Phòng lụt bão, không quên chống hạn
LSO-Mùa bão lụt mà lại nói chuyện chống hạn có vẻ hơi trái ngược. Thế nhưng với đặc điểm khí hậu và điều kiện hạ tầng trên địa bàn tỉnh thì lo chống hạn ngay trong mùa mưa lũ cũng không có gì là lạ. Thời điểm này, cùng với việc khắc phục hậu quả do cơn bão số 2 gây ra thì các đơn vị quản lý, khai thác cũng đang tích cực triển khai các phương án để đảm bảo nước tưới cho vụ mùa.
Kè đá rọ thép đảm bảo an toàn cho công trình thủy lợi trên địa bàn huyện Cao Lộc |
Với đặc điểm khí hậu của Lạng Sơn, ngay cả năm nào mưa thuận, gió hòa nhất thì nhà nông Xứ Lạng vẫn canh cánh lo hạn và rét cuối vụ. Trong những năm qua, cùng với sự vào cuộc của các cấp, ngành, trình độ canh tác của nông dân cũng được nâng lên, đó chính là động lực để thúc đẩy cơ cấu mùa vụ. Ở nhiều vùng, khung thời vụ gieo trồng vụ hè thu đã được đẩy lên sớm hơn, các giống lúa ngắn ngày và cực ngắn ngày từng bước được đưa vào sản xuất. Sự chuyển dịch tích cực này đã phần nào hạn chế được các nguy cơ rủi ro về cuối vụ.
Thế nhưng vụ mùa năm nay lại phải đón nhận ảnh hưởng nặng nề từ cơn bão số 2. Mưa lũ rơi vào đúng thời điểm chuyển vụ, bởi vậy chắc chắn khung thời vụ sẽ không thể sớm như mọi năm. Nhận định, phân tích chính xác tình hình, ngành Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã chỉ đạo các đơn vị chuyên môn trực thuộc khuyến cáo khung thời vụ hợp lý; tham mưu cho UBND tỉnh ra các chính sách hỗ trợ kịp thời; liên hệ với một số công ty giống để kêu gọi hỗ trợ và ứng trước giống cho người nông dân, loại giống được chỉ định cụ thể và phải là ngắn ngày và cực ngắn ngày. Đồng thời những diện tích không chủ động được nước, có nguy cơ hạn hán được khuyến cáo chuyển đổi từ cấy lúa sang các loại cây trồng khác ngắn ngày hơn như rau màu hoặc có khả năng chịu hạn như ngô.
Tới thời điểm này, có thể khẳng định các giải pháp về giống, khung thời vụ và chuyển đổi cây trồng đã được triển khai đồng bộ và có hiệu quả. Nhiều vùng (điển hình như Tràng Định), nhân dân đã tự liên hệ, điều tiết mạ, chuyển đổi một số diện tích để xuống giống thạch…đảm bảo không để đất trống, nhưng cũng đảm bảo được khung thời vụ. Tuy nhiên để đảm bảo tính chắc ăn của vụ này, ngoài các giải pháp kỹ thuật thì các giải pháp về công trình cũng rất quan trọng. Theo thống kê của các cơ quan chức năng, bão số 2 đã làm cho 47 công trình thủy lợi bị hư hỏng, ước tính thiệt hại gần 10 tỷ đồng. Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên khai thác công trình thủy lợi cho biết: do chủ động từ trước khi bão vào, các đơn vị trực thuộc đã chủ động điều tiết nước ở các hồ chứa, vì vậy các công trình này không hư hại nhiều. Tuy nhiên do hầu hết các hồ chứa này đều đã xây dựng từ rất lâu, đã xuống cấp nên điều tiết nước rất khó khăn và cũng không đủ điều kiện để tích được lượng nước đảm bảo nhu cầu tưới.
Hiện nay Công ty TNHH Một thành viên khai thác công trình thủy lợi quản lý 122 hồ đập các loại. Hầu hết các công trình này được xây dựng từ những thập niên 60-70 của thế kỷ trước. Trong những năm tỉnh đã rất chú trọng tới các công trình này, nhưng với điều kiện khó khăn, nguồn vốn hạn hẹp, Lạng Sơn mới chỉ nâng cấp, tu sửa được 27 hồ chứa. Trong khi đó, hệ thống kênh mương dài hơn 1.000km cũng mới chỉ kiên cố hóa được xấp xỉ 52%. Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Giám đốc Công ty khẳng định: mặc dù nguồn kinh phí cấp hiện nay cũng vẫn còn hạn hẹp, nhưng Công ty đã chủ động khắc phục bước 1 các công trình bị hư hỏng do mưa lũ. Những công trình nhỏ, đơn giản thì huy động sức dân, những công trình lớn hơn bị sạt lở khắc phục tạm thời bằng cách khơi thông, đặt ống dẫn…đảm bảo có thể điều tiết nước phục vụ sản xuất. Mặt khác, Công ty cũng đã phát động phong trào thi đua lao động, sản xuất hoàn thành tốt nhiệm vụ. Phát huy tối đa trách nhiệm của cán bộ, nhân viên trong công ty, quyết tâm đảm bảo nước tưới theo kế hoạch. Trong vụ mùa năm nay, kế hoạch tưới chủ động của Công ty là 9.714ha, trong đó chủ yếu là diện tích lúa.
Thời điểm này mới chỉ là đầu mùa mưa bão, bởi vậy công tác phòng chống lụt bão, đảm bảo an toàn hồ chứa và các công trình thủy lợi vẫn tiếp tục được các cấp, ngành hữu quan đặc biệt quan tâm. Song hành với đó các phương án chống hạn, các biện pháp đảm bảo nước tưới cho mùa vụ cũng đang gấp rút được triển khai. Đảm bảo được thắng lợi của vụ mùa có vai trò quan trọng trong việc đảm bảo an sinh, ổn định đời sống của nhân dân sau bão lũ.
VŨ NHƯ PHONG
Ý kiến ()