Phong phú tiềm năng du lịch trên quê hương đồng chí Lương Văn Tri
(LSO) – Với hệ thống “địa chỉ đỏ” liên quan đến cuộc đời, sự nghiệp cách mạng của đồng chí Lương Văn Tri và những tiềm năng đa dạng, phong phú, du lịch Văn Quan được ví như “nàng công chúa ngủ đông”, cần được đầu tư, khai thác để phát triển xứng tầm.
Xã Trấn Ninh, huyện Văn Quan là nơi sinh ra và lớn lên của đồng chí Lương Văn Tri – người chiến sĩ cộng sản kiên trung, bất khuất, người con ưu tú của quê hương Xứ Lạng. Di tích Nhà lưu niệm đồng chí Lương Văn Tri là một trong 27 di tích xếp hạng cấp quốc gia của tỉnh nằm trên địa bàn xã Trấn Ninh.
Bà Hoàng Thị Thùy, Chủ tịch UBND xã Trấn Ninh cho biết: Những năm qua, cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến huyện đã quan tâm, đầu tư xây dựng nhiều công trình an sinh xã hội nhằm nâng cao đời sống Nhân dân trên quê hương cách mạng. Từ năm 2015 đến nay, xã Trấn Ninh được đầu tư hơn 16 tỷ đồng làm đường giao thông nông thôn, xây dựng các trường học, xây nhà văn hóa thôn, sửa chữa trạm y tế xã… Từ đầu năm 2020 đến nay, UBND huyện đã dành hơn 500 triệu đồng tu sửa, tôn tạo di tích Nhà lưu niệm đồng chí Lương Văn Tri.
Toàn cảnh thị trấn Văn Quan ngày nay. Ảnh: ĐẶNG LÂM
Đã thành thông lệ, tháng 8 hằng năm là dịp Nhân dân Xứ Lạng đến xã Trấn Ninh thắp nén hương tri ân công lao của người chiến sĩ cách mạng Lương Văn Tri. Chị Bế Thị Thanh, thành phố Lạng Sơn cho biết: Năm nào đến tháng 8 tôi cũng về Trấn Ninh để dâng hương tưởng nhớ đồng chí Lương Văn Tri. Tôi thấy nơi đây có rất nhiều cảnh đẹp nhiều lúc muốn lưu lại xã một hai hôm cũng khó vì ở các điểm này chưa phát triển du lịch, chưa có nơi ăn nghỉ.
Chính vì cơ sở vật chất, hạ tầng phục vụ phát triển du lịch còn hạn chế nên dù Trấn Ninh là một “địa chỉ đỏ” (điểm du lịch về nguồn) của du lịch Xứ Lạng nhưng lượng khách bình quân chỉ đạt khoảng 200 lượt khách/năm.
Ngoài Nhà lưu niệm đồng chí Lương Văn Tri – di tích cấp quốc gia, hiện nay, trên địa bàn huyện Văn Quan còn có 11 di tích lịch sử – văn hóa cấp tỉnh và nhiều điểm danh lam thắng cảnh có thể khai thác phát triển du lịch như: hồ Bản Nầng (xã Tân Đoàn), đập Bản Quyền (thị trấn Văn Quan), thung lũng Nà Lùng (xã Hữu Lễ), khu du lịch sinh thái rừng hồi. Các hang động đẹp, kỳ vĩ có thể phát triển du lịch khám phá thuộc các xã: Vân Mộng, Tràng Phái, Tân Đoàn, Hữu Lễ…
Bên cạnh những giá trị tự nhiên, lịch sử, mảnh đất Văn Quan còn lưu giữ nền văn hóa truyền thống đặc sắc với 3 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia gồm: thực hành then, hát sli và múa sư tử mèo. Những nét văn hóa riêng, đặc trưng của người Tày, Nùng thể hiện rõ nét qua phong tục tập quán, cưới xin, ma chay, lễ tết… Đặc biệt, các làn điệu dân ca hát then, sli, lượn vẫn đang được hơn 20 câu lạc bộ, đội văn nghệ quần chúng lưu giữ, trao truyền.
Tiềm năng đa dạng nhưng đến nay, du lịch Văn Quan vẫn ở dạng “ngủ đông” với lượng khách du lịch bình quân mỗi năm chỉ đạt khoảng 1.000 lượt, chiếm 0,034% tổng khách du lịch toàn tỉnh. Ông Nguyễn Đình Đại, Bí thư Huyện ủy Văn Quan cho biết: Du lịch Văn Quan giống như “nàng công chúa ngủ đông”. Bởi huyện có rất nhiều tiềm năng nhưng đến nay vẫn chưa được khai thác, đầu tư xứng tầm. Vì thế, cấp ủy, chính quyền huyện xác định sẽ tập trung khai thác những tiềm năng, thế mạnh về du lịch, trong đó thu hút đầu tư vào những sản phẩm chủ yếu như: thị trấn Văn Quan – thị trấn du lịch, khu du lịch nghỉ dưỡng Hồ Bản Nầng, Bó Kheo – Hạ Long trên cạn, Thủy điện Bản Nhùng…
Theo đó, từ đầu năm 2020 đến nay, cùng với tu sửa, tôn tạo di tích Nhà lưu niệm đồng chí Lương Văn Tri, UBND huyện đã dành kinh phí gần 300 triệu đồng và huy động trên 2.200 ngày công để trồng cây hoa giấy, hoa dã quỳ tại đèo Lùng Pa, trồng cúc tại khu vực đập Bó Kheo (xã Liên Hội); thực hiện dự án chỉnh trang đường phố, lắp đèn trang trí tại thị trấn Văn Quan. Đồng thời phối hợp với Sở Ngoại vụ xuất bản 1.000 cuốn song ngữ Việt – Anh “Văn Quan – Tiềm năng và cơ hội đầu tư”.
Cùng với đó, UBND huyện đã triển khai nhiều biện pháp xúc tiến đầu tư, thu hút các doanh nghiệp khai thác phát triển du lịch và sản phẩm du lịch như: dự án Khu du lịch Hồ Bản Nầng và dự án chế biến Hoa Hồi với quy mô chế biến tiêu thụ 5.000 tấn hồi khô/năm với tổng vốn đầu tư đăng ký trên 3.000 tỷ đồng. Ngoài ra, huyện cũng đang tập trung mời gọi các nhà đầu tư nghiên cứu dự án đầu tư Khu du lịch hồ Bản Quyền…
Với những nỗ lực, quan tâm của cấp ủy, chính quyền, tin tưởng rằng, Văn Quan sẽ phát huy được tiềm năng để phát triển du lịch, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế – xã hội, gắn với giáo dục, bồi đắp niềm tự hào về các giá trị tốt đẹp của cha ông, khơi dậy tình yêu quê hương đất nước.
Ý kiến ()