Tổng công ty Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) trọng yếu, xếp hạng đặc biệt, cung ứng gần 60% thị phần xăng, dầu cả nước, trong giai đoạn giá xăng, dầu thế giới tăng đột biến đã tập trung lực lượng thực hiện nhiệm vụ của một DN chủ đạo trên thị trường.
Phong trào thi đua yêu nước của cán bộ, công nhân viên của tổng công ty trong những năm qua tập trung thực hiện hai nhiệm vụ trọng tâm: bình ổn thị trường xăng, dầu và nâng cao năng suất – chất lượng – hiệu quả kinh tế – xã hội trong sản xuất, kinh doanh.
Bình ổn thị trường
Trong điều kiện nguồn xăng, dầu tiêu dùng trong nước phải nhập khẩu hoàn toàn, khi thị trường thế giới biến động thì nhiệm vụ bình ổn thị trường trong nước gặp khó khăn phức tạp nhiều lần. Trong giai đoạn 2006-2010, trong bối cảnh giá dầu thô thế giới liên tục biến động mạnh, bất thường. Năm 2008, giá tăng cao nhất tới 147,27 USD/thùng, có thời điểm rơi xuống còn dưới 33 USD/thùng, cuối năm 2009 giá lại tăng gấp gần hai lần so với đầu năm. Năm 2010, giá dầu thế giới tiếp tục có nhiều biến động, khủng hoảng kinh tế thế giới tác động sâu sắc đến kinh tế trong nước, Chính phủ đã tập trung chỉ đạo thực hiện nhiều giải pháp điều chỉnh từ ưu tiên kiềm chế lạm phát sang ưu tiên ngăn chặn suy giảm, chú trọng ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội.
Từ những định hướng chỉ đạo của Chính phủ, hoạt động kinh doanh xăng, dầu trong nước đòi hỏi phải có sự thay đổi để thích ứng và phù hợp tình hình và phù hợp xu thế hội nhập kinh tế quốc tế. Để có bước đi phù hợp trong điều chỉnh giá bán xăng, dầu, tổng công ty đã tham mưu đề xuất với Chính phủ, Bộ Công thương, Bộ Tài chính và phối hợp chặt chẽ với các cơ quan quản lý thực hiện điều chỉnh giá theo cơ chế thị trường, có sự quản lý của Nhà nước. Trong sáu tháng đầu năm 2010, Chính phủ đã có Nghị quyết 03 và Nghị quyết 18 tiếp tục phát triển kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì tăng trưởng, giảm lạm phát. Để triển khai thực hiện các mục tiêu lớn nêu trên, dưới sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, tổng công ty đã thực hiện nhiều giải pháp ổn định thị trường xăng dầu, góp phần thực hiện mục tiêu ngăn chặn lạm phát, tạo điều kiện duy trì tăng trưởng kinh tế.
Theo quy định tại Nghị định số 84/2009/NĐ-CP (thay Nghị định 55) cho phép các DN kinh doanh xăng, dầu đầu mối chủ động điều hành giá bán xăng, dầu tiếp cận theo cơ chế thị trường nhưng để thực hiện mục tiêu bình ổn mặt bằng giá chung đối với thị trường cả nước, việc điều chỉnh giá bán xăng, dầu được tính toán giãn ra 30 ngày, thay cho 10 ngày theo Nghị định 84.
Trong sáu tháng cuối năm khi tỷ giá USD được điều chỉnh tăng, kéo theo giá nhập khẩu xăng, dầu tăng, nhiệm vụ bình ổn sẽ gặp khó khăn hơn, tổng công ty tiếp tục thực hiện giải pháp giãn cách các đợt điều chỉnh giá để phù hợp với tình hình. Tiếp tục tiết giảm chi phí, bảo đảm mức độ điều chỉnh tăng, giảm hợp lý, kết hợp với sử dụng Quỹ bình ổn giá để có mức giá bán lẻ hợp lý, người tiêu dùng có thể chấp nhận được nhưng phải tiệm cận giá quốc tế. Trong bối cảnh thị trường xăng, dầu biến động mạnh, việc nhập khẩu xăng, dầu gặp khó khăn nhưng tổng công ty vẫn chỉ đạo các đơn vị trong toàn hệ thống thực hiện kế hoạch chỉ tiêu nhập khẩu Bộ Công thương giao, bảo đảm nguồn xăng, dầu cung ứng cho tiêu dùng đầy đủ trong mọi thời điểm. Có giai đoạn phải chấp nhận “lỗ giá vốn” để bảo đảm nguồn hàng phục vụ sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng và nhu cầu xăng, dầu cho an ninh quốc phòng, góp phần quan trọng bình ổn thị trường.
Hướng tới năng suất – chất lượng – hiệu quả
Nhằm bảo đảm nguồn hàng ổn định và từng bước nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh hệ thống cơ sở hạ tầng kinh doanh xăng, dầu khắp các vùng miền trong cả nước từng bước được đầu tư nâng cấp, hiện đại hóa theo tiêu chuẩn của tập đoàn xăng dầu quốc gia. Trong giai đoạn 2005-2009, tổng công ty đã đầu tư hơn 4.355 tỷ đồng hiện đại hóa các công trình xăng, dầu gồm các kho cảng, cửa hàng xăng, dầu. Đầu tư xây dựng và ứng dụng hệ thống công nghệ thông tin hiện đại phục vụ công tác quản lý từ tổng công ty xuống các cửa hàng bán lẻ, kho xăng, dầu và hệ thống phòng, chống cháy nổ, bảo vệ môi trường.
Việc đầu tư phát triển đội tàu viễn dương vận tải xăng, dầu hiện đại những năm gần đây đã giúp tổng công ty chủ động vận chuyển gần 60% khối lượng xăng, dầu nhập khẩu, hằng năm tiết kiệm hàng chục triệu USD cước phí thuê tàu. Dự án đầu tư kho xăng, dầu ngoại quan Vân Phong sẽ bảo đảm chủ động nguồn hàng kinh doanh, ứng phó kịp thời với biến động giá của thị trường thế giới, tạo tiền đề phát triển hoạt động buôn bán xăng, dầu trong khu vực. Ngoài ra, tổng công ty đang triển khai các dự án xây dựng kho nhựa đường, nhà máy pha chế dầu nhờn, xây dựng năm kho và cơ sở đóng nạp ga với công nghệ hiện đại tại TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Hà Nội, Đà Nẵng và Cần Thơ. Hoạt động đầu tư cơ sở vật chất kho bể, bảo đảm nguồn hàng kinh doanh ở các địa bàn vùng sâu, vùng xa đã giúp các doanh nghiệp trực thuộc tổng công ty hoàn thành nhiệm vụ chính trị. Thường xuyên lo đủ xăng, dầu dự trữ trong điều kiện bình thường cũng như mùa mưa bão, sạt lở, tắc đường vẫn có đủ xăng, dầu phục vụ cho phát triển kinh tế và tiêu dùng, các nhu cầu an ninh – quốc phòng.
Thực hiện chủ trương sắp xếp, đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của DN, tổng công ty đã triển khai cổ phần hóa (CPH) các DN thành viên. Hiện nay đã có 23 công ty thực hiện xong CPH, hầu hết các DN sau CPH sản xuất, kinh doanh đều đạt hiệu quả cao, tỷ suất lợi nhuận trên vốn điều lệ năm sau cao hơn năm trước. Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ trong năm 2010, tổng công ty đang tiếp tục triển khai CPH để hình thành tập đoàn đa sở hữu. Đây là bước chuyển quan trọng, toàn diện trong sắp xếp, đổi mới, tái cấu trúc doanh nghiệp, mở đường cho giai đoạn phát triển tiếp theo, tạo bước ngoặt quan trọng trong chặng đường 55 năm xây dựng và phát triển.
Duy trì phong trào thi đua
Trong năm năm qua, phong trào thi đua yêu nước ở tổng công ty đã có bước chuyển biến mạnh mẽ về chất. Cấp ủy đảng, tập thể lãnh đạo tổng công ty luôn quan tâm chỉ đạo sát sao công tác thi đua khen thưởng, coi đây là nhiệm vụ quan trọng gắn kết chặt chẽ với hoạt động sản xuất, kinh doanh, đồng thời là động lực thúc đẩy thực hiện nhiệm vụ chính trị của DN và từng cá nhân. Hằng năm, tổng công ty luôn phát động phong trào thi đua, với những mục tiêu cụ thể như tập trung thực hiện đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác; nâng cao hiệu quả hoạt động của DN trong giai đoạn hội nhập kinh tế quốc tế… Cùng với nội dung phát động thi đua, tổng công ty đã xây dựng hệ thống các tiêu chí và thang điểm nhằm đánh giá kết quả, gắn với khen thưởng, động viên kịp thời về vật chất và tinh thần. Phong trào thi đua yêu nước đã góp phần thúc đẩy phong trào lao động sản xuất, kinh doanh có hiệu quả, góp phần hoàn thành nhiệm vụ chính trị của tổng công ty, giữ vững vai trò chủ lực, chủ đạo của một DNNN trong hoạt động kinh doanh xăng, dầu và bình ổn thị trường.
Phát huy những thành tích đạt được, khắc phục những hạn chế tồn tại, trong giai đoạn 2010-2015 phong trào thi đua yêu nước của Tổng công ty Xăng dầu Việt Nam hướng tới các nhiệm vụ trọng tâm: tiếp tục quán triệt và tổ chức thực hiện Chỉ thị số 39-CT/T.Ư của Bộ Chính trị; quán triệt và phổ biến rộng rãi Luật Thi đua, khen thưởng, hưởng ứng các phong trào thi đua chung của cả nước; tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua thường xuyên và sâu rộng trong toàn tổng công ty, phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị – kinh tế – xã hội. Công tác khen thưởng phải dân chủ, công khai, lắng nghe và tôn trọng ý kiến người lao động, gương điển hình tiên tiến được mọi người thừa nhận. Phong trào thi đua yêu nước hướng tới mục tiêu nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh, tái cấu trúc DN, CPH toàn tổng công ty tiến tới thành lập tập đoàn xăng dầu quốc gia đa sở hữu.
Ý kiến ()