Phòng hỏa tại các di tích trong mùa lễ hội
- Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đang là thời điểm diễn ra các lễ hội xuân, thu hút rất đông người dân, du khách thập phương tới vui xuân trảy hội. Để đảm bảo an toàn phòng, chống cháy nổ ở các di tích trong mùa lễ hội, các cấp, ngành đã và đang triển khai nhiều biện pháp.
Ngày 2/3 (tức ngày 22 tháng Giêng năm Giáp Thìn), thành phố Lạng Sơn tổ chức khai mạc lễ hội đền Kỳ Cùng - Tả Phủ. Đây là lễ hội lớn nhất trên địa bàn tỉnh, thu hút hơn 52.000 người dân địa phương và du khách thập phương tới tham quan, chiêm bái ngay trong ngày đầu tiên diễn ra. Theo ghi nhận của phóng viên, công tác phòng cháy chữa cháy (PCCC) đã được ban tổ chức chủ động thực hiện từ rất sớm. Tại khu vực tổ chức khai mạc, các điểm vui chơi tập trung đông người đều có lực lượng chức năng tuần tra kiểm soát, xe chữa cháy được bố trí thường trực sẵn sàng khi có sự cố xảy ra. Trong khuôn viên đền, du khách đến chiêm bái thực hiện nghiêm túc các quy định về PCCC. Còn tại các khu vực thờ tự, ban quản lý (BQL) di tích đã trang bị từ 2 - 4 bình chữa cháy xách tay, riêng khu vực bán đồ hàng mã được trang bị thêm 2 bình chữa cháy dạng khí.
Ông Nguyễn Mạnh Lạc, thành viên BQL di tích đền Kỳ Cùng cho biết: BQL đã bố trí 14 bình chữa cháy, máy bơm chữa cháy chuyên dụng. Trước ngày diễn ra lễ hội, chúng tôi phối hợp với lực lượng cảnh sát PCCC, Công an thành phố kiểm tra chất lượng các phương tiện chữa cháy; phân công lịch trực bảo vệ tại đền, nhắc nhở du khách thực hiện nghiêm các quy định PCCC. Đặc biệt, hệ thống loa truyền thanh trong những ngày này phát liên tục để tuyên truyền cảnh báo về công tác đảm bảo an ninh trật tự, PCCC, nhắc nhở du khách thực hiện đúng quy định của đền.
Bà Lê Thị Nhâm, du khách tỉnh Bắc Ninh cho biết: Tôi thấy hội Kỳ Cùng – Tả Phủ rất đông nhưng công tác PCCC được thực hiện tốt. Nhìn chỗ nào cũng thấy có bình cứu hỏa nên tôi rất yên tâm khi đến đây du xuân, chiêm bái.
Theo thống kê của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, hiện nay trên địa bàn tỉnh có hơn 100 di tích gắn với tổ chức các lễ hội. Để đảm bảo an toàn PCCC cho người dân và du khách tham quan vui hội, Công an tỉnh đã chỉ đạo Phòng Cảnh sát PCCC và Cứu nạn cứu hộ (CNCH), công an các huyện, thành phố triển khai các biện pháp đảm bảo an ninh trật tự, an toàn cháy nổ.
Trung tá Trần Văn Tương, Phó Trưởng Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH, Công an tỉnh cho biết: Hiện nay, lượng khách đến tham gia các lễ hội rất đông. Để đảm bảo an toàn phòng cháy, từ đầu năm 2024 đến nay, chúng tôi đã phối hợp với công an các huyện, thành phố kiểm tra 80 lượt cơ sở nguy hiểm về cháy nổ thuộc diện đơn vị quản lý, tổ chức 10 buổi tuyên truyền miệng về các quy định an toàn cháy nổ cho đội chữa cháy cơ sở và Nhân dân trên địa bàn; xây dựng 12 phương án chữa cháy và 9 phương án CNCH. Trong ngày diễn ra các lễ hội, chúng tôi phân công lực lượng, phương tiện trực bảo vệ tại đó nhằm đảm bảo an toàn cho người dân và du khách.
Với việc chủ động triển khai các phương án đảm bảo an toàn PCCC tại các di tích đình, đền, chùa, đến thời điểm này, trên địa bàn tỉnh đã diễn ra 2/3 số lễ hội nhưng chưa ghi nhận sự cố cháy nổ nào xảy ra. Các cơ sở tín ngưỡng thực hiện nghiêm túc quy định về an toàn PCCC, chủ động trang bị các phương tiện chữa cháy tại chỗ, đảm bảo theo đúng tinh thần "4 tại chỗ". |
Cùng với đó, trong tháng 2/2024, lực lượng công an các huyện, thành phố đã kiểm tra được 42 cơ sở di tích đình, đền, chùa về công tác đảm bảo an toàn PCCC. Qua kiểm tra lực lượng đã yêu cầu BQL các di tích sửa chữa, bổ sung trang thiết bị, phương tiện chữa cháy, hệ thống điện, nước đồng thời bố trí lực lượng thường trực, chủ động các phương án chữa cháy đề phòng xảy ra sự cố cháy nổ.
Thượng tá Hoàng Phương, Phó Trưởng Công an huyện Cao Lộc cho biết: Các di tích gắn với tổ chức lễ hội trên địa bàn, chủ yếu diễn ra trong tháng Giêng và tháng Hai, đặc biệt đền Mẫu Đồng Đăng, chùa Bắc Nga lượng khách đến chiêm bái thường xuyên, do đó công tác an toàn cháy nổ được chúng tôi đặt lên hàng đầu. Chúng tôi đã chỉ đạo công an cơ sở tăng cường kiểm tra các phương tiện chữa cháy tại cơ sở kinh doanh dịch vụ trong khu vực diễn ra lễ hội. Cùng đó, chúng tôi bố trí phương tiện, cán bộ, chiến sĩ ứng trực tại các vị trí quan trọng trong khu vực diễn ra lễ hội.
Điển hình như lễ hội chùa Bắc Nga, xã Gia Cát, năm nay được UBND huyện Cao Lộc tổ chức quy mô cấp huyện với nhiều hoạt động phần hội đặc sắc như: hát sli, hát then, múa sư tử, tổ chức các gian hàng quảng bá sản phẩm nông sản của địa phương... đã thu hút hàng nghìn lượt du khách đến chơi hội. Công tác đảm bảo an toàn cháy nổ đã được Ban tổ chức lễ hội quan tâm, chú trọng.
Bà Nguyễn Thị Nhung, Phó Chủ tịch UBND xã, Trưởng BQL di tích chùa Bắc Nga chia sẻ: Cùng với việc phân công các lực lượng thường trực, chúng tôi trang bị các phương tiện chữa cháy tại các khu vực thờ cúng, tuyên truyền các hộ kinh doanh trong lễ hội phải đảm bảo an toàn hệ thống điện, chất đốt đề phòng các sự cố cháy nổ xảy ra. Do vậy, lễ hội đã diễn ra đảm bảo an toàn.
Với việc chủ động triển khai các phương án đảm bảo an toàn PCCC tại các di tích đình, đền, chùa đến thời điểm này, trên địa bàn tỉnh đã diễn ra 2/3 số lễ hội nhưng chưa ghi nhận sự cố cháy nổ nào xảy ra. Các cơ sở tín ngưỡng thực hiện nghiêm túc quy định về an toàn PCCC, chủ động trang bị các phương tiện chữa cháy tại chỗ, đảm bảo theo đúng tinh thần "4 tại chỗ".
Tuy nhiên, theo đánh giá của lực lượng chức năng, nguy cơ cháy nổ vẫn có thể xảy ra bởi vậy bên cạnh sự vào cuộc của cơ quan chức năng, mỗi người dân cũng cần chấp hành tốt các quy định, nâng cao ý thức tự phòng ngừa, tránh xảy ra những sự cố cháy, nổ đáng tiếc, đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của người dân, du khách.
Ý kiến ()