Phong trào sinh viên nghiên cứu và ứng dụng khoa học ở TP Hồ Chí Minh
Vai trò của đoàn, hội và 'vườn ươm'của các trường đại học
Tại TP Hồ Chí Minh, phần lớn các khoa trong các trường đại học, cao đẳng đều có Câu lạc bộ (CLB) học thuật, lồng ghép, giải quyết một số vấn đề mang tính ứng dụng cao. CLB NCKH trẻ của Trường đại học Sư phạm kỹ thuật TP Hồ Chí Minh đã hoạt động sáu năm. Các đề tài, công trình nghiên cứu của sinh viên đều được thực hiện tại CLB và CLB đã kết nối được giữa nhà trường với các đơn vị, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thông qua những cam kết nghiên cứu, chế tạo máy móc theo đơn đặt hàng. Hoạt động này giúp sinh viên luôn nắm bắt được những thông tin chuyên môn, tiến bộ mới trong ngành nghề của mình, cũng như yêu cầu của thực tế xã hội, tránh tình trạng học 'chay', đồng thời mang lại kinh phí, thu nhập cho sinh viên.
Tại Trường đại học Tôn Đức Thắng, hoạt động NCKH của sinh viên luôn gắn liền và là một phần trong mục tiêu, chất lượng giảng dạy, đào tạo. Hằng năm, trường cấp kinh phí và tổ chức hội nghị sinh viên NCKH để kịp thời đánh giá chất lượng, khuyến khích, khen thưởng những sinh viên có đề tài hay, đạt chất lượng và mang tính ứng dụng cao. Giảng viên Phạm Minh Huyền, Đại học Tôn Đức Thắng cho biết: Trường luôn tạo điều kiện vật chất, phòng thí nghiệm tốt nhất cho các sinh viên để các em NCKH. Sự quan tâm của Ban Giám hiệu nhà trường tạo thêm động lực, khuyến khích và thu hút nhiều sinh viên tham gia NCKH.
'Giải thưởng sinh viên NCKH Eureka' do Thành đoàn TP Hồ Chí Minh sáng lập đã tổ chức được 12 lần – là giải thưởng hằng năm có uy tín, được giới khoa học, các nhà quản lý giáo dục ghi nhận. Các cuộc thi Eureka đã nhận được hơn sáu nghìn đề tài, công trình. Eureka lần thứ 12, năm 2010 có 31 trường đại học, cao đẳng giới thiệu 394 đề tài, công trình dự thi. Trong năm 2009, có khoảng 30 đề tài, công trình NCKH được chuyển giao thành công và năm 2008 có 20 đề tài ứng dụng được vào cuộc sống. Việc những đề tài, công trình đến được tận tay các đơn vị, doanh nghiệp, sở, ngành có nhu cầu thể hiện vai trò đầu mối tích cực, kết nối thành công của Trung tâm phát triển Khoa học và Công nghệ trẻ thuộc Thành đoàn TP Hồ Chí Minh.
Thành đoàn TP Hồ Chí Minh luôn chú trọng hoạt động sáng tạo khoa học kỹ thuật, khám phá và làm chủ kiến thức công nghệ cho các bạn trẻ. Tổ chức đoàn thành phố đưa nhiều đề tài, công trình có chất lượng tốt của sinh viên đến các sở, ngành, doanh nghiệp có nhu cầu, đẩy mạnh việc ứng dụng, chuyển giao các đề tài NCKH công nghệ của thanh niên vào cuộc sống; hỗ trợ cho đoàn viên, thanh niên tiếp cận, tham gia nghiên cứu, sáng tạo khoa học kỹ thuật, nhất là ở những lĩnh vực công nghệ cao, các đề tài NCKH sát với thực tiễn nhu cầu đời sống xã hội, gắn với hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
Nở rộ phong trào NCKH, ứng dụng thực tiễn
Đã bao đời nay, hằng năm, mỗi khi lũ vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) về, cá, tôm, thủy, hải sản cũng về theo. Công trình Nhà nổi ở ĐBSCL của nhóm sinh viên Khoa Kiến trúc, Trường đại học Kiến trúc TP Hồ Chí Minh: Lê Trí, Thanh Trúc, Bảo Trân, Hồng Hạnh, Minh Hà, đoạt giải nhất Eureka năm 2010, đưa thêm một giải pháp giúp người dân Tây Nam Bộ sống chung và tận dụng nguồn lợi khi lũ về. Sinh viên Lê Trí tâm sự: Do quê em ở miền tây, nhận thấy đặc thù ở ĐBSCL mỗi khi lũ về là có kèm theo nguồn lợi thủy, hải sản và công trình nghiên cứu của nhóm có thể giúp người dân vẫn ở tại chỗ, bảo đảm yếu tố an sinh mà vẫn khai thác được nguồn lợi khi lũ về, nước lên. Về kiến trúc, nhóm đề xuất các mô hình nhà nổi ba gian, ba gian hai chái và nhà nối đọi. Các mô hình này có hệ thống phao nổi EPS được thiết kế liên kết giúp nhà có thể dễ dàng di chuyển theo phương đứng dọc theo bốn trụ định hướng khi nước lên. Do đó, khi không muốn di dời, nhà cũng có thể tự nổi tại chỗ vào mùa lũ. Nhóm đưa ra những tính toán cụ thể về giá thành, độ nổi và giải quyết được các vấn đề kỹ thuật nảy sinh vào mùa lũ, như: vệ sinh, điện chiếu sáng, nước sử dụng.
Tại Trường đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh, nhóm sinh viên gồm Phạm Hải Lê, Đỗ Minh Luân, Phạm Minh Châu và giảng viên hướng dẫn tiến sĩ Nguyễn Thị Ly Kha, Trưởng khoa Giáo dục tiểu học của nhà trường đã đoạt giải nhất cuộc thi sinh viên NCKH do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức năm 2009; giải nhất Eureka năm 2009 với công trình Từ điển điện tử kèm phim, ảnh minh họa từ ngữ giáo khoa lớp 1 (khuyết tật trí tuệ). Năm nay các tác giả này tiếp tục đoạt giải nhất Eureka với công trình 'Xây dựng phương tiện điện tử hỗ trợ mở rộng vốn từ và chỉnh âm cho trẻ thiểu năng trí tuệ'. Công trình bao gồm các mục âm, từ ngữ cơ bản kèm phim ảnh minh họa hỗ trợ cho giáo viên, phụ huynh, cô nuôi dạy trẻ thêm một phương tiện tiện ích để góp phần mở rộng vốn từ, chỉnh âm cho những trẻ mẫu giáo gặp khó khăn về ngôn ngữ. Công trình có giá trị ứng dụng, thiết thực, hiệu quả và mang ý nghĩa nhân văn, góp phần hỗ trợ việc dạy học cho trẻ mẫu giáo khuyết tật ở các trường hòa nhập và trường chuyên biệt cũng như các cơ sở từ thiện và các trung tâm bảo trợ xã hội có nuôi dạy trẻ mẫu giáo. Công trình còn mang lại hữu ích cho việc chỉnh âm và mở rộng vốn từ cho trẻ mẫu giáo nói chung.
Hiện tại, mỗi ngày TP Hồ Chí Minh thải ra khoảng bảy nghìn tấn rác, gây ô nhiễm môi trường. Làm thế nào để việc phân loại rác tại nguồn trở thành thói quen đối với người dân? Đau đáu tìm cách giải quyết câu hỏi này, nhóm tác giả Hương Giang, Quỳnh Anh, Diễm Châu, sinh viên Trường đại học Tôn Đức Thắng đã nghiên cứu mô hình thùng rác xoay ba ngăn R-W, giúp phân loại rác hiệu quả. Thùng rác có thể xoay 360 độ và lọc được nước rỉ rác; có thể để thùng rác ở nhiều vị trí khác nhau trong nhà, văn phòng mà vẫn bảo đảm sử dụng dễ dàng. Nếu đưa thùng rác này vào mỗi gia đình sẽ phân loại rác được ngay từ đầu nên các cơ sở thu gom cũng như xử lý rác sẽ không phải tốn quá nhiều chi phí cho việc phân loại rác. 'Thùng rác xoay ba ngăn' đã xuất sắc vượt qua 205 ý tưởng khác, đoạt giải nhất cuộc thi 'Ý tưởng sáng tạo trẻ TP Hồ Chí Minh năm 2010', với chủ đề bảo vệ môi trường thành phố và mô hình thùng rác này rất khả thi để sản xuất đại trà, tạo tiện lợi, tiện ích và tiết kiệm nhiều chi phí cho xã hội.
Điểm chung ở các bạn trẻ say mê NCKH mà chúng tôi có dịp tiếp xúc là trong họ luôn căng tràn sức sống, sức sáng tạo của tuổi trẻ, tuổi thanh xuân và yêu thích NCKH. Sinh viên Minh Hà, thành viên trong nhóm sinh viên Kiến trúc với công trình 'Nhà nổi ở ĐBSCL' tâm sự: Tình yêu, sự say mê với khoa học, nghị lực, lòng quyết tâm là những điều cần nhất để chúng tôi theo đuổi đam mê NCKH của mình. Có lòng say mê và quyết tâm thì sẽ vượt qua những khó khăn trong công việc mà tưởng chừng khó lòng vượt qua. Bắt tay vào thực tế, tôi mới thấy NCKH cũng không phải quá khó như mình thường nghĩ và sáng tạo quả là rất thú vị.
Phong trào sinh viên NCKH ở TP Hồ Chí Minh đang phát triển khá mạnh, song nhiều đề tài, công trình NCKH của sinh viên chưa được sử dụng. Nguyên nhân là do thông tin của sinh viên giới thiệu đến các đơn vị, doanh nghiệp có nhu cầu còn thiếu và chưa toàn diện; các đơn vị sản xuất, kinh doanh thường quen tìm đến các nhà khoa học, viện nghiên cứu chứ chưa đến với sinh viên.
Ý kiến ()