Phòng ngừa tai nạn lao động và trách nhiệm của các cấp công đoàn
Xí nghiệp Liên doanh dầu khí Vietsovpetro luôn chú trọng công tác phòng, chống cháy nổ, bảo đảm an toàn, sức khỏe cho cán bộ, công nhân và góp phần bảo vệ môi trường. Trong ảnh: Diễn tập phòng, chống cháy nổ tại giàn Trung tâm công nghệ số 2 thuộc mỏ Bạch Hổ. An toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) không chỉ là vấn đề sống còn của người lao động (NLĐ), chất lượng, uy tín của doanh nghiệp (DN), mà còn là một trong những mối quan tâm hàng đầu của công đoàn (CĐ) các cấp.Tai nạn lao động tăng từng nămDù vụ tai nạn sập giàn giáo trên công trường xây dựng dự án Mullberry Lane Hà Nội (quận Hà Đông) xảy ra đã hơn một tháng, nhưng khi gặp lại Phạm Văn Toàn, hiện đang điều trị tại quê nhà (Gia Lộc, Hải Dương), trên gương mặt anh vẫn nguyên vẻ hốt hoảng. Hậu quả từ việc ngã từ giàn giáo tầng bảy xuống không chỉ khiến Toàn mang thương tật suốt đời, mà còn trở thành "gánh nặng" cho vợ con. Do hoàn cảnh kinh tế eo hẹp, con nhỏ mắc bệnh mãn tính, thuốc...
Xí nghiệp Liên doanh dầu khí Vietsovpetro luôn chú trọng công tác phòng, chống cháy nổ, bảo đảm an toàn, sức khỏe cho cán bộ, công nhân và góp phần bảo vệ môi trường. Trong ảnh: Diễn tập phòng, chống cháy nổ tại giàn Trung tâm công nghệ số 2 thuộc mỏ Bạch Hổ. |
Tai nạn lao động tăng từng năm
Dù vụ tai nạn sập giàn giáo trên công trường xây dựng dự án Mullberry Lane Hà Nội (quận Hà Đông) xảy ra đã hơn một tháng, nhưng khi gặp lại Phạm Văn Toàn, hiện đang điều trị tại quê nhà (Gia Lộc, Hải Dương), trên gương mặt anh vẫn nguyên vẻ hốt hoảng. Hậu quả từ việc ngã từ giàn giáo tầng bảy xuống không chỉ khiến Toàn mang thương tật suốt đời, mà còn trở thành “gánh nặng” cho vợ con. Do hoàn cảnh kinh tế eo hẹp, con nhỏ mắc bệnh mãn tính, thuốc men chạy chữa tốn kém, Toàn rời bỏ ruộng vườn, lên thành phố mong tìm được công việc với thù lao tương xứng, đỡ đần vợ con. Nhưng thật không may, chỉ mới làm việc được vài tháng, vụ tai nạn đã “trả” Toàn về quê. Linh, vợ Toàn, vốn là công nhân may ở một khu công nghiệp tại Hải Dương, không chỉ suy sụp tinh thần trước tai nạn của chồng mà còn lo lắng hơn khi nhận thức rằng từ nay, chị mới thật sự là trụ cột của gia đình. Trường hợp của Phạm Văn Toàn chỉ là một thí dụ trong số hàng nghìn nạn nhân của TNLĐ xảy ra trong cả nước hằng năm.
Nguyên nhân chủ yếu của các vụ tai nạn hầu hết do người sử dụng lao động (NSDLĐ) sử dụng thiết bị không bảo đảm an toàn, không được huấn luyện về an toàn lao động (ATLĐ). Bên cạnh đó, ý thức chấp hành pháp luật về bảo hộ lao động (BHLĐ), nội quy ATLĐ của NLĐ chưa cao. Trên lý thuyết, phần lớn các vụ TNLĐ đều có thể phòng, tránh được. Ở đâu có sự phối hợp tổ chức thực hiện và áp dụng được các giải pháp dự phòng TNLĐ và đồng thời duy trì thực hiện tốt các biện pháp an toàn thích hợp trong sản xuất kinh doanh, ở đó sẽ giảm được các sự cố rủi ro; ở đó NLĐ làm việc phấn khởi, có năng suất, chất lượng; DN hoạt động có hiệu quả và phát triển, qua đó nâng cao uy tín, năng lực và sức cạnh tranh. Tuy nhiên, trên thực tế TNLĐ vẫn tăng dần số vụ và số người theo từng năm. Theo báo cáo của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, trung bình mỗi năm nước ta có gần sáu nghìn vụ TNLĐ làm hàng trăm người chết, gây thiệt hại cho nền kinh tế hàng nghìn tỷ đồng. Chỉ tính riêng năm 2011, số vụ TNLĐ và số nạn nhân tăng 15,04% so với năm 2010. Số vụ TNLĐ xảy ra tập trung vào các đối tượng lao động hợp đồng mùa vụ. Do không được tập huấn, bồi dưỡng, truyền đạt kinh nghiệm, nên nguy cơ rủi ro về mất an toàn lao động là rất cao.
Vai trò của công đoàn
Theo đánh giá của cơ quan chức năng, trong lúc TNLĐ vẫn diễn biến phức tạp thì công tác thống kê về TNLĐ của các DN chưa được thực hiện nghiêm túc, nhiều DN có hành vi che giấu không khai báo khi có TNLĐ xảy ra theo quy định mà tự thỏa thuận giải quyết với gia đình nạn nhân. Tại một bộ phận các DN vừa và nhỏ, DN ngoài nhà nước, điều kiện làm việc của NLĐ chưa được NSDLĐ quan tâm đúng mức, tình trạng vi phạm các quy định, tiêu chuẩn về kỹ thuật ATVSLĐ diễn ra khá phổ biến. Công tác thanh tra, xử lý các DN vi phạm chưa nghiêm, chế tài xử phạt chưa đủ sức răn đe, nên tình trạng vi phạm về pháp luật BHLĐ diễn ra khá phổ biến… Có thể thấy, để làm tốt công tác phòng, tránh và giảm tối đa số vụ TNLĐ tại các DN, không chỉ trông chờ vào ý thức của NLĐ mà còn phải có sự vào cuộc, phối hợp đồng bộ giữa ba bên: BCH công đoàn cơ sở, NSDLĐ và NLĐ.
Với mong muốn bảo vệ sức khỏe, tính mạng NLĐ, thời gian qua, Tổng LĐLĐ Việt Nam chỉ đạo các cấp CĐ tập trung công tác kiểm tra, giám sát công tác BHLĐ, nhất là CĐ cơ sở. Đồng thời phối hợp cơ quan chức năng tăng cường công tác thanh, kiểm tra, và xử lý nghiêm các vi phạm pháp luật về VSATLĐ tại các DN. Công tác tuyên truyền, vận động, thuyết phục chính quyền đồng cấp vào cuộc được chú trọng. Vừa qua, CĐ ngành xây dựng phối hợp tổ chức Hội thảo “Trách nhiệm của NSDLĐ và tổ chức CĐ trong công tác ATVSLĐ”, thu hút hàng trăm lãnh đạo DN và chủ tịch CĐ cơ sở tham gia. Phó Chủ tịch CĐ ngành xây dựng Nguyễn Xuân Hùng cho biết, CĐ chỉ có chức năng kiểm tra, hướng dẫn DN thực hiện công tác VSATLĐ, nên nhiều DN “nhờn” không thực hiện. Do vậy, việc phối hợp rất quan trọng, bởi chính quyền có cơ chế để thực thi công tác BHLĐ, dễ “lôi kéo” DN tham gia hơn tổ chức CĐ”.
Bên cạnh đó, việc tập trung huấn luyện, đào tạo, xây dựng đội ngũ an toàn vệ sinh viên (ATVSV) tại đơn vị cơ sở là việc làm cần thiết. Tiền Giang là địa phương được đánh giá làm tốt công tác này. LĐLĐ tỉnh thường xuyên đổi mới công tác tuyên truyền, huấn luyện về ATVSLĐ gắn với bảo vệ môi trường; củng cố, bổ sung hội đồng BHLĐ và mạng lưới ATVSV tới khắp các DN. Hiện toàn tỉnh có 925 ATVSV, thường xuyên kiểm tra, giám sát DN thực hiện ATVSLĐ. Chính họ là lực lượng nòng cốt đào tạo, tập huấn cho CNLĐ thực hiện các quy định về ATVSLĐ.
Hằng năm, các bộ, ngành chức năng tổ chức phát động Tuần quốc gia về ATVSLĐ, đôn đốc, hướng dẫn thực hiện ATVSLĐ, tổ chức các hoạt động khám sức khỏe, tư vấn, thăm tặng quà NLĐ. Song, thực tế, công tác bảo đảm an toàn cho NLĐ phải trở thành công việc thường xuyên, liên tục. GS, TS Lê Vân Trình, Viện trưởng Nghiên cứu Khoa học kỹ thuật và BHLĐ HKT&BHLĐ cho rằng: “Trong xây dựng văn hóa ATLĐ, điều quan trọng nhất là phải lặp đi lặp lại các quy phạm về ATVSLĐ để các bên dần có được nhận thức, dẫn đến hình thành ý thức, thay đổi hành vi. Chỉ khi nào việc phòng ngừa TNLĐ và BNN trở thành phản xạ tự nhiên thì khi ấy văn hóa ATLĐ mới thật sự được xây dựng tại DN.
Theo Nhandan
Ý kiến ()