Chủ nhật, 24/11/2024 13:58 [(GMT +7)]
Phòng chống tội phạm buôn bán phụ nữ, trẻ em: Tuyên truyền tốt để ngăn ngừa
Thứ 6, 30/07/2010 | 08:54:00 [(GMT +7)] A A
LSO-Chương trình hành động phòng chống buôn bán phụ nữ, trẻ em (BBPNTE) từ 2004-2010 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt kèm theo Quyết định 130/2004 gồm 4 đề án, với mục tiêu tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động trong các cấp, ngành, đoàn thể và toàn xã hội nhằm phòng ngừa, ngăn chặn và giảm cơ bản tình trạng phụ nữ, trẻ em bị buôn bán. Xác định công tác truyền thông đóng vai trò rất quan trọng, từ khi triển khai Chương trình 130 đến nay, thành phố Lạng Sơn đã tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền về phòng chống BBPNTE.
Những năm qua, thành phố Lạng Sơn luôn được biết đến là đơn vị đi đầu trong công tác tuyên truyền về phòng chống BBPNTE. Bởi ngay từ khi Chương trình hành động phòng chống BBPNTE ra đời, UBND thành phố đã chỉ đạo các phòng, ban, đoàn thể chức năng xây dựng kế hoạch triển khai Chương trình tới nhân dân trên địa bàn đặc biệt chú trọng đến đối tượng thanh thiếu niên, học sinh, lực lượng giáo viên và cán bộ chủ chốt các xã, phường, các khối thôn.
Học viên tham dự lớp tập huấn về trẻ em, bình đẳng giới |
Là nòng cốt tham gia triển khai Chương trình 130, bên cạnh việc phối hợp chặt chẽ với các ngành: Công an, Hội Phụ nữ, Phòng Tư pháp… triển khai các nội dung công tác Chương trình, Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội thành phố còn chủ động tham mưu cho UBND và xây dựng kế hoạch tổ chức truyền thông về phòng chống BBPNTE trong trường học và khu dân cư. Nếu như từ 2004-2008, hoạt động truyền thông được tổ chức chủ yếu dưới hình thức lồng ghép tuyên truyền pháp luật, tuyên truyền về phòng chống tệ nạn xã hội thì từ năm 2009, công tác truyền thông được đổi mới với việc tổ chức cuộc thi tìm hiểu, tổ chức đợt tuyên truyền chuyên đề phòng chống BBPNTE tại trường học, thôn, bản. Trong năm, Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội thành phố đã tổ chức 36 buổi tuyên truyền cho gần 11.000 học sinh và giáo viên của 17 trường học trên địa bàn về các nội dung: Quyết định 130/2004 về phê duyệt Chương trình hành động Phòng chống BBPNTE; một số quy định của Nghị định 68/2002 của Chính phủ hướng dẫn chi tiết thi hành Luật Hôn nhân-Gia đình có yếu tố nước ngoài; điều 120 Bộ luật hình sự (1999) về mua bán, đánh tráo, chiếm đoạt trẻ em… Cùng với đó, Phòng đã tham mưu cho UBND thành phố tổ chức cuộc thi “Tìm hiểu về phòng chống tội phạm BBPNTE” thu hút hơn 5.100 học sinh từ lớp 3-lớp 8 của 17/17 trường học trên địa bàn tham gia. Cuộc thi đã tạo ra không không khí sôi nổi tìm hiểu về công tác phòng chống BBPNTE không chỉ ở các em học sinh mà còn cả người dân có con em tham dự. Qua cuộc thi, các em được trang bị kiến thức pháp luật, biết được những âm mưu, thủ đoạn của bọn tội phạm BBPNTE để từ đó nâng cao nhận thức và tinh thần cảnh giác đối với loại tội phạm này.
Từ hiệu quả của công tác truyền thông về phòng chống BBPNTE trong nhà trường, năm 2010 này, Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội thành phố tiếp tục đổi mới hình thức, nội dung tuyên truyền bằng cách tổ chức 10 buổi tập huấn về phòng chống tội phạm BBPNTE cho gần 400 người là trưởng các ban, ngành, đoàn thể của 8/8 xã, phường và trưởng các khối, thôn; cộng tác viên dân số, chi hội trưởng Hội phụ nữ các khối, thôn. Anh Nguyễn Hoàng, Trưởng Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội thành phố khẳng định: Với những kiến thức được trang bị, mỗi học viên tham dự sẽ trở thành một tuyên truyền viên đắc lực cho Chương trình phòng chống BBPNTE. Và sau các lớp tập huấn, sẽ có thêm những buổi truyền thông được tổ chức lồng ghép tại các cuộc họp khu dân cư, sinh hoạt của các ngành, đoàn thể. Qua đó, Chương trình phòng chống BBPNTE tiếp tục được triển khai sâu rộng, tạo sự chuyển biến về nhận thức và hành động trong cộng đồng nhằm phòng ngừa, ngăn chặn tình trạng BBPNTE.
Thời gian qua, trên địa bàn thành phố chưa xảy ra vụ buôn bán phụ nữ, trẻ em nào. Song không vì thế mà công tác truyền thông về phòng chống BBPNTE bị lơ là. Tuyên truyền tốt để ngăn ngừa tình trạng phụ nữ, trẻ em bị buôn bán chính là yếu tố làm nên hiệu quả thực hiện Chương trình 130 ở thành phố Lạng Sơn từ 2004 đến nay, và đó cũng sẽ là kinh nghiệm để thành phố tiếp tục đẩy mạnh công tác phòng chống tội phạm BBPNTE nói riêng và phòng chống tội phạm nói chung trong thời gian tiếp theo.
Đang tải dữ liệu
Poll
Ý kiến ()