Phòng, chống tội phạm về môi trường để phát triển nền "kinh tế xanh"
Cảnh sát phòng, chống tội phạm môi trường kiểm tra nước xả thải của một số nhà máy. "Kinh tế xanh" được Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) định nghĩa là nền kinh tế vừa mang lại hạnh phúc cho con người và công bằng xã hội, vừa giảm thiểu đáng kể các rủi ro về môi trường và khủng hoảng sinh thái.Một nền "kinh tế xanh" được đặc trưng bởi sự tăng trưởng bền vững của các hợp phần kinh tế có khả năng duy trì và gia tăng nguồn vốn tự nhiên của trái đất. Các hợp phần này bao gồm năng lượng tái tạo, vận tải ít phát thải các-bon, công nghệ sạch, hệ thống quản lý chất thải tiên tiến, dịch vụ cấp nước sạch nâng cao, tiết kiệm năng lượng, nông - lâm - ngư nghiệp bền vững...Trong quá trình phát triển kinh tế, không thể vì cái lợi trước mắt mà quên đi lợi ích lâu dài, vì phát triển kinh tế mà phá hủy môi trường tự nhiên. Đây là một trong những nguyên nhân làm biến đổi khí hậu, mà nhiều quốc gia đang phải gánh chịu. Đối với nước...
Cảnh sát phòng, chống tội phạm môi trường kiểm tra nước xả thải của một số nhà máy. |
“Kinh tế xanh” được Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) định nghĩa là nền kinh tế vừa mang lại hạnh phúc cho con người và công bằng xã hội, vừa giảm thiểu đáng kể các rủi ro về môi trường và khủng hoảng sinh thái.
Một nền “kinh tế xanh” được đặc trưng bởi sự tăng trưởng bền vững của các hợp phần kinh tế có khả năng duy trì và gia tăng nguồn vốn tự nhiên của trái đất. Các hợp phần này bao gồm năng lượng tái tạo, vận tải ít phát thải các-bon, công nghệ sạch, hệ thống quản lý chất thải tiên tiến, dịch vụ cấp nước sạch nâng cao, tiết kiệm năng lượng, nông – lâm – ngư nghiệp bền vững…
Trong quá trình phát triển kinh tế, không thể vì cái lợi trước mắt mà quên đi lợi ích lâu dài, vì phát triển kinh tế mà phá hủy môi trường tự nhiên. Đây là một trong những nguyên nhân làm biến đổi khí hậu, mà nhiều quốc gia đang phải gánh chịu. Đối với nước ta, bước khởi điểm về phát triển kinh tế khá thấp so với nền kinh tế thế giới và khu vực, nhưng từ khi Đảng ta thực hiện đường lối đổi mới với nhiều nội dung như: phát triển nền kinh tế nhiều thành phần định hướng XHCN; Việt Nam hợp tác với tất cả các nước trên thế giới để phát triển kinh tế… đất nước ta từng bước phát triển hơn về kinh tế, quá trình CNH, HĐH đã mở ra những thành tựu mới và những tương lai hứa hẹn, để Việt Nam hội nhập với nền kinh tế thế giới và khu vực; từng bước xóa đói, giảm nghèo. Nhiều sản phẩm công nghiệp, nông nghiệp, du lịch… đã khẳng định thương hiêu Việt Nam trên trường quốc tế. Tuy nhiên, chúng ta đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức về sự tác động của môi trường như vấn đề biến đổi khí hậu, hoang mạc hóa và ô nhiễm môi trường và vi phạm pháp luật về môi trường, xâm phạm trực tiếp đến quyền lợi của nhân dân, do nguồn nước bị ô nhiễm bởi chất xả thải công nghiệp, ô nhiễm khí hậu, ô nhiễm không khí… Ở một số địa phương tình trạng ô nhiễm môi trường trở thành nguyên nhân mất an ninh trật tự, trong đó, phổ biến ở các lĩnh vực như: sản xuất công nghiệp, xuất nhập khẩu, khai thác tài nguyên khoáng sản…
Thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước về tăng cường đấu tranh phòng, chống tội phạm (PCTP) và vi phạm pháp luật về môi trường trong thời kỳ CNH, HĐH, lực lượng Cảnh sát PCTP về môi trường đã triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, phát hiện, đấu tranh, xử lý có hiệu quả nhiều vụ vi phạm pháp luật về môi trường; phối hợp tuyên truyền, giáo dục, nâng cao ý thức của người dân trong việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường. Qua đó, đã huy động được cả hệ thống chính trị từ trung ương đến địa phương và các tầng lớp nhân dân vào cuộc, phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn xã hội trong công tác phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm và vi phạm pháp luật về môi trường, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển nền “kinh tế xanh”.
Thời gian tới, tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật về môi trường vẫn còn nhiều diễn biến phức tạp. Trước tình hình đó, lực lượng Cảnh sát PCTP về môi trường đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm và vi phạm pháp luật về môi trường, góp phần phát triển nền “kinh tế xanh”.
Một là, tiếp tục tổ chức thực hiện nghiêm túc các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác bảo vệ môi trường nói chung và PCTP vi phạm pháp luật về môi trường nói riêng. Từng bước sửa đổi, hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật liên quan đến công tác bảo vệ môi trường, các văn bản điều chỉnh hoạt động của lực lượng Cảnh sát PCTP về môi trường, theo hướng tăng thẩm quyền điều tra tố tụng và xử lý vi phạm hành chính cho lực lượng Cảnh sát PCTP về môi trường. Đề nghị liên ngành công an, tòa án, viện kiểm sát sớm ban hành Thông tư liên tịch hướng dẫn việc thực hiện Chương XVII (các tội phạm về môi trường) để Bộ luật Hình sự sớm đi vào cuộc sống. Đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội đưa nhiệm vụ xây dựng Pháp lệnh Cảnh sát môi trường Việt Nam vào chương trình xây dựng pháp luật năm 2013.
Hai là, kiện toàn và tăng cường năng lực tổ chức bộ máy cơ quan quản lý nhà nước về môi trường, nhất là ở cấp cơ sở, để bảo đảm thực hiện có hiệu quả các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Có cơ chế và quy định trách nhiệm phối hợp, phân công hợp lý nhiệm vụ phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm và vi phạm pháp luật về môi trường giữa các ngành, các cấp với lực lượng Công an nhân dân.
Ba là, đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức và trách nhiệm của mọi công dân trong phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm và vi phạm pháp luật về môi trường, tạo thành dư luận xã hội lên án nghiêm khắc đối với các hành vi gây ô nhiễm môi trường, suy thoái môi trường đi đôi với việc áp dụng các chế tài, xử phạt nghiêm khắc có tác dụng răn đe, ngăn ngừa vi phạm.
Bốn là, đề nghị Chính phủ có nghị quyết giao cho các doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế – xã hội, các địa phương phải có giải pháp xử lý ô nhiễm ở đơn vị, doanh nghiệp, địa phương mình trong một thời gian nhất định, có sự giám sát của cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường, sau thời gian đó, nều còn vi phạm thì sẽ điều tra, xử lý theo tình tiết tăng nặng.
Năm là, đề nghị Chính phủ giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp Bộ Công an tiếp tục rà soát, lập danh mục các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, để tham mưu cho Chính phủ tiếp tục có kế hoạch xử lý triệt để trong giai đoạn tiếp theo.
Sáu là, đề nghị Chính phủ chỉ đạo các doanh nghiệp nhà nước, nhất là các tập đoàn kinh tế chú trọng thực hiện các chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường. Ưu tiên thu hút đầu tư các dự án phát triển năng lượng sạch; dự án xử lý, tái chế chất thải các dự án công nghệ cao, đầu tư phát triển đồng bộ hạ tầng đô thị và nông thôn.
Theo Nhandan
Ý kiến ()