Phong phú trò chơi, trò diễn trong các lễ hội xuân
LSO-Thực tế cho thấy trò chơi, trò diễn chính là một phần quan trọng làm nên tính hấp dẫn, thành công của mỗi lễ hội. Qua đó, tạo ra sự cộng cảm và không gian giao lưu thân thiện giữa những người tham dự. Mùa lễ hội xuân Đinh Dậu 2017 trên quê hương Xứ Lạng đã, đang diễn ra vô cùng rộn rã với nhiều trò chơi, trò diễn dân gian đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc, cuốn hút người dự hội.
Nghi lễ rước kiệu trong lễ hội đền Kỳ Cùng – đền Tả Phủ xuân Đinh Dậu 2017 luôn hấp dẫn người dự hội |
Điểm qua một số lễ hội xuân thấy, những trò chơi, trò diễn phổ biến gồm: ném còn, kéo co, đẩy gậy, đi cà kheo, bịt mắt đánh trống, đánh đu, đánh cờ tướng; rồi biểu diễn võ dân tộc; múa lân, sư, rồng; trò diễn sĩ – nông – công – thương, ngư – tiều – canh – mục… Đáng chú ý, tại lễ hội lồng tồng làng Khòn Lèng (phường Tam Thanh, thành phố Lạng Sơn) diễn ra ngày 16 tháng Giêng còn có các trò chơi dân gian cho trẻ em như: dùng tay múc nước vào cốc; dùng lá đa làm con nghé… rất hào hứng, thu hút các em nhỏ tham gia. Chị Nguyễn Thị Mai ở phường Vĩnh Trại, thành phố Lạng Sơn cùng con đến xem hội lồng tồng làng Khòn Lèng cho biết: Lễ hội năm nay vui hơn mọi năm, ngoài trò chơi cho người lớn dự hội thì có thêm các trò chơi cho trẻ em giúp cho các cháu có dịp được tìm về những trò chơi dân gian xưa và đó cũng là một cách giáo dục truyền thống rất tốt. Các trò chơi như thế cần có nhiều hơn nữa…
Trò chơi dùng lá đa làm nghé tại lễ hội lồng tồng làng Khòn Lèng (phường Tam Thanh, TP Lạng Sơn) cuốn hút các em nhỏ tham gia |
Bên cạnh những trò chơi truyền thống, tại một số lễ hội còn có các môn thể thao mới cũng rất hào hứng, bổ ích. Đơn cử, tại lễ hội chùa Tiên (phường Chi Lăng) diễn ra ngày 18 tháng Giêng có thi đấu giao hữu môn bóng chuyền hơi của người cao tuổi. Ông Hoàng Đình Cánh, Đội trưởng đội bóng chuyền hơi trung, cao tuổi khối Trần Quang Khải 2, phường Chi Lăng, thành phố Lạng Sơn cho rằng: Việc tổ chức giao lưu thi đấu các môn thể thao trong chương trình lễ hội đã tạo ra sự phong phú nội dung vui hội cho nhân dân và du khách. Đồng thời, qua đó khơi dậy phong trào rèn luyện sức khỏe cho mọi người với những môn thể thao phù hợp…
Được biết, thời gian qua, việc tập luyện môn bóng chuyền hơi ở người trung, cao tuổi đã, đang trở thành phong trào rộng khắp trên toàn tỉnh. Trong khuôn khổ của Tuần Văn hóa – Du lịch Lạng Sơn năm 2017, vào ngày 22, 23/2/2017, tại huyện Bắc Sơn diễn ra hoạt động giao lưu bóng chuyền hơi huyện Bắc Sơn mở rộng năm 2017.
Thi đẩy gậy tại lễ hội làng Khòn Lèng (TP Lạng Sơn) |
Và một đặc điểm dễ nhận ra là Lạng Sơn có khá nhiều lễ hội có nghi lễ rước kiệu, rước long ngai, bài vị. Tiêu biểu như lễ hội trò Ngô xã Yên Thịnh (Hữu Lũng); lễ hội lồng tồng xã Quỳnh Sơn, lễ hội Ná Nhèm xã Trấn Yên (Bắc Sơn); lễ hội chùa Tam Thanh – Tam Giáo, lễ hội đền Kỳ Cùng – đền Tả Phủ (thành phố Lạng Sơn)… Vừa là một nghi lễ thiêng, vừa là một trò diễn nên nghi lễ rước kiệu còn được coi là “cầu nối” giữa lễ và hội. Đây cũng là phần cuốn hút người dự hội nhất. Tiêu biểu như, khi nghi lễ rước kiệu của lễ hội đền Kỳ Cùng – đền Tả Phủ diễn ra trên các tuyến phố, bên cạnh sự trọng thị nghênh đón của các gia đình, dòng họ, tổ liên gia thì rất đông du khách dự hội bước theo chiêm bái. Nhìn từ trên cao thấy đoàn rước kiệu như một dòng sông đang cuộn chảy. Bà Trần Thị Vân đến từ quận Hải An, thành phố Hải Phòng dự khai hội đền Kỳ Cùng – đền Tả Phủ ngày 22 tháng Giêng cho biết: Tham dự lễ hội được hòa vào dòng người rước kiệu càng thấy lễ hội không chỉ đặc sắc, linh thiêng mà còn rất gần gũi với mọi người.
Quả thật, các trò chơi, trò diễn đã, đang góp phần tạo sự hấp dẫn của lễ hội. Ẩn trong đó còn là những ý nghĩa triết lý nhân văn sâu sắc như thể hiện sự giao hòa của âm – dương, trời – đất, con người với thiên nhiên; mong ước đời sống no ấm đủ đầy, “nhân khang, vật thịnh”; nêu cao tinh thần đoàn kết cộng đồng, tự lực, tự cường, tinh thần thượng võ, ca ngợi các ngành nghề trong xã hội… Để mọi người nhớ đến lễ hội là nhớ đến những trò chơi, trò diễn đặc sắc, ý nghĩa, thiết nghĩ, các ban tổ chức cần tiếp tục nghiên cứu, quan tâm đưa thêm nhiều trò chơi, trò diễn dân gian phù hợp vào chương trình, từ đó tạo sự kết nối giữa người chơi và người dự hội. Đó cũng là việc làm thiết thực góp phần làm giàu thêm vốn di sản văn hóa lễ hội của quê hương, đất nước.
HOÀNG THỊNH
Ý kiến ()