Phong tỏa dỡ bỏ, du lịch toàn cầu vẫn lao đao vì Covid-19
Khi các quốc gia trên thế giới đang mở cửa trở lại một cách thận trọng để hồi phục các nền kinh tế bị tác động nặng nề trong đại dịch Covid-19, du lịch – ngành công nghiệp không khói trên toàn cầu đã nhìn thấy tia hy vọng, song vẫn đang phải đối mặt với một cuộc đấu tranh thực sự khó khăn.
Lâu đài Tintagel, một pháo đài thời trung cổ nằm ở vùng Cornwall, phía tây nam nước Anh, được coi là một trong những địa điểm hấp dẫn ấn tượng nhất ở “đảo quốc sương mù”. Hằng năm, nơi này thu hút hơn 250.000 khách du lịch tới thăm quan những tàn tích từ khoảng thế kỷ 5 đến thế kỷ 7 sau Công nguyên.
Tuy nhiên, năm nay, Covid-19 đã tác động mạnh tới điểm thu hút du khách nổi tiếng này khi số lượng du khách đến thăm địa điểm này giảm mạnh.
Covid-19 bùng phát, chính phủ Anh áp dụng lệnh phong tỏa trên toàn quốc vào tháng 3, là khoảng thời gian Georgia Butters và các nhân viên của cô tại Lâu đài Tintagel đã hoàn tất việc chuẩn bị cho kỳ lễ Phục sinh bận rộn nhất trong năm. Lệnh phong tỏa buộc khu vực lâu đài Tintagel phải đóng cửa. Tình cảnh của điểm hút du khách này cũng không khác gì ngành du lịch của nước Anh và thế giới. Tất cả đều sụt giảm mạnh.
Ngày 4-7, Chính phủ Anh công bố lộ trình mở cửa trở lại nền kinh tế theo từng giai đoạn, mang lại hy vọng cho cô Butter – người quản lý các di tích lịch sử vùng Corwall.
Để đạt được mục tiêu giữ an toàn cho nhân viên và các du khách, khu vực lâu đài được mở trở lại nhưng với một hệ thống thăm quan mới bảo đảm việc giãn cách xã hội, bao gồm lối vào một chiều, hạn chế vào quán cà phê, và bán vé theo thời gian cho mọi người.
Nhưng biện pháp này rõ ràng đang tác động mạnh tới số lượng du khách và ảnh hưởng tới những trải nghiệm du lịch của họ. Số lượng du khách giảm sút đồng nghĩa với các khu vực chung quanh chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng theo, hầu hết là tác động ngay tới các cộng đồng địa phương.
Ở những khu vực khác trên thế giới, các nỗ lực tương tự cũng đang được thực hiện để giảm bớt tình trạng khó khăn cho ngành công nghiệp du lịch.
Tại Italy, chính phủ nước này đã công bố chính sách hồi sinh ngành du lịch có hiệu lực từ tháng 7.
Theo một chương trình kích cầu du lịch có hiệu lực cho tới cuối năm nay, các hộ gia đình, cặp đôi, các cá nhân có thu nhập thấp và trung bình tới các điểm du lịch của Italy vào những ngày nghỉ có thể được hưởng lợi từ gói bổ sung tài chính lên tới 500 euro (560 USD).
Tại Phần Lan, một khu chợ trời lớn và khu vực ăn uống tại Quảng trường Thượng viện (Sanate Square) biểu tượng ở thủ đô Helsinki đã được mở cửa trở lại cho công chúng từ ngày 1-7. Đây là hoạt động nhằm kích thích ngành công nghiệp du lịch và dịch vụ nhà hàng.
Theo báo cáo công bố ngày 6-8 của Cơ quan Thống kê Phần Lan, do đại dịch Covid-19, số thời gian lưu trú qua đêm tại Phần Lan của du khách nước ngoài đã giảm gần 93% trong tháng 6-2020.
Trong sáu tháng đầu năm nay, du khách nước ngoài chỉ có tổng số 6,08 triệu đêm lưu trú tại các cơ sở lưu trú ở Phần Lan, giảm 42,6% so với cùng kỳ năm 2019.
Ở góc độ toàn cầu, một bức tranh tổng thể thậm chí còn ảm đạm hơn.
Báo cáo thống kê công bố ngày 28-7 của Tổ chức Du lịch Thế giới của Liên hợp quốc (UNWTO) đã nêu bật con số thiệt hại khủng khiếp mà đại dịch Covid-19 gây ra với ngành du lịch toàn cầu, cả về số lượng du khách và tổng thu.
Biểu đồ Du lịch Thế giới của UNWTO cho thấy, các biện pháp phong tỏa nhằm ngăn chặn đại dịch Covid-19 đã khiến tổng số du khách quốc tế trong tháng 5-2020 giảm 98% so với cùng kỳ năm 2019.
Theo thống kê trên biểu đồ, trong năm tháng đầu năm nay, số du khách quốc tế giảm 56% so với cùng kỳ năm ngoái, với thiệt hại lên tới 320 tỷ USD trong tổng thu du lịch thế giới. UNWTO đánh giá, tổn thất này gấp ba lần so với thiệt hại do cuộc Khủng hoảng kinh tế toàn cầu 2009 gây ra.
Tổn thất của ngành du lịch toàn cầu cũng đẩy hàng triệu sinh kế rơi vào tình trạng rủi ro.
Tổng thư ký UNWTO Zurab Pololikashvili nhận định: “Các dữ liệu mới nhất này cho thấy tầm quan trọng của việc khởi động lại du lịch ngay khi thấy an toàn”, đồng thời kêu gọi, chính phủ ở mọi khu vực trên thế giới đều phải có trách nhiệm kép: ưu tiên bảo vệ sức khỏe cộng đồng đồng thời bảo vệ việc làm và doanh nghiệp.
Triển vọng mong manh
Dù du lịch toàn cầu đang dần hoạt động trở lại do những hạn chế đã được nới lỏng, triển vọng của ngành công nghiệp không khói vẫn không chắc chắn. Một loạt rủi ro tiêu cực từ sự bùng phát trở lại của Covid-19 gây ra nguy cơ phong tỏa trở lại và những mối quan ngại an toàn khi du lịch.
Tuần trước, chính phủ Anh đã cảnh báo công dân không nên thực hiện các chuyến đi không cần thiết đến Tây Ban Nha, nói rằng “khuyến cáo này dựa trên bằng chứng về sự gia tăng số ca mắc Covid-19 ở một số khu vực” ở Tây Ban Nha, điều này đã giáng một đòn chí mạng vào ngành du lịch nước này.
Mặc dù chính phủ Tây Ban Nha khẳng định đất nước của họ an toàn để du lịch, các cơ quan y tế đã thừa nhận rằng đất nước có thể đang trải qua một làn sóng Covid-19 thứ hai. Phần lớn các ca nhiễm bệnh mới được phát hiện tại các quán bar và hộp đêm, cũng như những người thu hoạch trái cây và rau theo mùa.
Tháng trước, Bộ trưởng Bộ Y tế CH Síp Constantinos Ioannou cho biết, việc mở cửa sớm các thị trường du lịch lớn nhưng không an toàn vì mục tiêu phục hồi ngành du lịch là điều không thể tránh khỏi.
Ông Ioannou đã bác bỏ đề xuất xét nghiệm hàng loạt tại các sân bay để sàng lọc du khách từ các quốc gia có nguy cơ cao do điều này có thể sẽ khiến bệnh viện và các cơ sở cách ly bị quá tải.
Cũng trong tháng 7, trước tình hình gia tăng số ca Covid-19, Hội đồng Du lịch Hawaii (HTA), Mỹ đã ra thông báo hoãn kế hoạch dỡ bỏ lệnh cách ly 14 ngày với những du khách đã có xét nghiệm âm tính với Covid-19. Việc hoãn này sẽ được kéo dài cho tới ngày 1-9 dù trước đó Thống đốc bang David Ige thông báo nới lỏng lệnh cách ly bắt buộc 14 ngày từ hôm 25-7.
Ông Ige chia sẻ việc hoãn kế hoạch nới lỏng cách ly bắt buộc là một quyết định vô cùng khó khăn bởi sẽ gây tổn hại thêm cho nền kinh tế. Song quyết định dựa vào cơ sở khoa học và thực tế tốt nhất hiện có để ưu tiên cho sức khỏe và sự an toàn của người dân Hawaii và du khách.
Ngay cả với “thiên đường du lịch” Maldives, dù đã dần mở cửa lại thị trường du lịch cho khách quốc tế từ giữa tháng 7 với những chính sách dễ chịu nhất, nhưng cũng phải chấp nhận những triển vọng du lịch không mấy khả quan.
Giám đốc công ty tư vấn khách sạn toàn cầu Horwath HTL, bà Eunice Aw trả lời hãng tin CNN qua thư điện tử rằng: Maldives đã chứng minh được khả năng phục hồi, bật trở lại nhanh chóng từ các cuộc khủng hoảng trước đây. Tuy nhiên, quốc gia này đang phải đối mặt với cuộc chiến khó khăn khi dần mở lại biên giới với tất cả du khách.
“Với tính chất khó đoán định của Covid-19, trong tương lai, ngay cả khi tất cả các biên giới đều mở cửa trở lại, dự kiến lượng du khách sẽ không tăng và tổng lượng du khách (tới Maldives) trong năm 2020 ước tính sẽ giảm khoảng 70% đến 75% so với cùng kỳ năm ngoái”, bà Eunice nhận định.
Nếu không xử lý đúng cách những mối lo ngại liên quan đến Covid-19, du lịch toàn cầu khó có thể trở lại đúng hướng. Điều này sẽ cản trở nghiêm trọng sự phục hồi của nền kinh tế thế giới.
Theo một báo cáo do Hội đồng Du lịch và Lữ hành Thế giới công bố ngày 15-6, ngành du lịch và lữ hành đã tạo ra 330 triệu việc làm trong năm 2019 và đóng góp 10,3% cho nền kinh tế toàn cầu.
Để đẩy nhanh quá trình phục hồi du lịch, hội đồng này đã đề xuất trong báo cáo “việc áp dụng các quy định an toàn và y tế toàn cầu, thực hiện chiến lược xét nghiệm nhanh và truy vết để giúp ngăn chặn sự lây lan của Covid-19, cũng như sự hợp tác nhiều hơn giữa cộng đồng và các khu vực tư nhân để bảo đảm một cách tiếp cận toàn cầu được chuẩn hóa đối với cuộc khủng hoảng (Covid-19) hiện nay.”
Thực tế hơn, theo bà Eunice, ngành du lịch muốn phục hồi phải nhận được hỗ trợ nhiều hơn từ việc nối lại các chuyến bay quốc tế, sắp xếp đi lại đối ứng giữa các nước đối tác, nới lỏng các yêu cầu cách ly/cách ly ở nước sở tại đối với du khách và phục hồi niềm tin đi du lịch của du khách.
Ý kiến ()