Phong trào phát triển kinh tế của cựu chiến binh TP Ðà Nẵng
Vợ chồng cựu chiến binh Nguyễn Đình Quyền thành công với thương hiệu gà sạch Quyền Chanh. Phát huy truyền thống "Bộ đội Cụ Hồ", những năm qua, Hội Cựu chiến binh (CCB) TP Đà Nẵng đã không ngừng sáng tạo trong hoạt động, nêu cao tinh thần tương thân tương ái, đoàn kết thực hiện có hiệu quả phong trào CCB giúp nhau phát triển kinh tế, xóa nghèo, nâng cao đời sống. Từ phong trào này đã xuất hiện nhiều gương CCB điển hình làm kinh tế giỏi, góp phần tạo công ăn việc làm ổn định cho nhiều lao động tại địa phương.Tín hiệu vui từ một phong tràoXây dựng phong trào CCB giúp nhau phát triển kinh tế, những năm qua, Hội CCB TP Đà Nẵng luôn đặt mục đích chăm lo, xây dựng đời sống vật chất và tinh thần cho cán bộ, hội viên CCB lên hàng đầu. Hoạt động của hội không ngừng đổi mới, sáng tạo từ cách nghĩ, cách làm, từng bước tìm cách tháo gỡ những khó khăn, giúp CCB xóa nghèo hiệu quả. Sau năm năm triển khai, thực hiện (2007-2011), Thành hội đã phối hợp Ngân hàng Chính...
Vợ chồng cựu chiến binh Nguyễn Đình Quyền thành công với thương hiệu gà sạch Quyền Chanh. |
Tín hiệu vui từ một phong trào
Xây dựng phong trào CCB giúp nhau phát triển kinh tế, những năm qua, Hội CCB TP Đà Nẵng luôn đặt mục đích chăm lo, xây dựng đời sống vật chất và tinh thần cho cán bộ, hội viên CCB lên hàng đầu. Hoạt động của hội không ngừng đổi mới, sáng tạo từ cách nghĩ, cách làm, từng bước tìm cách tháo gỡ những khó khăn, giúp CCB xóa nghèo hiệu quả. Sau năm năm triển khai, thực hiện (2007-2011), Thành hội đã phối hợp Ngân hàng Chính sách xã hội thành lập và quản lý 302 tổ vay vốn tiết kiệm cho 18.386 hộ vay hơn 129 tỷ đồng. Trong đó có gần 2.500 hội viên CCB nghèo được vay vốn với hơn 17 tỷ đồng. Hội đã thành lập được 334 dự án với 362 hộ, vay gần bảy tỷ đồng từ nguồn vốn Chương trình 120 của Chính phủ. Bằng những việc làm cụ thể, thiết thực như mở rộng các cơ sở sản xuất, kinh doanh, đa dạng hóa ngành nghề, tạo việc làm cho CCB, con em CCB và nhân dân, tạo nên các mô hình làm ăn có hiệu quả như tổ hợp tác, hợp tác xã, trang trại, sản xuất chăn nuôi hộ gia đình. Các cấp Hội còn xây dựng một số mô hình góp vốn tự quản rất hiệu quả như “Con heo vàng”, “Trái phiếu đồng đội”, “Con heo đất”, “Quỹ đồng đội” để huy động thêm nguồn quỹ cho các hội viên vay làm kinh tế gia đình, không lấy lãi. Sức lan tỏa của phong trào này còn thể hiện ở những nghĩa cử cao đẹp của các CCB với anh em, đồng đội như đóng góp kinh phí xây dựng 24 căn nhà “nghĩa tình đồng đội”, xóa 114 nhà tạm, sửa chữa gần 300 căn nhà xuống cấp cho hội viên, với số kinh phí hơn bốn tỷ đồng, xóa được 1.337 hộ CCB nghèo. Nhờ vậy, các phong trào đã tạo được hiệu ứng tích cực đối với đời sống của các CCB Đà Nẵng. Từ việc xây dựng, phát triển kinh tế gia đình, họ đã góp phần không nhỏ vào chương trình an sinh xã hội của Đà Nẵng.
Đánh giá về hiệu quả bước đầu của phong trào, Chủ tịch Hội CCB TP Đà Nẵng Thái Thanh Hùng, cho biết: Nêu cao phẩm chất truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ”, những năm qua phong trào làm kinh tế của hội viên CCB Đà Nẵng đã trở thành động lực thúc đẩy sự phát triển lớn mạnh của hội. Các hội viên vừa là ông, bà, cha, mẹ, mẫu mực đối với con, cháu, vừa là những “chiến sĩ” trên mặt trận kinh tế để tự tháo gỡ khó khăn, vươn lên làm giàu chính đáng. Nhờ vậy, đời sống vật chất, tinh thần của hội viên được nâng cao, số hộ khá và giàu năm 2007 có 3.391 hộ, nay tăng lên 4.991 hộ, chiếm hơn 30% tổng số hộ CCB. Đến nay đã xóa hết hộ CCB nghèo theo tiêu chí của thành phố.
Những “chiến sĩ” trên mặt trận kinh tế
Trong gần 1.400 hội viên CCB Đà Nẵng được công nhận danh hiệu CCB sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp trong năm năm qua, có nhiều tấm gương điển hình thoát nghèo bền vững và trở thành những người đi tiên phong trong phong trào CCB giúp nhau làm kinh tế. Họ là những người có ý chí vượt khó, lao động cần mẫn và nuôi trong mình khát vọng thoát nghèo. Những thành quả mà họ mang lại không chỉ là vấn đề kinh tế, mà qua đó toát lên những tấm lòng nhân ái, sống đầy nghị lực, biết sẻ chia kinh nghiệm và sống hết mình với anh em, đồng đội.
Về thăm trang trại của triệu phú CCB Đinh Ngọc Dũng tại khu vực Hố Đề, xã Hòa Khương (huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng) đúng lúc ông đang cùng các công nhân “xuất” mẻ cá trê lai gần một tấn cho các bạn hàng. Hình ảnh ông Dũng mà tôi gặp vẫn giản dị trong chiếc áo quân ngũ đã bạc mầu, ông lau vội những giọt mồ hôi trên trán nhẩn nha kể: “Cơ ngơi này được vun vén hơn 20 năm nay bằng nỗ lực của bản thân, gia đình và sự giúp đỡ của các cấp Hội Nông dân, Hội CCB. Sau khi rời quân ngũ trở về, tôi chọn chính mảnh đất cằn cỗi ở Hố Đề này để thực hiện ước mơ xóa nghèo. Quyết tâm phấn đấu xóa nghèo của tôi được gia đình, vợ con cùng đồng tâm nhất trí”. Tham quan trang trại rộng gần 27 nghìn m2 gồm bốn hồ cá lớn, hai khu nuôi heo, ba lò gạch, tôi hiểu được sự nỗ lực của ông đã được đền đáp xứng đáng. Nhập ngũ năm 1979, xuất ngũ năm 1984, là người lính đã từng nhiều năm lăn lộn công tác trên đảo Cù Lao Chàm (Quảng Nam) với bao khó khăn, thiếu thốn. Lúc ông Dũng trở về quê, số tiền kiếm được của một công nhân lò gạch không thấm tháp gì so với gánh nặng cơm áo gia đình. Đã có lúc bất lực nhưng ông Dũng không đắn đo khi tự học kỹ thuật làm gạch, rồi mạnh dạn vay vốn mở lò gạch riêng. Lúc đầu còn làm thủ công, sau ông đầu tư dây chuyền sản xuất gạch bằng máy móc. Hiện mỗi năm ba lò gạch của ông sản xuất khoảng 2,5 triệu viên gạch, tạo việc làm cho 36 lao động, trong đó có 15 CCB, với mức lương bình quân bốn triệu đồng/tháng/người. Tổng thu nhập hằng năm từ trang trại của ông đạt hơn 1,5 tỷ đồng, trừ các chi phí, lãi hơn 300 triệu đồng/năm. Nhờ vậy, ông đã đầu tư thêm bốn hồ cá, một đàn heo và trồng thêm 10 ha rừng chung quanh trang trại. Kinh tế gia đình ổn định đã giúp ông xây được nhà mới, mua sắm xe ủi, xe tải, chăm lo cho bốn đứa con học hành đến nơi đến chốn. CCB Lê Ơn, 46 tuổi, quê ở huyện Đại Lộc (Quảng Nam), người đã cùng ông Dũng gắn bó hơn mười năm tại đây, tâm sự: “Nghĩa tình anh em, đồng đội đã giúp chúng tôi gắn bó đến bây giờ. Mười năm trước tôi làm một mình, nhưng nay, công việc ở trang trại nhiều nên tôi đã đưa cả vợ ra làm cùng. Thu nhập cũng khá, nên hai đứa con đều học hành đến nơi đến chốn. Anh Dũng là người cần mẫn, thân thương, đã nói là làm và làm đến nơi đến chốn, nên anh em CCB yên tâm làm việc, chỉ sợ thiếu sức khỏe chứ không sợ thiếu việc để làm”.
Chỉ sợ không đủ sức, chứ việc làm thì không thiếu, đó cũng là trao đổi của CCB Nguyễn Đình Quyền (sinh năm 1958) với chúng tôi về hơn 50 công nhân đang làm việc tại doanh nghiệp của ông. Nhiều năm trở lại đây, Cửa hàng cung cấp thịt gia cầm sạch Quyền – Chanh đã trở thành thương hiệu uy tín trên thị trường Đà Nẵng. Nhưng điều ông Quyền “gặt hái” được nhiều nhất đó là những kinh nghiệm quý báu trên “mặt trận kinh tế” của một CCB khi bắt đầu sự nghiệp từ hai bàn tay trắng. Từng tham gia chiến đấu ở chiến trường Cam-pu-chia, hiện là thương binh hạng 3/4. Năm 1982, sau khi rời quân ngũ, ông về làm công nhân quốc phòng tại Xí nghiệp X22, Cục Hậu cần (Quân khu 5). Năm 1996, ông về hưu do yêu cầu giảm biên chế. Ông giãi bày: “Nhớ nhất là việc đi vay tiền để lắp một chiếc điện thoại bàn làm phương tiện liên lạc với khách hàng, trong khi tài sản của gia đình quý nhất là chiếc xe đạp. Khi vay vốn mở trại nuôi gà công nghiệp, tôi đã một mình đạp xe đi chào hàng ở tất cả các chợ của Đà Nẵng. Bây giờ nhớ lại, không thể quên những ngày đầu khó khăn đó. Nhưng nếu không cố gắng thì làm sao có được ngày hôm nay”. Đàn gà lúc đầu chỉ có khoảng một nghìn con, sau ông Quyền nuôi tăng dần lên đến mười lăm nghìn con. Trăn trở với việc tiêu thụ sản phẩm thịt gia cầm ông đã thành lập công ty. Từ năm 2007 đến nay, ông đã mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh với tài sản cố định gần năm tỷ đồng. Lợi nhuận hằng năm hơn một tỷ đồng. Hiện nay, khu giết mổ gia cầm của ông lớn nhất, nhì Đà Nẵng về cả quy mô lẫn trang thiết bị, bảo đảm chất lượng sản phẩm và vệ sinh môi trường. Ngoài việc mở rộng quy mô hoạt động, ông Quyền còn trích quỹ hơn 50 triệu đồng để hỗ trợ hộ nghèo, học bổng khuyến học tại địa phương. Với ông, làm gì cũng phải có tấm lòng. “Mình từng gặp khó, nay đã vươn lên được, bây giờ nhiều CCB khác còn khó khăn hơn, nên giúp được gì cho anh em thì mình cứ làm hết lòng”. – Đây chính là suy nghĩ của ông Quyền.
Mỗi CCB có một cách làm, cách nghĩ, nhưng mục tiêu đặt ra là cùng nhau ổn định cuộc sống, xóa nghèo bền vững. Suy nghĩ này đã giúp Chủ tịch Hội CCB phường Hòa Quý (quận Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng) Hồ Sỹ Lượng thành công trong lĩnh vực chăn nuôi, tạo nên thương hiệu “Vịt Xiêm Hòa Quý”. Nói như vậy không quá lời vì theo tâm sự của ông Lượng: “Là chủ tịch hội thì mình phải gương mẫu, phấn đấu thoát nghèo, phải có kinh tế vững thì nói anh em mới nghe, anh em mới nể. Vì vậy, tôi đã đích thân làm, rồi mời anh em về nhà mình tham khảo mô hình, để họ tin và làm theo”. Phường Hòa Quý có 250 CCB, nhưng tất cả đều có mức sống trung bình, trong đó còn 17 hộ thuộc diện đặc biệt nghèo. Tìm lối để phát triển kinh tế gia đình nhưng đây còn là cách để ông Lượng giúp đồng đội mình, hội viên giải quyết cái nghèo, cái khó. Không cần nhiều diện tích, ông Lượng đã tận dụng vỏn vẹn 25 m2 đất vườn để thả 200 con vịt, gà. Ông làm chuồng sắt, chia làm nhiều ngăn trên thả gà, dưới nuôi vịt. Hơn hai tháng, ông Lượng xuất chuồng một lứa khoảng 50 con, lãi khoảng bảy triệu đồng/tháng. Nhờ mô hình nuôi vịt Xiêm của ông Lượng, hiện nay 15 trong số 17 hộ CCB ở phường làm theo đã thoát nghèo, có việc làm ổn định ngay trong nhà mình.
Ba tấm gương CCB điển hình với những mô hình làm kinh tế là đại diện cho hàng nghìn CCB Đà Nẵng đang góp sức xây dựng, làm giàu đẹp thêm cho quê hương Đà Nẵng. Họ sống ấm áp nghĩa tình đồng đội, luôn kề vai cùng bước tiếp để thoát cái nghèo, cái khó. Kinh nghiệm họ đúc kết được là làm kinh tế không khó, nhưng khó ở tính kiên trì, nhẫn nại, chịu thương, chịu khó, không khuất phục đói nghèo.
Theo Nhandan
Ý kiến ()