Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Chi Lăng: Nỗ lực “không để người nghèo bị bỏ lại phía sau”
- Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự nỗ lực vươn lên của người dân, công tác giảm nghèo ở huyện Chi Lăng thời gian qua đã đạt những kết quả tích cực. Trong đó, nguồn vốn tín dụng chính sách của Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) huyện Chi Lăng được xem là “đòn bẩy” quan trọng giúp người nghèo và các đối tượng chính sách khác có điều kiện phát triển sản xuất, cải thiện cuộc sống, vươn lên thoát nghèo bền vững.
Người dân xã Lâm Sơn chăm sóc rừng bạch đàn từ nguồn vốn vay ưu đãi
Trước đây, gia đình ông Lành Văn Hanh, khu Trung Thịnh, thị trấn Chi Lăng thuộc diện hộ nghèo, có diện tích đất trồng na nhưng thiếu vốn để sản xuất. Ông Hanh chia sẻ: Năm 2015, gia đình tôi trồng 250 cây na trên đồi nhưng không có điều kiện chăm sóc nên hiệu quả kinh tế thấp. Năm 2017, được cán bộ Phòng Giao dịch NHCSXH huyện hướng dẫn tận tình, tôi được tạo điều kiện vay 50 triệu đồng để mua vật tư phân bón chăm sóc, cải tạo và trồng mới 700 cây na. Từ năm 2020 đến nay, vườn na cho thu hoạch trên 4 tấn quả, đem lại cho gia đình thu nhập từ 70 đến 80 triệu đồng/năm. Năm 2023 vừa qua, gia đình tôi thoát nghèo, tôi tiếp tục vay thêm 100 triệu đồng từ chương trình cho vay hộ cận nghèo để chăm sóc diện tích na hiện có.
“Thời gian qua, Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Chi Lăng không ngừng nỗ lực, có nhiều giải pháp thiết thực, hiệu quả trong thực hiện các chương trình tín dụng ưu đãi, đặc biệt là các chương trình tín dụng chính sách dành cho hộ nghèo. Điều đó thể hiện ở tỷ lệ tăng trưởng tín dụng của phòng giao dịch. Bên cạnh đó, phòng giao dịch cũng làm tốt công tác phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương quản lý hiệu quả nguồn vốn, xử lý nợ quá hạn; tỷ lệ thu nợ, thu lãi hàng tháng đều đạt 100%; 100% tổ tiết kiệm và vay vốn hoạt động tốt, khá. Đây là một trong 3 huyện có chất lượng tổ TK&VV tốt nhất và tỷ lệ nợ quá hạn thấp nhất tỉnh". Ông Phan Anh Thắng, Phó Giám đốc Chi nhánh NHCSXH tỉnh |
Không chỉ gia đình ông Hanh, anh Hoàng Văn Hà, thôn Co Hương, xã Hữu Kiên cũng là một trong những hộ vươn lên thoát nghèo từ nguồn vốn vay ưu đãi. Anh Hà chia sẻ: “Năm 2015, được Hội Nông dân xã và tổ tiết kiệm vay vốn thôn tuyên truyền, tôi đã vay 50 triệu đồng chương trình cho vay hộ nghèo của Phòng Giao dịch NHCSXH huyện để đầu tư chăn nuôi 4 con ngựa bạch. Đến nay, gia đình đã tăng đàn ngựa lên 20 con, mỗi năm gia đình xuất bán từ 5 – 6 con ngựa bạch, đem lại thu nhập trên 100 triệu đồng/năm. Năm 2023, gia đình tôi tiếp tục vay thêm 50 triệu đồng để mở rộng mô hình chăn nuôi”.
Không chỉ ông Hanh và anh Hà, những năm qua, đồng vốn tín dụng ưu đãi của Phòng Giao dịch NHCSXH huyện đã tiếp thêm “động lực” cho hàng nghìn hộ nghèo và đối tượng chính sách trên địa bàn huyện vươn lên thoát nghèo, phát triển kinh tế. Từ năm 2021 đến năm 2023, đơn vị đã giải ngân được trên 276 tỷ đồng với 5.432 lượt khách hàng vay vốn. Riêng trong 3 tháng đầu năm 2024, đơn vị đã giải ngân vốn chương trình trên 25,7 tỷ đồng cho 249 hộ vay. Đến nay, tổng dư nợ các chương trình cho vay tại đơn vị đạt 405,4 tỷ đồng với trên 8.300 lượt khách hàng còn dư nợ.
Nguồn vốn vay được các hộ nghèo đầu tư phát triển sản xuất đã góp phần giúp nhiều hộ vươn lên thoát nghèo, xây dựng được các mô hình kinh tế hiệu quả. Cụ thể, chỉ tính riêng từ năm 2021 đến nay, nguồn vốn góp phần giúp trên 8.000 lượt hộ có vốn để đầu tư sản xuất kinh doanh, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống; xây dựng trên 4.200 công trình nước sạch và công trình vệ sinh; xây dựng trên 380 căn nhà kiên cố…
Ông Nguyễn Minh Thanh, Giám đốc Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Chi Lăng cho biết: “Để thực hiện hiệu quả chương trình, hằng năm, đơn vị chủ động tham mưu Ban đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH huyện, ngay từ đầu năm đã có văn bản chỉ đạo, giao chỉ tiêu, kế hoạch cho các xã, thị trấn chỉ đạo thực hiện sát sao các chương trình vốn nói chung, đặc biệt là nguồn vốn chương trình hộ nghèo. Mặt khác, chúng tôi chỉ đạo177 tổ tiết kiệm và vay vốn chủ động phối hợp với các tổ chức hội, đoàn thể nhận ủy thác làm tốt công tác tuyên truyền, triển khai chính sách vốn; phân công cán bộ tín dụng phụ trách địa bàn phối hợp chặt chẽ với UBND các xã, thị trấn, các tổ chức hội nắm danh sách hộ nghèo có nhu cầu vay vốn. Từ đó, giải ngân kịp thời và có sự định hướng để sử dụng nguồn vốn phù hợp với hoàn cảnh từng gia đình, không để người nghèo bị bỏ lại phía sau vì thiếu vốn”.
Bên cạnh đó, để nguồn vốn phát huy hiệu quả, song song với giải ngân vốn, Phòng Giao dịch NHCSXH huyện luôn giám sát chặt chẽ, đảm bảo nguồn vốn đến đúng đối tượng. Qua kiểm tra hằng năm, hầu hết các hộ đều sử dụng vốn đúng mục đích, có hiệu quả, tỷ lệ thu nợ, thu lãi hằng năm luôn đạt 100% kế hoạch năm. Điều đó thể hiện ở chất lượng tín dụng, hiện tỷ lệ nợ quá hạn của chương trình toàn chi nhánh chỉ chiếm 0,01% tổng dư nợ (thấp hơn mức cho phép của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam).
Có thể khẳng định, nguồn vốn vay đã tiếp sức nhiều hộ dân trên địa bàn huyện Chi Lăng có điều kiện phát triển sản xuất, góp phần chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên địa bàn, giúp các hộ nghèo, hộ cận nghèo vươn lên, yên tâm phát triển kinh tế. Cùng với các nguồn vốn, chương trình khác của huyện, nguồn vốn tín dụng chính sách đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của huyện từ 14,96% (năm 2021) xuống còn 6,48% (năm 2023).
Với những nỗ lực và cố gắng đó, nhiều năm liền, Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Chi Lăng được nhận giấy khen của Giám đốc NHCSXH chi nhánh tỉnh. Tháng 1/2024, Phòng Giao dịch vinh dự được nhận bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh vì đã có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua “Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” giai đoạn 2021-2023.
Ý kiến ()