Phòng sâu răng cho trẻ ở tuổi học đường
LSO-Răng là một bộ phận duy nhất trong cơ thể con người không có khả năng phục hồi khi bị tổn thương. Sâu răng là quá trình vi khuẩn tiếp xúc, tấn công cấu trúc răng, gây ra những tổn thương trên bề mặt của răng. Biểu hiện ban đầu là cảm thấy ê buốt khi nhai đồ cứng, uống nước lạnh hoặc nước nóng. Trên bề mặt của răng xuất hiện chấm sâu răng màu đen, nhỏ li ti. Qua thời gian, những chấm đen này phát triển rộng hơn, sâu hơn, gây cho người bệnh cảm giác đau nhức, khó khăn khi nhai, thậm chí có thể kèm theo sốt cao, hơi thở có mùi hôi, mất thẩm mỹ, phát âm không chính xác…
Chữa răng cho trẻ tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh |
Nếu không có sự can thiệp của nha sĩ, tình trạng sâu răng không những dẫn tới viêm lợi, viêm tủy mà còn ảnh hưởng tới các răng bên cạnh như răng mọc lệch hoặc mất răng vĩnh viễn, ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe cũng như hoạt động sinh hoạt, học tập và làm việc hằng ngày của mỗi người.
Theo thống kê chưa đầy đủ của Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, năm học 2015 – 2016, tỷ lệ mắc bệnh răng miệng ở cấp học mầm non là hơn 30% trong tổng số học sinh được khám sức khỏe định kỳ, ở cấp học tiểu học là gần 50% và cấp học trung học sơ sở, cũng như phổ thông cơ sở là gần 30%. Năm học 2016 – 2017, qua công tác khám sức khỏe định kỳ cho học sinh, sinh viên cũng đã phát hiện gần 60 nghìn học sinh, sinh viên trong toàn tỉnh mắc các bệnh về răng miệng, trong đó, tỷ lệ mắc bệnh sâu răng chiếm phần lớn ở các cấp học, phổ biến nhất là trẻ ở độ tuổi từ 6 đến 10 tuổi.
Bác sỹ Nguyễn Xuân Trường, Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh cho biết: Có rất nhiều nguyên nhân gây ra bệnh sâu răng ở lứa tuổi học đường nhưng cơ bản đều là do thực hiện vệ sinh răng miệng chưa tốt và chưa đúng cách. Để chủ động phòng bệnh sâu răng cho trẻ, cha, mẹ cần hướng dẫn trẻ thực hiện chải răng trước khi đi ngủ, sau khi ngủ dậy và sau khi ăn xong đúng cách như: nghiêng bàn chải một góc 45 độ so với đường viền của nướu, nhẹ nhàng chải từ trong ra ngoài, từ chân răng đến bề mặt của răng. Để hạn chế vi khuẩn tồn tại trong miệng, cần chải cả bề mặt lưỡi và mỗi lần chải răng ít nhất phải từ 2 đến 3 phút. Lưu ý là không nên chải răng quá mạnh và chải răng ngay sau khi ăn các loại thực phẩm có tính a xít như các loại hoa quả họ cam quýt vì khi đó việc chải răng dễ làm mòn men răng. Ngoài ra, các bậc phụ huynh cũng cần lựa chọn bàn chải và kem đánh răng phù hợp để nâng cao hiệu quả bảo vệ răng miệng cho trẻ.
Nhiều nghiên cứu khoa học đã khẳng định mầm răng bắt đầu xuất hiện ở thai nhi được 2 tháng tuổi. Thời gian này, người mẹ sử dụng thực phẩm giàu năng lượng trong thời kì mang thai sẽ góp phần giúp trẻ có cấu trúc răng sữa chắc chắn, đảm bảo các răng sữa mọc lên cứng cáp và đầy đủ về số lượng, không những giúp trẻ nghiền nát thức ăn mà còn giúp cho răng vĩnh viễn mọc đúng chỗ. Ngược lại mất răng sữa sớm có thể khiến răng trưởng thành mọc lệch lạc và dẫn tới các vấn đề về phát âm, chính vì vậy, các bà mẹ cần chăm sóc răng miệng cho trẻ ngay từ khi chiếc răng sữa đầu tiên xuất hiện.
Giai đoạn từ khi xuất hiện răng sữa đầu tiên cho đến khi trẻ mọc đủ bộ răng sữa cũng là lúc trẻ đủ 24 đến 30 tháng tuổi, người mẹ nên vệ sinh răng miệng cho trẻ bằng cách xúc miệng sau khi ăn xong hoặc uống thêm một chút nước sau mỗi bữa bú. Vào buổi sáng mới ngủ dậy và buổi tối trước khi đi ngủ, sử dụng vải mềm thấm nước lau răng lợi cho trẻ, hoặc cũng có thể dùng bàn chải đánh răng lông mềm để vệ sinh răng miệng cho trẻ. Giai đoạn trẻ từ 4 đến 6 tuổi, có thể cho trẻ tập chải răng nhưng không quên lau răng lợi cho trẻ bằng vải mềm thấm nước. Giai đoạn trẻ từ 6 tuổi trở lên cũng là lúc răng hàm đầu tiên xuất hiện, các bà mẹ cần tăng cường theo dõi, hướng dẫn trẻ chải răng đúng cách vì giai đoạn này trẻ có thể thực hiện vệ sinh răng như người lớn và bắt đầu có ý thức bảo vệ răng của mình. Khi trẻ gặp những dấu hiệu về bệnh răng miệng, đặc biệt là sâu răng, cần đưa ngay trẻ đến các cơ sở y tế để được tư vấn, khám và điều trị kịp thời.
MINH MẠNH
Ý kiến ()