Phong phú, đa dạng, giá cả bình ổn
LSO-Bão số 2 đổ bộ gây lượng mưa trên 350 mm tại khu vực Lạng Sơn, nước sông Kỳ Cùng lên trên báo động III 1,5m đã khiến cho thành phố bị ngập úng cục bộ. Ngược lại với quy luật giá tăng khi lũ thì thị trường thực phẩm ở thành phố Lạng Sơn lại đa dạng hơn, rẻ và bình ổn.
Người dân mua thực phẩm tại chợ sau lũ |
Cầm trái dưa chuột tươi roi rói trên tay, chị Lăng Thị Khem, thôn Pắc Đông, xã Gia Cát, huyện Cao Lộc cho biết: nhà thu hoạch chạy lũ 2 sào dưa chuột, đã bán hơn 2 tạ cho khách với giá 5 nghìn một cân. Còn một ít dưa mang ra chợ bán 7 nghìn một cân, nhưng từ sáng đến trưa mới bán được 4 cân. So với ngày thường giá thực phẩm hầu như không có biến động. Cho tới thời điểm hiện nay rất nhiều rau củ quả được đổ về chợ đầu mối Giếng Vuông do chợ còn ngập nước nên suốt các ngả đường Bắc Sơn, Lê Lợi ngồn ngộn những rau, quả, thực phẩm. Ngoài nguồn rau tại địa phương, rau các tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang những ngày sau lũ xuất hiện rất nhiều rau quả nhập từ nước bạn có dán băng màu xanh đảm bảo chất lượng được bày bán.
Chị Trịnh Thị Hồng, 38 tuổi, chuyên buôn bán rau quả tại chợ Giếng Vuông cho biết: ngay khi bão về sợ vận chuyển thực phẩm khó khăn chị đã nhập bắp cải Trung Quốc về bán, hiện mỗi cân bắp cải có giá 12 nghìn đồng. Ngoài rau nhập, các tiểu thương cũng thu gom rất nhiều rau quả từ các vùng miền đổ về khiến cho thị trường rau mùa lũ trở nên phong phú hơn cả ngày thường. Có mặt tại các khu chợ tạm Bờ Sông, đường Bắc Sơn, Lê Lợi chúng tôi thấy góp mặt đủ các loại thực phẩm từ rau quả chất thành đống, hàng nhập đến thịt lợn, gà vịt thịt sẵn, nếu không còn những dám bùn, rêu rác sót lại trên mặt đường thì có lẽ ít người nghĩ đây là phiên chợ sau bão.
Trao đổi với chúng tôi, chị Vũ Thị Hương, kinh doanh tại chợ Giếng Vuông cho biết: so với ngày thường giá có phần còn giảm hơn. Ví như một kg thịt bò ngày thường 270 nghìn nhưng hôm nay phải bán 260 nghìn vì nguồn cung dồi dào từ các huyện ra, chắc họ chạy lũ nên cốt bán cho nhanh. Hơn nữa hình như người dân thành phố đang mải dọn dẹp nhà cửa nên chưa quan tâm đến ăn uống. “Mọi ngày em bán đến 11 giờ đã hết hàng, nhưng hôm nay đến giờ trưa mà vẫn còn một nửa” – chị Hương nói. So với giá cả ngày thường, theo chúng tôi khảo sát hầu như không có biến động nhiều, thịt bò 260 đến 270 nghìn 1kg, thịt lợn 70 đến 80 nghìn 1 kg, cá từ 60 đến 90 nghìn tùy loại. Cà chua 23 nghìn 1kg, bắp cải 12 nghìn, mướp đắng 7 nghìn, khoai tây 12 nghìn. Rau muống, rau lang 2 nghìn đồng một mớ… Toàn bộ những thực phẩm ấy so với ngày thường hầu như không có biến động.
Ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Phó Giám đốc Sở Công thương, Chi cục Trưởng Quản lý thị trường cho biết: ngay khi xảy ra bão, do nhiều gia đình phải chạy lũ nên nguồn cung thực phẩm ít do đó có tình trạng 1 số hộ tiểu thương tăng giá từ 10 đến 15%. Nhận được tin, Chi cục Quản lý thị trường đã chỉ đạo các đội nhắc nhở, tuyên truyền và tạo điều kiện tối đa cho lưu thông vì vậy giá cả đã dần trở lại ổn định. Vào thời điểm này, thậm chí còn có xu hướng xuống giá. Tuy vậy lực lượng quản lý thị trường vẫn bám sát các chợ để kiểm tra bình ổn giá, chống đầu cơ tích trữ gây lũng đoạn thị trường nhằm trục lợi của một số hộ kinh doanh. Sau khi lũ rút dần vào sáng 21/7/2014, việc lưu thông hàng hóa tại các siêu thị, điểm bán lẻ đã trở lại bình thường, giao thông cục bộ không bị ách tắc nên nhu cầu dự trữ thực phẩm của người dân không còn. Thêm vào đó một số vùng sản xuất rau, cung cấp thực phẩm tại thành phố Lạng Sơn vẫn đảm bảo nguồn cung đã dẫn đến thị trường thực phẩm ổn định. Khu vực chợ Bờ sông ngay sau lũ, hàng chục xe chở lợn từ các tỉnh: Bắc Giang, Bắc Ninh đã lên giao hàng, duy trì lượng hàng tại các kho, lò mổ. Anh Nguyễn Duy Quý, chuyên kinh doanh lợn thịt tại Lạng Sơn khẳng định: dù bão lụt có chia cắt tuyến quốc lộ thì ngay các kho chứa lợn thịt tại Lạng Sơn cũng đủ cung cấp thực phẩm nửa tháng cho người dân thành phố.
Những ngày này thị trường thực phẩm đã ổn định, các loại thực phẩm phong phú, đa dạng giá cả bình ổn điều đó khác xa với quy luật mùa lũ. Người dân xứ Lạng đã chủ động để đối mặt với lũ.
ĐÔNG BẮC
Ý kiến ()