Phòng Hành chính tư pháp và Bổ trợ Tư pháp, Sở Tư pháp: Đổi mới công tác đăng ký và quản lý hộ tịch
(LSO) – Công tác đăng ký và quản lý hộ tịch (ĐK&QLHT) là nhiệm vụ quan trọng, gắn bó trực tiếp đến quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân. Thời gian qua, Phòng Hành chính tư pháp và Bổ trợ tư pháp, Sở Tư pháp đã tích cực tham mưu cho lãnh đạo sở đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác này trên địa bàn tỉnh.
Hiệu quả ứng dụng phần mềm ĐK&QLHT
Trước khi Luật Hộ tịch năm 2014 ra đời, công tác ĐK&QLHT gặp nhiều khó khăn. Lĩnh vực hộ tịch được quy định trong nhiều văn bản dẫn đến chồng chéo, khó áp dụng đối với người dân và cơ quan đăng ký hộ tịch. Từ những vướng mắc trong thực tế, Phòng Hành chính tư pháp và Bổ trợ tư pháp tham mưu cho lãnh đạo Sở Tư pháp đổi mới, nâng cao chất lượng công tác ĐK&QLHT bằng nhiều giải pháp cụ thể.
Nổi bật trong công tác ĐK&QLHT, đó là phòng đã tham mưu cho sở triển khai thực hiện Đề án “Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử toàn quốc”, đưa vào sử dụng phần mềm ĐK&QLHT dùng chung của Bộ Tư pháp và thực hiện cấp mã số định danh cho trẻ em khi đăng ký khai sinh. Từ khi thực hiện phầm mềm (từ 1/7/2017) đến nay, toàn tỉnh đã đăng ký được 206.900 sự kiện hộ tịch (134.458 việc khai sinh, cấp mã số định danh trên 44.000 trường hợp, 21.183 kết hôn; 19.880 khai tử, 31.379 các việc hộ tịch khác).
Cán bộ phòng Hành chính tư pháp và Bổ trợ tư pháp sinh hoạt chuyên môn
Việc sử dụng phầm mềm đã đem lại nhiều lợi ích cho công dân, các cơ quan, đơn vị, đặc biệt các địa bàn trung tâm, nơi tập trung đông dân cư, nhiều sự kiện hộ tịch của công dân. Chị Hoàng Thị Thời, công chức tư pháp – hộ tịch UBND phường Chi Lăng, thành phố Lạng Sơn cho biết: Trung bình mỗi năm, phường có hơn 1.500 sự kiện hộ tịch các loại, nhiều nhất là đăng ký khai sinh, khai tử, đăng ký kết hôn, xác nhận tình trạng hôn nhân… Từ khi sử dụng phần mềm hộ tịch dùng chung, tôi tiết kiệm được nhiều thời gian, công sức, trả kết quả sớm cho người dân, tra cứu thông tin, trích xuất số liệu báo cáo nhanh chóng, chính xác.
Tăng cường tập huấn, “cầm tay chỉ việc”
Cùng với đó, phòng đã thường xuyên tham mưu tổ chức tập huấn cho cán bộ làm công tác hộ tịch trên địa bàn tỉnh. Từ năm 2015 đến nay, phòng đã tham mưu cho sở tổ chức gần 60 lớp tập huấn, hội nghị triển khai Luật Hộ tịch, sử dụng phần mềm hộ tịch điện tử, nghiệp vụ hộ tịch cho hơn 4.200 lượt cán bộ tham gia.
Phòng còn hướng dẫn cơ sở giải quyết các vướng mắc trong công tác ĐK&QLHT qua nhiều hình thức như: trả lời bằng công văn, hướng dẫn trực tiếp tại đơn vị, điện thoại, email… Trung bình hằng năm, phòng hướng dẫn giải quyết gần 200 việc trong lĩnh vực hộ tịch. Chị Phương Thanh Loan, công chức tư pháp – hộ tịch UBND thị trấn Đồng Đăng, huyện Cao Lộc cho biết: Trong lĩnh vực hộ tịch có rất nhiều trường hợp phức tạp, phát sinh, do đó, chúng tôi thường xuyên phải xin ý kiến cấp trên. Trực tiếp cán bộ Phòng Hành chính tư pháp và Bổ trợ tư pháp đã kịp thời trả lời qua điện thoại, nếu vụ việc khó, phòng tham mưu cho sở hướng dẫn bằng văn bản cụ thể. Từ đó giúp cơ sở giải quyết tốt nhu cầu hộ tịch của người dân.
Ông Nguyễn Minh Chí, Trưởng Phòng Hành chính tư pháp và Bổ trợ tư pháp, Sở Tư pháp khẳng định: Nhờ đổi mới, thực hiện đồng bộ các giải pháp, công tác ĐK&QLHT có nhiều chuyển biến tích cực; giúp các tổ chức thực hiện tốt công tác ĐK&QLHT, công dân được đảm bảo quyền lợi đúng theo quy định của pháp luật, góp phần tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước, nâng cao chất lượng cải cách tư pháp gắn với cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực ĐK&QLHT trên địa bàn tỉnh.
Phòng HCTP&BTTP, Sở Tư pháp hiện có 7 cán bộ, chuyên viên. Trong 5 năm qua (2015 – 2020), phòng đều đạt danh hiệu tập thể lao động tiên tiến, nhận được nhiều giấy khen của Giám đốc Sở Tư pháp, bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh, Bộ trưởng Bộ Tư pháp. Tháng 6/2020, tập thể phòng được nhận giấy khen của Giám đốc Sở Tư pháp, công nhận điển hình tiên tiến trong công tác tư pháp giai đoạn 2015 – 2020. |
DƯƠNG DUYÊN
Ý kiến ()