Phòng tránh tai nạn thương tích cho trẻ em
LSO-Nhằm hạn chế tai nạn thương tích (TNTT) cho trẻ em, những năm qua, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) đã có nhiều hoạt động thiết thực nhằm giảm thiểu TNTT cho trẻ em. Điển hình là xây dựng mô hình “Ngôi nhà an toàn” (NNAT) trên quy mô toàn tỉnh.
Giáo viên Trường Mầm non xã Nhượng Bạn, huyện Lộc Bình hướng dẫn học sinh học vẽ |
Hiệu quả từ mô hình điểm
Năm 2015, Sở LĐ-TB&XH phối hợp với huyện Cao Lộc thí điểm xây dựng mô hình NNAT tại các xã: Yên Trạch, Tân Liên. Sau 2 năm triển khai, có 1.396 hộ gia đình ký cam kết thực hiện, kết quả đã có 627 hộ gia đình đạt NNAT cho trẻ em.
Tại xã Tân Liên, từ khi triển khai mô hình NNAT, số trẻ em bị TNTT đã giảm đáng kể. Nếu như từ năm 2012 đến 2015, mỗi năm, xã có từ 6 đến 10 trẻ bị TNTT, thì năm 2016 chỉ còn 4 trường hợp, 6 tháng đầu năm 2017, chỉ có 1 trường hợp trẻ em bị TNTT.
Ông Lương Hữu Toàn, thôn Pò Lẹng, xã Tân Liên chia sẻ: Năm 2014, cháu tôi không may bị phích nước đổ vào chân gây bỏng khá nặng, đến nay cháu được 4 tuổi vẫn để lại vết sẹo ở chân. Từ khi được các cộng tác viên dân số và cán bộ phụ nữ đến nhà hướng dẫn, tuyên truyền về cách bảo vệ, chăm sóc trẻ và thực hiện các tiêu chí của NNAT, các vật dụng trong nhà như: phích nước, bình ga, bếp lửa… được gia đình thiết kế khu riêng biệt, tránh trẻ tiếp xúc.
Theo bà Nguyễn Thị Quyên, Phó Trưởng Phòng LĐ-TB&XH huyện Cao Lộc: Để thực hiện có hiệu quả mô hình NNAT, đội ngũ cộng tác viên phụ trách trẻ em đã tích cực truyền thông về lợi ích và các tiêu chí cơ bản của NNAT đến hội viên và nhân dân thông qua các buổi sinh hoạt đoàn thể. Đồng thời, đến từng gia đình có trẻ em vận động, giải thích cho các bậc phụ huynh hiểu những rủi ro về TNTT đối với trẻ. Ngoài ra, huyện đã tổ chức được 6 buổi tập huấn với gần 1.800 người tham gia, phát 1.000 tờ rơi về tiêu chí NNAT, 300 cuốn sách về phòng, chống TNTT.
Nhân rộng mô hình
Nhằm giảm thiểu TNTT cho trẻ, đầu năm 2017, Sở LĐ-TB&XH đã ban hành kế hoạch nhân rộng mô hình NNAT. Theo đó, sẽ triển khai mô hình NNAT tại 11 huyện, thành phố, mỗi địa bàn chọn 2 xã có tỷ lệ trẻ em bị TNTT cao để xây dựng mô hình; phấn đấu 100% hộ gia đình trên địa bàn được triển khai đăng ký, trên 40% hộ đăng ký được công nhận danh hiệu NNAT. Phấn đấu hết năm 2017 sẽ có 22 mô hình NNAT mới, nâng tổng số mô hình NNAT trên địa bàn tỉnh lên 24.
Để thực hiện mục tiêu nhân rộng mô hình NNAT, từ đầu năm 2017 đến nay, Sở LĐ-TB&XH đã phát hành nhiều tài liệu tuyên truyền về phòng, chống TNTT và NNAT. Cụ thể: phát 4.500 quyển sách về kỹ năng phòng, chống TNTT; 13.500 tờ rơi về tiêu chí NNAT; phân bổ 11.500 bảng kiểm định tiêu chí NNAT đến các cộng tác viên cơ sở; tổ chức 3 lớp tập huấn với 850 đại biểu, đại diện các sở, ngành, cấp huyện, xã và cộng tác viên tham gia.
Hiện các huyện, thành phố đang tích cực triển khai nhân rộng mô hình. Ví dụ như huyện Cao Lộc sẽ thực hiện 2 mô hình mới tại xã Hồng Phong và thị trấn Cao Lộc.
Bà Hoàng Thị Nhất, Phó Trưởng Phòng Bảo vệ – Chăm sóc Trẻ em, Sở LĐ-TB&XH cho biết: Việc xây dựng mô hình NNAT nhằm giúp cho các bậc cha mẹ và những người chăm sóc trẻ biết được các mối hiểm họa xung quanh nhà và trong nhà có thể gây ra TNTT cho trẻ, cách loại bỏ các mối hiểm họa, giảm đến mức thấp nhất TNTT ở trẻ tại gia đình trong sinh hoạt hằng ngày gây ra.
TUẤN ANH
Ý kiến ()