Phòng, chống thủ đoạn lợi dụng trí tuệ nhân tạo để phá hoại nền tảng tư tưởng của Đảng
Trí tuệ nhân tạo (Artificial Intelligence-AI) đã, đang và sẽ mở ra những cơ hội cũng như thách thức đối với công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Sức mạnh AI có thể được sử dụng để tăng cường hiệu quả truyền thông, quản lý và định hướng tư tưởng. Tuy nhiên, đi liền với cơ hội là nguy cơ khi các thế lực thù địch, phản động lợi dụng AI để “nâng cấp” các thủ đoạn phá hoại nền tảng tư tưởng của Đảng. Thực tế đó đặt ra phải triển khai các biện pháp ứng phó phù hợp nhằm tận dụng cơ hội cũng như phòng ngừa mặt trái từ AI, qua đó góp phần bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng.
Nhận diện âm mưu, thủ đoạn lợi dụng AI để chống phá Đảng, Nhà nước
Thời gian gần đây, các thế lực thù địch, phản động tận dụng AI và mạng xã hội để “nâng cấp” các thủ đoạn phá hoại nền tảng tư tưởng của Đảng một cách bài bản, có tổ chức và ngày càng tinh vi hơn. Thủ đoạn phổ biến mà các thế lực thù địch đang sử dụng là lợi dụng AI để tạo và lan tỏa thông tin xấu độc (tin giả) đến các tầng lớp nhân dân một cách liên tục, rộng khắp, thần tốc với mục tiêu gây hoang mang, xói mòn niềm tin của nhân dân vào đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước.
Các thế lực thù địch tạo ra thông tin xấu độc bằng cách lợi dụng AI tạo ra những câu chuyện hoàn toàn không có thật, thông tin dựa trên đồn đoán, chèn thông tin giả vào một sự kiện có thật, chắp nối các sự kiện không liên quan với nhau, sử dụng nhân chứng giả hoặc nhân chứng có thành kiến (định kiến) về một chủ đề, trích dẫn tuyên bố của một người có uy tín vào một tình huống không liên quan.
Theo nghiên cứu của các cơ quan chức năng, ở Việt Nam hiện nay, các tin giả trên mạng chủ yếu được tạo ra bởi một số phần tử phản động và những cá nhân cơ hội chính trị, cực đoan chống đối. Một số tin giả khác được tạo ra bằng cách sử dụng các “robot mạng” (còn gọi là “bots”) có sử dụng công nghệ AI. Những tin giả này được tự động tán phát vào các nhóm phản động, sau đó lan rộng ra các hội nhóm khác, tạo ra một lượng lớn tin giả trong thời gian ngắn. Nhiều tin giả được lan truyền thông qua các “tài khoản con rối” (tài khoản giả mạo được tạo ra bởi AI), làm cho người dùng internet không biết được số lượng thực sự và danh tính của những người chia sẻ thông tin trên mạng. Gần đây, các thế lực thù địch còn lợi dụng một số phần mềm AI như “photoshop giọng nói” hoặc “kỹ thuật chỉnh sửa video” để chỉnh sửa nội dung phát biểu của các nhân vật, thậm chí làm giả hoàn toàn một video clip để tạo ra các câu chuyện không đúng sự thật phục vụ các mục đích chống phá Đảng, Nhà nước ta.
Dưới sự hỗ trợ của AI, các đối tượng đã tạo ra các nhân vật ảo với khuôn mặt và giọng điệu giống hệt những người dẫn chương trình từ các kênh thông tin chính thống. Tiếp đó, chúng xây dựng những kịch bản hấp dẫn, thường có tính chất gay cấn với nội dung sai lệch, phản động, nhằm thu hút sự chú ý và tương tác từ cộng đồng mạng. Nhiều video còn được gắn thêm logo của các kênh tin tức uy tín, gây nhầm lẫn cho người xem rằng đây là thông tin đã được kiểm chứng.
Thủ đoạn tinh vi hơn là các thế lực thù địch lợi dụng AI để thu thập dữ liệu thông tin cá nhân, từ đó điều hướng thông tin và thao túng tâm lý người dùng. Đây là thủ đoạn hết sức nguy hiểm vì nó đã và đang được các thế lực thù địch tiến hành một cách thường xuyên, liên tục nhằm tạo hiệu ứng “mưa dầm thấm lâu”. Theo các chuyên gia công nghệ, hiện nay, tất cả hoạt động trên không gian mạng như bài đăng, lượt thích, bình luận, thời gian tương tác... đều trở thành dữ liệu để các nền tảng thu thập. Trên cơ sở dữ liệu đó, AI hoàn toàn có thể “vẽ được chân dung chi tiết của mỗi cá nhân”, hình thành sự hiểu biết về người dùng. Từ những tri thức này, hệ thống AI sẽ học và hiểu người dùng cả trong ngắn và dài hạn. Khi biết được tư duy, định hướng của người dùng thì việc định hướng thông tin (gửi các thông tin, thông điệp phù hợp với từng cá nhân), hay tập hợp lực lượng “những người có chung quan điểm” để phục vụ mục đích nào đó càng trở nên dễ dàng hơn.
Phòng ngừa, khắc phục mặt trái của AI để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng
Trên cơ sở nhận diện đúng âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, phản động lợi dụng AI để chống phá Đảng, Nhà nước, chúng ta cần triển khai những giải pháp khoa học, đồng bộ nhằm phòng ngừa, khắc phục những mặt trái của AI để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.
Việc cần làm trước hết là tăng cường tuyên truyền, giáo dục cho đội ngũ cán bộ, đảng viên và tác tầng lớp nhân dân nâng cao nhận thức và khả năng phòng ngừa, ứng phó trước những thông tin xấu độc trên mạng xã hội. Đây là giải pháp quan trọng hàng đầu, là cơ sở tiền đề để chúng ta nâng cao “khả năng tự miễn dịch” trước những âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, phản động lợi dụng AI để phá hoại nền tảng tư tưởng của Đảng. Để triển khai thực hiện giải pháp này cần phát huy vai trò của đội ngũ cán bộ, đảng viên, sự chung sức, đồng lòng của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân; trong đó, hệ thống các cơ quan báo chí chính thống đóng vai trò then chốt trong việc cung cấp thông tin chính xác và định hướng dư luận tích cực, giúp mọi người nhận biết và nhận thức đúng về cơ hội, thách thức cũng như âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, phản động lợi dụng AI để chống phá Đảng, Nhà nước.
Các cơ quan báo chí, truyền thông cần chủ động cập nhật các thông tin về sự phát triển của AI trên thế giới, nhất là những cảnh báo về mặt trái của AI; tăng cường phối hợp với các đơn vị, tổ chức chuyên trách trong nước về chống tin giả, từ đó xây dựng hệ thống các chương trình, nội dung tuyên truyền, phân tích và làm rõ các chiêu trò, thủ đoạn lợi dụng AI để tạo và lan truyền tin giả, tin sai trái, xuyên tạc. Bên cạnh đó, các cơ quan báo chí, truyền thông quan tâm tuyên truyền, định hướng, trang bị cho công chúng, cộng đồng mạng những kiến thức, kinh nghiệm cần thiết để tự bảo vệ thông tin cá nhân; nâng cao tinh thần cảnh giác trước những thông tin xấu độc, ứng phó hiệu quả với những thách thức đến từ AI nói chung, âm mưu, thủ đoạn lợi dụng AI chống phá nền tảng tư tưởng của Đảng của các thế lực thù địch, phản động nói riêng.
Giải pháp căn cơ là chú trọng xây dựng, phát triển đội ngũ cán bộ, chuyên gia trong nghiên cứu, khai thác làm chủ và phát triển các ứng dụng AI phục vụ công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Trước mắt, tập trung ưu tiên nguồn nhân lực cho các cơ quan, đơn vị, tổ chức trực tiếp tham gia thực hiện nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Cùng với đó, cần quan tâm đầu tư xây dựng hạ tầng cơ sở, trang bị kỹ thuật nhằm ứng dụng và phát huy AI trong công tác đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch. Hiện nay, việc ứng dụng công nghệ AI vào thực hiện nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của các cơ quan, đơn vị chuyên trách còn những hạn chế nhất định. Một trong các nguyên nhân của hạn chế này là hệ thống hạ tầng cơ sở, trang thiết bị, nhất là hệ thống các trung tâm dữ liệu lớn chưa đồng bộ; các cơ quan chủ quản dữ liệu số chưa sẵn sàng kết nối, chia sẻ dữ liệu; hệ thống dữ liệu chưa được chuẩn hóa dẫn đến sức mạnh dữ liệu chưa được giải phóng, gây khó khăn trong triển khai, phát triển các ứng dụng liên quan đến AI.
Do vậy, việc xây dựng, phát triển hệ thống hạ tầng cơ sở, trung tâm dữ liệu lớn là vấn đề cấp thiết. Theo đó, cần ưu tiên xây dựng hệ thống hạ tầng cơ sở gắn với mục tiêu chuyển đổi số quốc gia theo lộ trình đã xác định; đẩy mạnh xây dựng mới, củng cố, nâng cấp hệ thống các trung tâm dữ liệu theo hướng tập trung phát triển sản phẩm AI (ngôn ngữ Việt Nam) cung cấp các thông tin mang tính đặc thù, bản địa, đặc trưng của người Việt và theo từng vùng, miền, lĩnh vực cụ thể để người dùng có thể hỏi đáp các thông tin mang tính đặc thù của Việt Nam, như: Quy định, văn bản pháp luật, lịch sử, địa lý, văn học, phong tục tập quán..., từ đó có thể dễ dàng tìm kiếm các nguồn thông tin nhanh chóng, chính xác và tin cậy. Mặt khác, cần đẩy mạnh đầu tư nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu ứng dụng, phát triển các sản phẩm sử dụng AI mang thương hiệu Việt Nam với mục tiêu nâng cao chất lượng thông tin, truyền thông; tự động phát hiện, phòng chống tin giả, tin chống phá Đảng, Nhà nước.
Trong bối cảnh hiện nay, việc xây dựng các văn bản pháp luật, khung pháp lý về giám sát và quản lý AI ở nước ta cần đáp ứng các yêu cầu vừa phải bảo đảm duy trì kiểm soát, kiểm duyệt nội dung thông tin phù hợp định hướng, thuần phong mỹ tục, vừa phải tạo ra không gian đủ rộng để doanh nghiệp phát triển. Theo đó, thực hiện các biện pháp như: Yêu cầu nhà cung cấp nền tảng phải đăng ký dịch vụ và tiến hành đánh giá an ninh trước khi sản phẩm được tung ra thị trường; bắt buộc dán nhãn trên nội dung do AI tạo ra; sử dụng dữ liệu hợp pháp để huấn luyện mô hình AI và cung cấp thông tin khi cơ quan chức năng yêu cầu; cấm sử dụng các nội dung kích động lật đổ chính quyền và chế độ cũng như vi phạm quyền riêng tư; quyền yêu cầu các đơn vị cung cấp dịch vụ loại bỏ nội dung bất hợp pháp và ngăn chặn việc tán phát thông tin xấu độc.
AI là sản phẩm của văn minh nhân loại, mang đến cơ hội to lớn để mỗi quốc gia nói chung, Việt Nam nói riêng thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, song cũng đặt ra những thách thức không nhỏ trên mọi lĩnh vực, nhất là quốc phòng, an ninh, đối ngoại. Đây cũng là vấn đề đã được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu ra tại Hội nghị Trung ương 8 (khóa XIII): “Thế giới ngày nay đã, đang và sẽ đứng trước nhiều thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức mới đan xen đối với sự phát triển nhanh và bền vững dưới tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Trí tuệ nhân tạo và một số thành tựu công nghệ mới có khả năng thay thế con người trên một số lĩnh vực, tạo ra khối lượng thông tin, tri thức khổng lồ và những hiệu ứng làm thay đổi cả về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, con người và lối sống”.
Nhận thức rõ điều đó, chúng ta vừa tận dụng những tiến bộ, lợi ích, vừa chủ động phòng ngừa những mặt trái của AI; đồng thời tỉnh táo nhận diện, kiên quyết đấu tranh với các âm mưu, thủ đoạn lợi dụng AI để chống phá Đảng, Nhà nước và chế độ XHCN, qua đó góp phần bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Ý kiến ()