Phòng ngừa để ngăn tai nạn
LSO-Trong khoảng 1 tuần từ ngày 23-30/3/2015, Lạng Sơn xảy ra liên tiếp 2 vụ tai nạn giao thông (TNGT) đường sắt khiến 2 người chết. Số người chết do tai nạn đường sắt 3 tháng đầu năm 2015 bằng cả năm 2014 cộng lại gióng lên hồi chuông cảnh báo tình trạng mất an toàn giao thông (ATGT) trên các tuyến đường sắt hiện nay.
Đường ngang phía bắc ga Đồng Mỏ tiềm ẩn nguy cơ mất ATGT |
4 NĂM: 15 VỤ TAI NẠN ĐƯỜNG SẮT
Vụ TNGT tại đường ngang km 147 200 qua thành phố Lạng Sơn khiến 1 người chết xảy ra được một tuần thì ngày 30/3/2015, trên địa bàn tỉnh ghi nhận một vụ tương tự tại km 109 300 đường sắt Hà Nội – Đồng Đăng qua xã Quang Lang (Chi Lăng): Một phụ nữ băng qua đường sắt bị tàu đâm phải và kéo lê cả trăm mét dẫn tới tử vong. Mặc dù nạn nhân thiệt mạng do chính sự chủ quan của bản thân, song vụ tai nạn vẫn khiến nhiều người xót xa. Ông Nguyễn Khắc Cộng, thôn Than Muội, xã Quang Lang kể lại: Thời điểm tai nạn, người phụ nữ xuống xe ô tô trên quốc lộ 1A rồi băng đường tàu, đúng lúc đó, tàu đến gần, những người xung quanh tri hô, giá như chị ấy không mải nghe điện thoại thì chắc đã không sao…
Theo nhận định của cơ quan chức năng, tai nạn đường sắt ngoài nguyên nhân là người đi đường thiếu chú ý quan sát, phải kể đến sự tồn tại của những đường ngang không hợp pháp (đường dân sinh) tiềm ẩn nguy cơ mất ATGT. Ngoài 2 vụ trên, từ năm 2011 – 2014, trên địa bàn Lạng Sơn xảy ra 15 vụ TNGT đường sắt làm 14 người chết, 2 người bị thương. Hầu hết các vụ này đều xảy ra tại các đường ngang “cao điểm” là năm 2011 với 6 vụ làm 6 người chết.
ẨN HỌA TRÊN ĐƯỜNG NGANG
Lạng Sơn có 2 tuyến đường sắt với tổng chiều dài 124 km đi qua 5 huyện, thành phố: Cao Lộc, Lộc Bình, Chi Lăng, Hữu Lũng và thành phố Lạng Sơn. Tại các địa bàn này, đường sắt giao với đường bộ từ đó hình thành các đường ngang. Theo trung tá Nguyễn Quốc Hồng, Phòng CSGT Công an tỉnh, toàn tỉnh hiện có 29 đường ngang hợp pháp (bao gồm 18 đường ngang có người gác, 1 đường ngang cảnh báo tự động và 10 đường ngang không có người gác) cùng nhiều đường dân sinh. Những đường dân sinh này do lịch sử để lại hoặc hình thành sau khi có đường sắt, nguy cơ mất ATGT cao. Trong đó phải kể đến đường ngang phía Bắc Ga Đồng Mỏ (km 89 350) và đường ngang phía Nam Ga Bắc Lệ (km 113 625).
Có mặt tại đường ngang phía Bắc Ga Đồng Mỏ một buổi sáng trung tuần tháng 4/2015, chúng tôi ái ngại khi chứng kiến cảnh người, xe cộ nườm nượp qua đường tàu trong khi tại đây không có rào chắn. Ông Ngô Sỹ Hiệp, Trưởng Ga Đồng Mỏ, Chi nhánh đường sắt Hà – Lạng cho biết: Theo quy định, đường ngang này là bất hợp pháp, ngành đường sắt không bố trí rào chắn, người gác, trong khi đó, lưu lượng phương tiện qua lại rất cao, đe dọa an toàn chạy tàu. Để phòng ngừa tai nạn, Ga phải bố trí nhân viên gác ghi kiêm nhiệm việc nhắc nhở, cảnh báo người tham gia giao thông đường bộ mỗi khi tàu qua.
Tương tự, tại đường ngang phía Nam Ga Bắc Lệ (xã Tân Thành, Hữu Lũng), nguy cơ mất ATGT luôn thường trực bởi đoạn đường này nằm trong khu dân cư và dẫn vào đền Bắc Lệ, ngoài người dân trên địa bàn, hằng ngày còn có nhiều xe chở khách du lịch qua lại. Ông Chu Ngọc Thiện, Phó Bí thư Chi bộ thôn Bắc Lệ chia sẻ: Đây là đường duy nhất vào khu dân cư, lưu lượng người, xe đi lại rất đông. Người dân quen với giờ tàu chạy nên ý thức phòng ngừa tốt hơn, song với khách du lịch thì thật khó để biết lúc nào tàu qua. Trong khi đó, mặt đường lại mấp mô, đã có xe ô tô đang qua đường sắt thì “chết máy”, may còn kịp xử lý trước khi tàu đến.
CHỦ ĐỘNG NGỪA TAI NẠN
Theo Nghị quyết 88/2012 NQ-CP của Chính phủ về tăng cường các giải pháp trọng tâm đảm bảo ATGT, chính quyền địa phương nơi có đường sắt đi qua cần chủ động lập kế hoạch và lộ trình cụ thể để xóa bỏ các đường ngang trái phép. Trong thời gian chờ xóa bỏ, phải tổ chức bố trí người cảnh giới tại các đường ngang có nguy cơ cao xảy ra TNGT. Tuy nhiên, qua theo dõi tình hình ATGT đường sắt của Phòng CSGT, các đường ngang không hợp pháp trên địa bàn Lạng Sơn đều chưa có người cảnh giới; tình trạng mở đường ngang trái phép; trồng cây, xây dựng công trình lấn chiếm hành lang an toàn đường sắt, che khuất tầm nhìn tại đường ngang… còn diễn ra ở nhiều nơi.
Trước thực trạng đó, đặc biệt là sau khi trên địa bàn xảy ra liên tiếp 2 vụ TNGT đường sắt, ngày 10/4/2015, Phòng CSGT đã có văn bản đề nghị ban ATGT các xã, phường, thị trấn có đường sắt đi qua tăng cường tuyên truyền pháp luật về TTATGT; theo dõi, thống kê giờ tàu chạy để thông báo cho nhân dân biết, chủ động phòng ngừa; vận động nhân dân phát quang đường ngang để mở rộng tầm nhìn… Trung tá Phạm Văn Sự, Phó Trưởng Phòng CSGT cho biết: Phòng cũng xây dựng kế hoạch đôn đốc công an các huyện, thành phố tăng cường phối hợp với các lực lượng chức năng và ngành đường sắt kiểm tra, giám sát đảm bảo ATGT đường sắt trên địa bàn, đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền nhân dân chấp hành quy định về ATGT, chú ý quan sát khi đi qua đường ngang.
Theo khảo sát của chúng tôi, mặc dù chưa có người cảnh giới song tại một số đường ngang, người dân đã tích cực tham gia đảm bảo ATGT bằng những việc làm cụ thể. Như tại đường ngang phía Nam Ga Bắc Lệ, người dân quanh khu vực thường xuyên nhắc nhở, cảnh báo người tham gia giao thông khi tàu qua; ban quản lý đền đóng góp kinh phí cùng xã đặt biển cảnh báo tàu hỏa… Cùng với việc người tham gia giao thông nâng cao ý thức phòng ngừa, sự tham gia của cấp ủy, chính quyền, người dân ở các địa bàn có đường sắt chạy qua trong đảm bảo ATGT chính là giải pháp quan trọng để ngăn TNGT.
BẢO VY
Ý kiến ()