Phòng dịch H5N1 và H7N9 tại các chợ đầu mối: Khó khăn và bất cập
LSO- Sau một thời gian tạm lắng, tại một số tỉnh giáp ranh với tỉnh Lạng Sơn, dịch cúm gia cầm đã xuất hiện trở lại. Điều đáng lo ngại nhất, tại nước láng giềng Trung Quốc diễn biến của dịch cúm A/H7N9 vẫn rất phức tạp, đặc biệt, trong những ngày vừa qua, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) thông báo dịch cúm A/H7N9 có nguồn bệnh từ gia cầm. Lạng Sơn một tỉnh biên giới, ngoài việc ngăn chặn gia cầm nhập lậu trái phép, khâu kiểm dịch tại nội địa cũng phải làm một cách quyết liệt. Nhưng hiện tại, chuyện kiểm dịch gia cầm, chim bồ câu, chim cảnh tại một số chợ đầu mối vẫn còn gặp nhiều khó khăn.
Sau một thời gian tạm lắng, tại một số tỉnh giáp ranh với tỉnh Lạng Sơn, dịch cúm gia cầm đã xuất hiện trở lại. Điều đáng lo ngại nhất, tại nước láng giềng Trung Quốc diễn biến của dịch cúm A/H7N9 vẫn rất phức tạp, đặc biệt, trong những ngày vừa qua, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) thông báo dịch cúm A/H7N9 có nguồn bệnh từ gia cầm. Lạng Sơn một tỉnh biên giới, ngoài việc ngăn chặn gia cầm nhập lậu trái phép, khâu kiểm dịch tại nội địa cũng phải làm một cách quyết liệt. Nhưng hiện tại, chuyện kiểm dịch gia cầm, chim bồ câu, chim cảnh tại một số chợ đầu mối vẫn còn gặp nhiều khó khăn.
Mượn giấy kiểm dịch…
Theo thống kê của của lực lượng chức năng, trung bình mỗi ngày có khoảng 2.000 con gia cầm từ các địa phương khác được tập kết về 2 chợ đầu mối lớn là chợ Giếng Vuông và chợ Bờ Sông (thành phố Lạng Sơn), tại đây, các chủ hộ kinh doanh gia cầm sẽ chia nhỏ để bán lẻ cho người tiêu dùng. Công tác kiểm dịch tại 2 chợ này được giao cho Trạm Thú y thành phố Lạng Sơn. Tuy nhiên, với lực lượng cán bộ thú y mỏng, việc kiểm dịch tại 2 chợ này cũng chỉ được tổ chức theo khung giờ nhất định và kiểm dịch theo xác suất, triệu chứng. Ông Lưu Đức Bảo, Trạm trưởng Trạm Thú y thành phố cho biết, công tác kiểm dịch gia cầm tại các chợ hiện chủ yếu là kiểm tra giấy tờ kiểm dịch để xem nguồn gốc xuất xứ của gia cầm. Qua kiểm tra, phần lớn các chủ hàng đều xuất trình đầy đủ giấy kiểm dịch, nhưng không phải là không có những “lỗ hổng”. Thời gian vừa qua, tuy chưa phát hiện được vụ việc nào trộn gia cầm lậu vào nhưng đã phát hiện trường hợp mượn giấy kiểm dịch cho lô gia cầm. Cụ thể là vào ngày 23/4 vừa qua, Đội QLTT số 1 và Trạm đã phối hợp kiểm tra, phát hiện 1 trường hợp mượn giấy kiểm dịch cho lồng vịt con, ngay sau khi phát hiện đã xử lý hành chính chủ hàng và tổ chức tiêu hủy 375 con vịt con giống.
Thời gian qua mới chỉ phát hiện 1 trường hợp nhưng chính ngành chức năng cũng không dám chắc là không còn trường hợp nào tương tự như vậy. Thực tế, tại các chợ đầu mối lớn như Giếng Vuông, Bờ Sông và tại các chợ trung tâm các huyện, công tác kiểm dịch chưa hoàn toàn là chặt chẽ. Mặc dù tại các chợ đều có cán bộ thú y chốt chặn tại cổng chợ, nhưng do lực lượng mỏng, các chợ đầu mối lại không chỉ có một cổng và vì lợi nhuận, vẫn có một lượng gia cầm không có giấy kiểm dịch được “tập kích” vào chợ để bán cho người tiêu dùng. Đây chính là một trong những khó khăn đầu tiên của các đơn vị thú y làm công tác kiểm dịch tại các chợ đầu mối. Theo cơ quan chức năng, trên lý thuyết, vào những thời điểm “nóng” về dịch bệnh thì sẽ tăng cường thêm cán bộ thú y cho công tác kiểm dịch, nhưng trên thực tế, ngành thú y hiện cũng đang rất thiếu nhân lực, vì thế, biết khó khăn nhưng vẫn chưa thể khắc phục.
Kinh doanh buôn bán gia cầm tại chợ Giếng Vuông
Kinh doanh gia cầm không đảm bảo vệ sinh
Ngoài việc kiểm dịch, việc kiểm soát buôn bán và giết mổ tại các chợ đầu mối cũng còn nhiều bất cập. Ví như tại chợ Giếng Vuông, khu kinh doanh gia cầm và sản phẩm gia cầm được tổ chức vào một khu vực nhất định, nhưng thực tế, khu buôn bán gia cầm với hơn 100 hộ kinh doanh và hơn 10 khu giết mổ tại chợ lại nằm sát khu vực kinh doanh các mặt hàng quần áo và thực phẩm khác. Tận mắt thấy ở chợ Giếng Vuông, thì các quầy hàng thịt lợn, thịt gia cầm, hải sản… đều nằm trọn trong một khu vực mà thôi. Không chỉ vậy, việc buôn bán, trao đổi gia cầm tại các chợ đầu mối diễn ra khá luộm thuộm. Vào mỗi buổi sáng tại chợ Bờ Sông, khi xe chở gia cầm từ các tỉnh khác đến tập kết tại khu vực chợ, các đầu mối bán lẻ sau một hồi mặc cả, giằng co, chằng buộc chở các lồng gia cầm về thì cái còn lại nào là lông gà, vịt, phân gia cầm. Chính điều này khiến chợ Bờ Sông không đảm bảo vệ sinh. Tại chợ Giếng Vuông cũng vậy, tình trạng buôn bán gia cầm cũng diễn ra khá lộn xộn. Bất cứ ai đi qua khu vực này tại chợ đều phải bịt mũi vì mùi bốc lên rất khó chịu. Vậy nhưng phần lớn người bán hàng gà, vịt đều không đeo khẩu trang, cũng chẳng cần găng tay khi bắt và giết mổ gia cầm. Riêng việc giết mổ thì mất vệ sinh tại chợ Giếng Vuông đã tồn tại từ lâu, một số cơ quan báo chí cũng đã nêu nhiều về chuyện này nhưng đến nay, thực trạng mất vệ sinh tại khu kinh doanh và giết mổ gia cầm tại đây vẫn chưa được khắc phục.
Không thể kiểm soát việc buôn bán chim bồ câu và chim cảnh
Ông Lưu Đức Bảo, Trạm trưởng Trạm Thú y thành phố cho biết: Trạm cũng thường xuyên phun thuốc tiêu trùng, khử độc nhưng do khu vực kinh doanh quá lớn và quá nhiều gia cầm nên không thể khử hết được mùi hôi. Đơn vị cũng đã kiến nghị nhiều về vấn đề này với Ban Quản lý chợ nhưng do quỹ đất có hạn nên vấn đề chưa được giải quyết. Theo ông Bảo, ngoài khó khăn về công tác đảm bảo vệ sinh khu kinh doanh gia cầm, trước nguy cơ về dịch cúm A/H7N9, ngành thú y hiện gặp phải một khó khăn, đó là, do chưa có quy định cụ thể về việc bắt buộc người nuôi chim bồ câu và chim cảnh phải có giấy kiểm dịch nên rất khó kiểm dịch được loại thiên cầm này. Cán bộ thú y chỉ kiểm dịch theo xác suất và triệu chứng của bệnh lý nhưng việc làm này cũng rất khó khăn vì phần đa người bán chim cảnh tại chợ thường là bán trao tay mà không để cho cán bộ thú y can thiệp.
Những khó khăn và bất cập trên vẫn diễn ra tại các chợ đầu mối về kinh doanh và buôn bán gia cầm, chim cảnh. Nếu các cơ quan chức năng và địa phương không nhanh chóng có những biện pháp khắc phục kịp thời, đặc biệt là xử lý và quy hoạch cụ thể khu kinh doanh gia cầm thì nguy cơ phát dịch cúm A/H5N1 hoặc H7N9 là rất có thể xảy ra ngay trong khu vực nội địa của tỉnh.
Bài, ảnh: TRÍ DŨNG
Ý kiến ()