuất hiện ngày càng nhiều những tập thể...
Nhân Ngày Dân vận toàn quốc 15-10, sau khi học tập, quán triệt bài báo 'Dân vận' của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong những năm qua, nhiều địa phương, đơn vị trong cả nước đã có những cách làm mới, sáng tạo, đạt hiệu quả cao trong công tác vận động quần chúng; xuất hiện ngày càng nhiều những tập thể và cá nhân điển hình 'Dân vận khéo' trên các lĩnh vực của đời sống xã hội; góp phần quan trọng vào việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội, các nhiệm vụ của địa phương, đơn vị.
Nhằm tổng kết kinh nghiệm thực tiễn, phổ biến nhân rộng các điển hình 'Dân vận khéo', đa dạng hóa các hình thức vận động quần chúng, giải quyết thành công những vấn đề khó khăn, phức tạp mới nảy sinh, tiếp tục đẩy mạnh, đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác dân vận của Đảng trong thời kỳ mới, được sự đồng ý của Ban Bí thư T.Ư Đảng, đầu năm 2009 Ban Dân vận T.Ư đã phát động phong trào thi đua xây dựng mô hình, điển hình 'Dân vận khéo', sau hai năm thực hiện đã thu được nhiều kết quả tốt đẹp và góp phần cụ thể hóa tư tưởng, phong cách dân vận của Chủ tịch Hồ Chí Minh cho phù hợp, đáp ứng yêu cầu công tác dân vận của Đảng trong tình hình mới.
Sau khi Ban Dân vận T.Ư có chủ trương phát động phong trào trong cả nước, hầu hết các cấp ủy đảng đều đồng tình hưởng ứng, quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát các cấp, các ngành, các lực lượng làm công tác dân vận và chỉ đạo cho Ban Dân vận cơ sở xây dựng kế hoạch, hướng dẫn triển khai tổ chức thực hiện. Đồng thời, xác định rõ việc phát động, tổ chức triển khai thực hiện phong trào, xây dựng và nhân rộng các điển hình 'Dân vận khéo' là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị; phải sâu rộng trong tất cả các cấp, các ngành, Mặt trận, đoàn thể; cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân; trên mọi lĩnh vực hoạt động xã hội. Căn cứ đặc điểm, tình hình cụ thể của từng địa phương đơn vị, các cấp ủy đảng còn định hướng cho các tổ chức trong hệ thống chính trị lựa chọn, xác định nội dung sao cho phù hợp để khéo vận động các tầng lớp nhân dân, phát huy sức mạnh của nhân dân, thực hiện các nhiệm vụ chính trị trọng tâm, chăm lo nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của đông đảo quần chúng nên đã đem lại hiệu quả thiết thực. Ban Dân vận các tỉnh, thành ủy, các Đảng ủy trực thuộc T.Ư đã chủ động tham mưu cho cấp ủy xây dựng kế hoạch triển khai, ban hành các văn bản hướng dẫn phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, đơn vị, gắn với việc thực hiện bước hai Cuộc vận động 'Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh'. Tham mưu cho cấp ủy tổ chức hội nghị quán triệt, triển khai, phát động thi đua đến cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, các tổ chức đảng, chính quyền, các ngành, Mặt trận, đoàn thể, hội quần chúng và các tầng lớp nhân dân. Nhiều địa phương đã có những hình thức triển khai sâu rộng, hiệu quả. Chủ động phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng làm tốt công tác tuyên truyền, phát động phong trào thi đua sâu rộng tới các tầng lớp nhân dân; bằng nhiều hình thức phong phú. Nhiều địa phương còn phối hợp với các ngành tổ chức tập huấn, hội thảo phổ biến kinh nghiệm, tổ chức tham quan giới thiệu cách làm hay, xây dựng các tiêu chí đánh giá, bình chọn, tổ chức học tập, thảo luận về tư tưởng, phong cách dân vận của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ký kết chương trình phối hợp giữa chính quyền với Mặt trận, đoàn thể nhân dân, các lực lượng vũ trang…
Nhân kỷ niệm 79 năm Ngày truyền thống công tác Dân vận của Đảng, đã có nhiều địa phương, đơn vị tổ chức sơ kết đợt 1, tổ chức hội nghị biểu dương điển hình 'Dân vận khéo', Thi Dân vận khéo; tổ chức hoạt động 'Về nguồn', biên soạn và phát hành kỷ yếu giới thiệu những điển hình. Vào dịp kỷ niệm 80 năm Ngày truyền thống công tác dân vận của Đảng, nhiều địa phương đã tổ chức Hội nghị tổng kết, biểu dương các điển hình 'Dân vận khéo', triển khai phương hướng nhiệm vụ cho những năm tiếp theo. Ban Dân vận Trung ương đã tổ chức tổng kết phong trào hai năm và tôn vinh, biểu dương 80 tập thể, cá nhân tiêu biểu, điển hình 'Dân vận khéo' toàn quốc.
Nhìn lại phong trào thi đua xây dựng mô hình, điển hình 'Dân vận khéo' trong những năm vừa qua, nhất là từ khi Ban Dân vận Trung ương phát động đến nay đã thực sự trở thành phong trào thi đua yêu nước của các cấp, các ngành, các địa phương, đơn vị, của các tầng lớp nhân dân trong cả nước và mang lại hiệu quả thiết thực trên các mặt. Tiếp tục làm cho nhận thức của các cấp, các ngành, các cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, các tầng lớp nhân dân tăng lên một bước quan trọng, càng thấy rõ hơn trách nhiệm của mình phải làm tốt công tác dân vận đối với tất cả mọi công việc và phải có phương pháp, nghệ thuật, khéo trong công tác vận động quần chúng. Trách nhiệm, nghĩa vụ của cán bộ, đảng viên, công chức và cả hệ thống chính trị về công tác dân vận đã có chuyển biến rõ nét. Các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị, các địa phương đã có nhiều biện pháp tích cực để giáo dục, rèn luyện cho đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, chiến sĩ lực lượng vũ trang, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân học tập và làm theo tư tưởng, phong cách 'Dân vận' của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Phong trào 'Dân vận khéo' đã thực sự lan rộng trên tất cả các lĩnh vực, ở khắp các địa phương, đơn vị trong cả nước, mang lại hiệu quả thiết thực, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, tạo ra động lực mạnh mẽ cho việc phấn đấu hoàn thành các nhiệm vụ chính trị và giải quyết được những vấn đề mới nảy sinh trong quá trình CNH, HĐH đất nước có liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân, nhất là ở cơ sở. Các cấp, các ngành trong hệ thống chính trị đã tập trung hướng về cơ sở, tiếp tục vận động nhân dân tham gia thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội; sản xuất, kinh doanh giỏi, làm giàu chính đáng; xóa đói, giảm nghèo, tích cực giải quyết các vấn đề khó khăn, bức xúc của dân, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân; động viên các thành phần kinh tế, huy động được các tiềm năng nguồn lực và sự năng động, sáng tạo của nhân dân vào việc thúc đẩy kinh tế xã hội phát triển. Nhiều điển hình 'Dân vận khéo' làm ăn có hiệu quả trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; xây dựng doanh nghiệp, xây dựng trang trại, phát triển nghề, làng nghề; giải quyết tranh chấp đất đai; thu hồi đất, giải phóng mặt bằng các khu công nghiệp, các khu đô thị, triển khai các chương trình, dự án di dân, tái định cư… Quyên góp giúp đỡ đồng bào bị thiên tai, dịch bệnh, đồng bào nghèo; xây dựng cơ sở hạ tầng và bảo vệ môi trường; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, phong trào 'Ngày vì người nghèo' 'Cán bộ, công chức, viên chức trung thành, sáng tạo, tận tụy, gương mẫu' phong trào 'Định canh, định cư, xây dựng nông thôn mới' 'Đền ơn đáp nghĩa' 'Hỗ trợ vay vốn, dạy nghề, chuyển giao khoa học kỹ thuật' 'Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục' 'Dân số kế hoạch hóa gia đình' 'Thực hành tiết kiệm, phòng chống tham nhũng'… Đồng thời, nhờ có nhiều hình thức 'Khéo' vận động của các tổ chức trong hệ thống chính trị, nên phong trào 'Nhà nước và nhân dân cùng làm' để xây dựng các công trình phục vụ dân sinh, hạ tầng giao thông, kiến thiết đồng ruộng… góp phần quan trọng vào việc tháo gỡ khó khăn, ngăn chặn suy giảm kinh tế, thực hiện tốt các mục tiêu, nhiệm vụ chính trị ở địa phương, đơn vị. Trên lĩnh vực an ninh quốc phòng, phong trào thi đua 'Dân vận khéo' đã góp phần đẩy mạnh tuyên truyền pháp luật, bám sát tình hình quần chúng, với nhiều cách làm sáng tạo, hiệu quả, khéo tuyên truyền, vận động, khơi dậy truyền thống yêu nước, phát huy vai trò của nhân dân tham gia xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ an ninh trật tự, tăng cường nền quốc phòng toàn dân và thế trận an ninh nhân dân; đối thoại, hòa giải nhiều vụ việc phức tạp ngay tại cơ sở; phát hiện và ngăn chặn kịp thời, cung cấp nhiều nguồn tin có giá trị cho cấp ủy, chính quyền giải quyết, làm thất bại mọi âm mưu và các thủ đoạn của các thế lực thù địch; từng bước đẩy lùi tội phạm, tệ nạn xã hội tạo ra sự ổn định về chính trị cho đất nước, đồng thuận trong nhân dân và tăng cường sự gắn bó máu thịt giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân. Phong trào thi đua Dân vận khéo góp phần tăng cường công tác xây dựng Đảng, chính quyền; đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, nâng cao chất lượng hiệu quả của các phong trào vận động quần chúng của các đoàn thể nhân dân và nâng cao năng lực tham mưu cho cấp ủy về công tác dân vận của Ban Dân vận các cấp. Phong trào thi đua 'Dân vận khéo' đã góp phần phát huy quyền làm chủ của nhân dân, vận động nhân dân tham gia xây dựng Đảng, chính quyền, đoàn thể trong sạch, vững mạnh. Thông qua công tác dân vận, giáo dục cán bộ, đảng viên xây dựng mối quan hệ máu thịt giữa Đảng với nhân dân, nâng cao chất lượng, năng lực lãnh đạo, vận động quần chúng góp phần xây dựng tổ chức cơ sở Đảng trong sạch, vững mạnh. Nhiều cấp ủy Đảng đã quy định cụ thể việc thực hiện quyền giám sát của nhân dân đối với tổ chức Đảng và cán bộ, đảng viên. Một số cấp ủy trực tiếp đối thoại với nhân dân, mở Hội nghị góp ý, đặt hòm thư góp ý, công khai lấy ý kiến của nhân dân trước khi có quyết định những việc có liên quan đến dân. Nhiều cấp ủy đã phân công đảng viên làm công tác vận động quần chúng, giúp hộ nghèo vươn lên thoát nghèo… được nhân dân đồng tình ủng hộ. Chính quyền các cấp đã quan tâm giải quyết những vấn đề bức xúc của nhân dân, đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính, kiên quyết xóa bỏ tình trạng quan liêu, phiền hà trong bộ máy Nhà nước; công khai hóa các thủ tục hành chính, các chương trình dự án; các khoản thu, chi ở địa phương, nên tạo được sự đồng thuận trong nhân dân.
Để nâng cao chất lượng, hiệu quả của phong trào thi đua Dân vận khéo trong thời kỳ mới, cần tập trung làm tốt một số việc sau: Tiếp tục quán triệt sâu sắc và nhận thức đúng đắn về tư tưởng, phong cách dân vận của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Bài báo 'Dân vận' của Người và bốn quan điểm của Đảng trong Nghị quyết 8B khóa VI. Triển khai, thực hiện tốt Quyết định 290 ngày 25-2-2010 của Bộ Chính trị 'Về việc ban hành Quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị'. Mục tiêu của phong trào Dân vận khéo tập trung vào việc giải quyết thành công những việc khó, những việc mới nảy sinh trong quá trình CNH, HĐH có liên quan mật thiết đến quyền và lợi ích, tâm tư nguyện vọng chính đáng của nhân dân. Trong lĩnh vực phát triển kinh tế – xã hội, an ninh, quốc phòng, xây dựng Đảng, chính quyền vững mạnh, chẳng những phải hướng vào nhiệm vụ trọng tâm là phát huy sức mạnh của nhân dân, giải phóng mạnh mẽ sức sản xuất, phát huy, sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực và vai trò làm chủ của nhân dân, vận động nhân dân tham gia tích cực vào các phong trào cách mạng, mà còn hướng vào việc giải quyết thành công những vấn đề cơ bản mới nảy sinh trong quá trình đổi mới, CNH, HĐH đất nước. Cần nghiên cứu, tổng kết rút ra những bài học kinh nghiệm; cụ thể hóa hơn nữa về nội dung phương pháp và bổ sung hoàn thiện các tiêu thức đánh giá làm cho mục tiêu của phong trào xây dựng mô hình, điển hình 'Dân vận khéo' ngày càng thiết thực, trở thành nội dung quan trọng trong Cuộc vận động 'Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh'.
Theo Nhandan
Ý kiến ()