Chủ nhật, 29/12/2024 13:22 [(GMT +7)]
Phòng chống tội phạm xâm hại trẻ em, tội phạm trong lứa tuổi vị thành niên
Thứ 3, 12/10/2010 | 09:02:00 [(GMT +7)] A A
LSO-Trong thời gian qua, tình trạng tội phạm xâm hại trẻ em và trẻ em vi phạm pháp luật đang trở thành vấn đề nóng bỏng tại nhiều địa phương trong cả nước. Tại tỉnh Lạng Sơn, tình trạng này cũng đang cần phải gióng lên hồi chuông báo động bởi trên thực tế đã xảy ra nhiều vụ việc nghiêm trọng và đau lòng, để lại dư luận không tốt trong quần chúng nhân dân.
Theo số liệu báo cáo của Ban chỉ đạo phòng chống tội phạm (PCTP) tỉnh, từ năm 1998 trở lại đây, trên địa bàn Lạng Sơn xảy ra 3.705 vụ phạm pháp hình sự, làm chết 262 người, bị thương 738 người, thiệt hại tài sản trị giá khoảng 29,3 tỷ đồng. Trong đó, tội phạm xâm hại trẻ em chiếm 4,58%, các hành vi vi phạm pháp luật do các em trong lứa tuổi vị thành niên gây ra chiếm 21,8% trong tổng số vụ phạm pháp hình sự. Nhận định của các lực lượng chức năng về thực trạng tội phạm xâm hại trẻ em và tội phạm trong lứa tuổi thanh niên, học sinh trên địa bàn tỉnh ta hiện chiếm tỷ lệ khá cao, ngày càng gia tăng và diễn biến phức tạp.
Xác định tình hình đó, các lực lượng chức năng của tỉnh đã thực hiện nghiêm túc Nghị quyết 09/1998/NQ-CP ngày 31/7/1998 về tăng cường công tác PCTP trong tình hình mới; Quyết định 138/1998/QĐ-TTg ngày 31/7/1998 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chương trình Quốc gia PCTP và các chương trình, kế hoạch của Ban chỉ đạo 138/CP, trong đó có triển khai thực hiện đề án 4 “đấu tranh phòng chống các loại tội phạm xâm hại trẻ em, tội phạm trong lứa tuổi vị thành niên”. Từ khi triển khai đến nay, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội (CSĐTTP về TTXH) là đơn vị được giao thực hiện đề án 4 đã tham mưu cho lãnh đạo Công an tỉnh, Ban chỉ đạo PCTP tỉnh xây dựng nhiều chương trình, kế hoạch, văn bản để chỉ đạo các cơ quan, ban ngành triển khai thực hiện. Trong công tác đấu tranh, các lực lượng chức năng của tỉnh đã quyết liệt đấu tranh PCTP xâm hại trẻ em, tội phạm trong lứa tuổi vị thành niên. Theo số liệu báo cáo của Phòng CSĐTTP về TTXH, trong 10 năm qua đã điều tra làm rõ, bắt 170 vụ với 222 đối tượng xâm hại trẻ em, 808 vụ với 1.524 trẻ em vi phạm pháp luật, trong đó đã xử lý hình sự 300 vụ với 419 đối tượng, xử lý hành chính 678 vụ với 1.327 đối tượng.
Song song với công tác đấu tranh, Ban chỉ đạo PCTP tỉnh đã chỉ đạo các cấp, các ngành đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục, vận động cán bộ CNVC và toàn dân tích cực tham gia công tác PCTP; tuyên truyền Bộ Luật hình sự năm 1999, Bộ Luật tố tụng hình sự năm 2003, nghị quyết số 06, 09/CP và chương trình Quốc gia PCTP. Cùng với đó kịp thời biểu dương những gương người tốt, việc tốt, nhân rộng những điển hình trong PCTP. Lồng ghép chương trình Quốc gia PCTP với nhiệm vụ phát triển kinh tế, chính trị, xã hội của địa phương, từng bước nâng cao ý thức, nhận thức pháp luật về thủ đoạn hoạt động của các loại tội phạm để nhân dân nắm, từ đó có ý thức tự phòng ngừa, tố giác tội phạm.
Đáng chú ý, Phòng CSĐTTP về TTXH, Công an tỉnh đã chủ động phối hợp với các phòng nghiệp vụ, Công an các huyện, thành phố đẩy mạnh các mặt công tác chuyên môn nghiệp vụ, nắm chắc tình hình địa bàn, đối tượng, nhất là các địa bàn, tuyến trọng điểm. Phân loại từng nhóm đối tượng đặc biệt là các đối tượng lưu động, các đối tượng trong nhóm nguy cơ cao hoạt động tội phạm có tổ chức, các đối tượng là thanh, thiếu niên hư, vi phạm pháp luật để có biện pháp quản lý răn đe, phòng ngừa tội phạm trong lứa tuổi này. Đồng thời tổ chức lực lượng phối hợp tuần tra nghiệp vụ tại các tuyến, địa bàn phức tạp như thành phố Lạng Sơn, huyện Cao Lộc để chủ động phòng ngừa, bắt giữ với các loại tội phạm xảy ra trên địa bàn. Phòng ngừa có hiệu quả với tình trạng thanh, thiếu niên tụ tập, đánh nhau, gây rối trật tự công cộng, đua xe, lạng lách đánh võng… Tăng cường đôn đốc, hướng dẫn Công an các huyện, thành phố thực hiện có hiệu quả công tác lập hồ sơ đưa đối tượng vào cơ sở giáo dục, trường giáo dưỡng theo Nghị định 76, 142/CP của Chính phủ. Theo thống kê, từ năm 1998 đến tháng 6/2010, toàn tỉnh đã đưa 288 đối tượng vào cơ sở giáo dục, 127 đối tượng vào trường giáo dưỡng góp phần làm tốt công tác phòng ngừa xã hội.
Những kết quả trên đã cho thấy hiệu quả của công tác tuyên truyền, đấu tranh, phòng ngừa các loại tội phạm của tỉnh ta trong thời gian qua. Để tiếp tục tục thực hiện hiệu quả đề án 4 này, thời gian tới, các cấp, các lực lượng chức năng, ban ngành, đoàn thể cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền giáo dục, đấu tranh, phòng ngừa, tập trung vào các địa bàn trọng điểm, đặc biệt là các tuyến, địa bàn phức tạp về TTXH, khu vực biên giới, cửa khẩu, trung tâm kinh tế, văn hoá, xã hội, trường học, cộng đồng dân cư ở vùng sâu, vùng cao, vùng dân tộc, từng bước nâng cao nhận thức về công tác phòng chống các loại tội phạm thuộc đề án, thông qua đó góp phần thực hiện tốt công tác bảo vệ chăm sóc và giáo dục trẻ em trên địa bàn tỉnh.
Đang tải dữ liệu
Poll
Ý kiến ()