Thứ 5, 06/02/2025 23:46 [(GMT +7)]
Phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp những vấn đề đặt ra
Thứ 5, 22/03/2012 | 09:58:00 [(GMT +7)] A A
Đã đến lúc chúng ta cần phải nhìn lại ý thức trong công tác ATVSLĐ – PCCN của chính mình và tại các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và xây dựng cho mình văn hóa phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, chú trọng quan tâm tới yếu tố phòng ngừa. Có như vậy, vấn đề ATVSLĐ – PCCN mới thực sự có ý nghĩa và người lao động mới yên tâm sản xuất khi môi trường lao động sản xuất đó thực sự an toàn.
LSO-Tuần lễ quốc gia ATVSLĐ – PCCN lần thứ 14 năm 2012 diễn ra từ ngày 18-24/3/2012 với chủ đề “Xây dựng văn hóa phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp là trách nhiệm và quyền lợi của doanh nghiệp và người lao động”. Mới đây, sáng ngày 19/3/2012, tỉnh Lạng Sơn đã tổ chức lễ phát động, thu hút khoảng 60 doanh nghiệp và gần 400 người lao động tham gia. Tuy nhiên, trong công tác phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hiện nay vẫn còn nhiều vấn đề đặt ra cho doanh nghiệp, xã hội và bản thân người lao động.
Công nhân Công ty TNHH Bảo Long nâng cao kiến thức về ATVSLĐ – PCCN
qua các tờ rơi tuyên truyền
Từ những con số “khiêm tốn”
Theo số liệu thống kê của Sở LĐTB&XH thì hiện nay trên địa bàn tỉnh có 1.359 doanh nghiệp, hợp tác xã với trên 22.400 lao động. Các doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh phần lớn có quy mô sản xuất kinh doanh vừa và nhỏ, tập trung chủ yếu tại một số huyện như Cao Lộc, Hữu Lũng và thành phố Lạng Sơn. Năm 2011, những kết quả đạt được trong công tác ATVSLĐ – PCCN của toàn tỉnh còn khá “khiêm tốn”. Điển hình như trong công tác huấn luyện ATVSLĐ – PCCN, cả năm 2011 toàn tỉnh mới tổ chức được 2 lớp huấn luyện cho cán bộ quản lý nhà nước cấp huyện, xã của 2 huyện Tràng Định và Văn Lãng; tổ chức 2 lớp huấn luyện cho người sử dụng lao động, cán bộ làm công tác an toàn lao động của 28 doanh nghiệp; có 7 doanh nghiệp phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước tổ chức huấn luyện cho người lao động và cấp thẻ an toàn lao động cho người tham gia huấn luyện. Cũng như vậy, công tác huấn luyện nghiệp vụ y tế mới được Trung tâm Y tế dự phòng, Sở Y tế tổ chức huấn luyện cho 392 người của 18 đơn vị. Công tác tuyên truyền phòng cháy chữa cháy, năm 2011, Phòng Cảnh sát Phòng cháy – Chữa cháy, Công an tỉnh mới tổ chức được 2 buổi tuyên truyền lưu động và 4 buổi tuyên truyền trực tiếp về công tác phòng cháy chữa cháy. Trong vấn đề quản lý các thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về ATVSLĐ, năm 2011 mới có 12 đơn vị phối hợp thực hiện việc kiểm định… Nhìn vào những con số trên, về cơ bản ghi nhận những nỗ lực và sự vào cuộc của các cấp, các ngành đối với công tác ATVSLĐ – PCCN. Tuy nhiên, so với tổng số các doanh nghiệp và tỷ lệ người lao động trên toàn tỉnh sẽ thấy quá thấp, không đáng là bao. Ông Trương Minh Thảo, Phó Phòng Việc làm – An toàn lao động, Sở LĐTB&XH cho biết: thực tế có rất nhiều doanh nghiệp chưa quan tâm hoặc quan tâm chưa đầy đủ về công tác ATVSLĐ. Thậm chí rất nhiều doanh nghiệp không thực hiện đầy đủ công tác báo cáo tình hình sử dụng lao động và tai nạn lao động cho cơ quan quản lý nhà nước về lao động, đó là Phòng Việc làm – An toàn lao động, Sở LĐTB&XH.
Tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp – Hậu quả không nhỏ
Từ ý thức kém của các doanh nghiệp và người lao động dẫn đến tình trạng vẫn để xảy ra nhiều tai nạn lao động đáng tiếc, gây hậu quả không nhỏ cho doanh nghiệp, bản thân người lao động, gia đình của họ và cả xã hội. Thống kê của Sở LĐTB&XH cho thấy, năm 2011 Lạng Sơn xảy ra 7 vụ tai nạn lao động, làm chết 3 người, làm bị thương 6 người. Trong đó Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng và thương mại An Sơn đã xảy ra liên tiếp 2 vụ tai nạn làm chết 2 lao động.
Đối với cháy, nổ, năm 2011, toàn tỉnh xảy ra 32 vụ cháy, 1 vụ nổ khiến cho 2 người bị thương và gây thiệt hại gần 1 tỷ đồng. Cùng với đó, qua công tác chăm sóc sức khỏe người lao động, năm 2011, Trung tâm Y tế dự phòng cũng đã tiến hành đo kiểm tra môi trường và lập hồ sơ vệ sinh lao động cho 27 đơn vị; tổ chức khám phát hiện bệnh nghề nghiệp cho 1 đơn vị với 200 lao động, trong đó phát hiện 13 trường hợp nghi mắc bệnh bụi phổi silic. Những kết quả trên cho thấy còn nhiều doanh nghiệp chưa quan tâm đúng mức đến công tác ATVSLĐ – PCCN, trong đó đặc biệt là các vấn đề như thực hiện đầy đủ bảo hộ lao động khi làm việc, khám sức khỏe cho người lao động, khám phát hiện bệnh nghề nghiệp đối với người lao động làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.
Cần nâng cao ý thức của doanh nghiệp và người lao động
Để làm tốt công tác ATVSLĐ, đặc biệt là chung tay xây dựng văn hóa phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp thì cần sự vào cuộc của các cấp, các ngành hơn nữa, nhất là ý thức của các doanh nghiệp và người lao động. Tại lễ phát động Tuần lễ quốc gia ATVSLĐ – PCCN lần thứ 14, đồng chí Tô Hùng Khoa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban chỉ đạo Tuần lễ của tỉnh nhấn mạnh: Ngay bây giờ và thời gian tới chúng ta cần quan tâm tới một số nhóm doanh nghiệp kinh doanh đặc thù dễ gây tai nạn lao động, cháy nổ, bệnh nghề nghiệp như các công ty khai thác đá, sản xuất bật lửa ga, các chợ lớn của tỉnh Đông Kinh, Giếng Vuông, Kỳ Lừa… Tại các doanh nghiệp kinh doanh, sản xuất đặc thù này càng cần nâng cao ý thức hơn để phòng ngừa tai nạn lao động, cháy nổ và các bệnh nghề nghiệp cho người lao động.
Lời kết
Đã đến lúc chúng ta cần phải nhìn lại ý thức trong công tác ATVSLĐ – PCCN của chính mình và tại các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và xây dựng cho mình văn hóa phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, chú trọng quan tâm tới yếu tố phòng ngừa. Có như vậy, vấn đề ATVSLĐ – PCCN mới thực sự có ý nghĩa và người lao động mới yên tâm sản xuất khi môi trường lao động sản xuất đó thực sự an toàn.
Thanh Huyền
Đang tải dữ liệu
Poll
Ý kiến ()