LSO-Là phòng khám đa khoa khu vực (ĐKKV) cụm 7 xã có đến hơn 10 ngàn dân, song trong suốt hơn 30 năm qua, Phòng khám ĐKKV Xuân Tình luôn trong tình trạng thiếu thốn về cơ sở vật chất (CSVC) và nhân lực. Nhân viên y tế phòng khám khám bệnh cho trẻ dưới 6 tuổiChị Hoàng Thị Sanh, thôn Cốc Lai, xã Minh Phát được chồng đưa ra phòng khám để khám bệnh, chị nói rằng, với cái bệnh của mình, trạm y tế xã không chữa được, ra bệnh viện huyện thì xa, khám ở phòng khám này vừa đúng tuyến vừa gần nhà, tiện lợi biết bao. Khi đưa con nhỏ đi khám và điều trị ho sốt, được các nhân viên phòng khám khám bệnh cho thuốc, chị Lý Thị Vàng ở xã Vân Mộng đã bớt lo, chị nói rằng, người dân ở khu vực coi phòng khám như cái bệnh viện thu nhỏ, có thể điều trị được những bệnh thông thường. Vậy thì tội gì mà phải “tha” con ra tận bệnh viện huyện trong thời tiết mùa đông giá lạnh, có khi bệnh lại nặng thêm.Niềm tin của bà con thì...
LSO-Là phòng khám đa khoa khu vực (ĐKKV) cụm 7 xã có đến hơn 10 ngàn dân, song trong suốt hơn 30 năm qua, Phòng khám ĐKKV Xuân Tình luôn trong tình trạng thiếu thốn về cơ sở vật chất (CSVC) và nhân lực.
Nhân viên y tế phòng khám khám bệnh cho trẻ dưới 6 tuổi
Chị Hoàng Thị Sanh, thôn Cốc Lai, xã Minh Phát được chồng đưa ra phòng khám để khám bệnh, chị nói rằng, với cái bệnh của mình, trạm y tế xã không chữa được, ra bệnh viện huyện thì xa, khám ở phòng khám này vừa đúng tuyến vừa gần nhà, tiện lợi biết bao. Khi đưa con nhỏ đi khám và điều trị ho sốt, được các nhân viên phòng khám khám bệnh cho thuốc, chị Lý Thị Vàng ở xã Vân Mộng đã bớt lo, chị nói rằng, người dân ở khu vực coi phòng khám như cái bệnh viện thu nhỏ, có thể điều trị được những bệnh thông thường. Vậy thì tội gì mà phải “tha” con ra tận bệnh viện huyện trong thời tiết mùa đông giá lạnh, có khi bệnh lại nặng thêm.
Niềm tin của bà con thì như vậy, song phòng khám ĐKKV Xuân Tình đang đứng trước nhiều vấn đề nan giải khi thực hiện chức năng, nhiệm vụ của một phòng khám khu vực đông dân cư. Làm việc tại đây từ năm 1995, y sĩ Vi Thị Đông nói rằng, trong suốt 30 năm qua, tuy phòng khám có được sửa chữa nhỏ vài lần và được bổ sung thêm vài bộ trang thiết bị song vẫn chưa “đủ lực” để ngăn được sự xuống cấp của nhà trạm và hư hỏng của trang thiết bị. Như để minh chứng cho nhận định của mình, chị dẫn chúng tôi đi xem các phòng; phía bên kia đường một dãy nhà tan hoang chỉ còn trơ lại bốn bức tường loang lổ rêu thấp thoáng với những bụi cây lúp xúp. Hai dãy nhà đang sử dụng hầu hết trong tình trạng tường nứt, nền bong, trần sập. Các chị nói rằng phòng lưu bệnh nhân quá tồi tệ, mùa hè vừa rồi, nhân viên trực thức thâu đêm “canh” bệnh nhân, không phải vì bệnh nặng mà đề phòng ngói rơi, trần sập xuống giường của họ. Nhà trạm đã vậy, trang thiết bị còn tồi tệ hơn, trừ cái máy hút nhớt trẻ sơ sinh, cái tủ sấy còn hoạt động được, tất cả trông cũ kỹ, lạc hậu. Chị Vi Thị Bức, nhân viên điều dưỡng cho chúng tôi biết, sự tận tình của chị em thì có thừa, song nhân viên không thể chăm sóc bệnh nhân với 2 bàn tay trắng được. Bên cạnh sự xuống cấp về CSVC, đội ngũ cán bộ nhân viên cũng rất “mỏng”, toàn phòng khám chỉ có 3 y sĩ và 1 điều dưỡng, trong đó có 1 y sĩ y học dự phòng đang làm hợp đồng. Đội ngũ như vậy, làm sao có thể thực hiện được nhiệm vụ của tuyến kỹ thuật?
Tinh thần đoàn kết, ý chí tự lực tự cường và lòng tự trọng nghề nghiệp của đội ngũ cán bộ nhân viên đã khiến phòng khám vẫn duy trì hoạt động trong suốt 30 năm qua. Năm 2012, chỉ tiêu giao là 1.750 lượt khám và 350 lượt bệnh nhân điều trị nhưng phòng khám đã thực hiện được 2.135 lượt khám và 281 lượt điều trị, tỷ lệ chuyển tuyến trên 10%; thực hiện 82 ca đặt dụng cụ tử cung, đỡ 44 ca đẻ, trong đó có 14 ca đẻ khó. Số liệu là như vậy, song nếu phân tích và liên hệ với thực tế, có thể thấy với địa bàn trên 10 ngàn dân, hầu hết đều có thẻ BHYT thì chỉ tiêu được giao và việc thực hiện là rất thấp. Ông Nông Ngọc Tuấn, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Xuân Tình cho biết, với trang thiết bị và đội ngũ cán bộ ấy, năng lực thực hiện chuyên môn của phòng khám còn kém nhiều so với các trạm y tế có bác sĩ như Vân Mộng, Minh Phát, Hữu Lân, Nhượng Bạn. Bởi vậy khi trạm y tế có bệnh nhân phải chuyển tuyến, theo thủ tục là chuyển lên phòng khám, nhưng phòng khám cũng lại phải chuyển ra ngoài bệnh viện huyện. Mặt khác, rất nhiều trường hợp trạm y tế xã chuyển thẳng bệnh nhân ra huyện mà không qua phòng khám, vì họ hiểu rằng, năng lực của phòng khám chỉ có vậy nên chuyển “vòng vèo” chỉ làm mất thời gian của bệnh nhân, có khi bệnh lại nặng thêm. Về sự phối hợp giữa các trạm y tế xã và phòng khám ĐKKV, y sĩ Nông Ngọc Tuấn nói rằng, chưa có sự phối hợp nào mà vẫn trong tình trạng “việc ai nấy làm”, trừ một số dịch vụ KHHGĐ.
Thiết nghĩ, trong lộ trình mở rộng, nâng cấp phòng khám ĐKKV, ngoài việc đầu tư của Nhà nước về công trình, CSVC, trang thiết bị một cách đồng bộ, ngành y tế cần có kế hoạch bổ sung cán bộ, nhất là bác sĩ cho phòng khám. Nếu căn cứ vào Thông tư số 15-TT-BYT, ngày 17/5/1977 của Bộ Y tế, thì phòng khám PKĐK khu vực Xuân Tình tương đương phòng khám ĐKKV hạng 2 (quy mô từ 3-5 giường, từ 5-8 chuyên khoa và phải có từ 10-20 cán bộ nhân viên). Trao đổi với chúng tôi, bác sĩ Phạm Thế Vinh, Giám đốc Trung tâm Y tế Lộc Bình nói rằng, Sở Y tế đã có kế hoạch mở rộng nâng cấp phòng khám này từ ba năm nay, song không hiểu vì sao lại không thực hiện được. Tại nhiều buổi tiếp xúc giữa đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND tỉnh, đại biểu HĐND huyện Lộc Bình với cử tri khu vực này, vấn đề “nóng” mà người dân đặt ra vẫn là bao giờ thì phòng khám ĐKKV được đầu tư xây dựng.
Minh Hồng
Ý kiến ()